Công nghệ

CEO Bybit: Sàn tiền số là cơ hội để nhân lực blockchain Việt tỏa sáng

Tóm tắt:
  • Ben Zhou đánh giá cao kỹ sư Việt Nam trong lĩnh vực blockchain và tiềm năng cống hiến của họ.
  • Bybit mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý cho sàn giao dịch tiền số.
  • Việt Nam cần xác định rõ mục tiêu kiểm soát hay phát triển đối với tiền mã hóa.
  • Rửa tiền không phải là vấn đề lớn trong tiền mã hóa nhờ vào khả năng truy vết.
  • Bybit ấn tượng với năng lực của đối tác bảo mật Việt Nam và tin vào nguồn nhân lực kỹ thuật tại đây.

Nhân dịp đến Hà Nội tuần này, Ben Zhou, người đồng sáng lập và CEO Bybit Technology, chia sẻ với VnExpress về nhân lực, thị trường tại Việt Nam và vai trò của khung pháp lý cho sàn tiền số.

Nhà sáng lập Bybit Ben Zhou trong chuyến làm việc tại Việt Nam, tháng 4/2025. Ảnh: Lưu Quý

Nhà sáng lập Bybit Ben Zhou trong chuyến làm việc tại Việt Nam, tháng 4/2025. Ảnh: Lưu Quý

- Mục tiêu của ông trong chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam là gì?

- Thời gian qua, tôi có dịp làm việc với nhiều người bạn và công ty Việt, trong đó có cả những doanh nghiệp mà tôi đánh giá trình độ của họ ở tầm thế giới. Tôi thật sự ấn tượng với năng lực của kỹ sư Việt Nam và mong muốn gặp họ.

Việt Nam đang xây dựng Nghị quyết thí điểm cho hoạt động của sàn giao dịch tiền số. Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng ngày 17/4, ông ấy nhấn mạnh Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư công nghệ số và đánh giá cao thiện chí hợp tác của Bybit trong việc phát triển thị trường tài sản mã hóa. Chúng tôi tin mình có thể hỗ trợ ở nhiều khía cạnh như xây dựng hệ thống vận hành, đào tạo nhân lực, kiểm soát rủi ro, cũng như chia sẻ kinh nghiệm xây dựng quy trình và khung pháp lý.

- Ông đánh giá thế nào về việc Việt Nam nghiên cứu khung pháp lý cho sàn giao dịch tiền số?

- Việt Nam là một trong những thị trường lớn nhất Đông Nam Á, với dân số trẻ và năng động. Tuy nhiên, về khung pháp lý cho tài sản số, Việt Nam đi sau một số nước trong khu vực. Singapore có khung pháp lý từ lâu và được xem là điểm đến thân thiện với tiền số. Thái Lan và Malaysia cũng đang áp dụng khung pháp lý cụ thể.

Dù đi sau, điểm tích cực là người dân, nhất là giới trẻ, đã sử dụng crypto nhiều năm. Lĩnh vực này không hoàn toàn mới mẻ, tôi nghĩ việc thiết lập khung pháp lý lúc này là cơ hội tốt cho cả ngành công nghiệp, người dân và chính phủ.

Mô hình sandbox Việt Nam đang triển khai là hướng đi hợp lý. Khi gặp gỡ các nhà quản lý, tôi cũng đề xuất một số chương trình hợp tác để hoàn thiện khung, cũng như cung cấp hỗ trợ kỹ thuật. Với vai trò một sàn toàn cầu, chúng tôi mong muốn tham gia thị trường này bằng cách thành lập liên doanh, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, thanh khoản, kinh nghiệm vận hành. Bybit có nhiều giấy phép hoạt động tại các quốc gia khác, có thể chia sẻ bài học thực tiễn trong việc triển khai và tuân thủ.

- Ông nhắc đến "mô hình". Cụ thể có những mô hình nào và Việt Nam nên học hỏi từ đâu?

- Điều này phụ thuộc mục tiêu của chính phủ. Một số nơi xem tiền số là rủi ro, liên quan đến rửa tiền và tội phạm nên khung pháp lý ra đời để kiểm soát. Ngược lại, có nơi coi đây là ngành cần được phát triển và chủ động tạo điều kiện, từ kết nối với ngân hàng đến hỗ trợ doanh nghiệp.

Việt Nam cần xác định rõ muốn kiểm soát hay phát triển. Khoảng 60-70% quốc gia trên thế giới hiện tiếp cận tiền mã hóa theo hướng kiểm soát, tập trung vào phòng chống rửa tiền, kiểm soát dòng vốn và gian lận, khiến lĩnh vực khó phát triển. Trong khi đó, phần còn lại chủ động thu hút doanh nghiệp, tạo hệ sinh thái, kết nối tài chính và đã đạt tốc độ phát triển ấn tượng. Theo tôi, UAE là thị trường có cách tiếp cận tiên tiến nhất, tiếp đến là Singapore và thành phố Hong Kong. Cả ba đều có những bài học đáng tham khảo.

- Tiền mã hóa từng là "miền Tây hoang dã", nhưng đang có xu hướng bị quản lý chặt. Đây là rào cản hay động lực cho sức phát triển của lĩnh vực này?

- Tôi nghĩ đó là bước tiến tích cực. Các quốc gia chỉ có hai lựa chọn: cấm hoặc cấp phép. Nhiều nước lựa chọn cấp phép, cho thấy ngành đang tiến tới sự chính thống và minh bạch, trở thành một ngành công nghiệp hợp pháp, từ đó mở rộng mức độ tiếp cận và thúc đẩy ứng dụng rộng rãi hơn.

Chúng tôi đang xin giấy phép MiCA tại châu Âu và sắp được chấp thuận. Bybit cũng đã có giấy phép tại UAE, Hà Lan, Argentina... và đang nộp hồ sơ tại một số nước châu Á khác. Nguyên tắc của chúng tôi là: ở đâu có luật, chúng tôi sẽ xin phép và tuân thủ.

Ben Zhou, tháng 4/2025. Ảnh: Lưu Quý

Ben Zhou, tháng 4/2025. Ảnh: Lưu Quý

- Một trong những nỗi lo của các nhà quản lý về tiền mã hóa là hành vi rửa tiền. Ông nhìn nhận ra sao về nguy cơ này, và ngoài ra còn nguy cơ nào cần lưu tâm?

- Thực ra rửa tiền không phải vấn đề quá lớn trong lĩnh vực tiền mã hóa, vì mọi thứ đều có thể truy vết. Vấn đề nằm ở việc nhiều người chưa KYC (xác minh danh tính). Hiện các sàn lớn, trong đó có Bybit, áp dụng KYC bắt buộc và kiểm tra nghiêm ngặt như sàng lọc tên, đối chiếu danh sách trừng phạt trên toàn cầu. Chúng tôi đánh giá mức độ tiếp xúc với thị trường đen của các sàn giao dịch lớn rất thấp. Ngoài ra, công nghệ có thể xử lý vấn đề này, ví dụ Travel Rule - khi chuyển tiền phải ghi rõ thông tin người nhận.

Hồi tháng 2, Bybit bị hack. Chúng tôi đã phục hồi hoàn toàn về khối lượng giao dịch, tài sản người dùng và mức độ hoạt động. Sự cố không xảy ra trên hạ tầng của Bybit mà từ bên thứ ba là ví lạnh của Safe. Câu chuyện đem đến một bài học lớn là không nên phụ thuộc bên thứ ba và chúng tôi quyết định tự phát triển toàn bộ hệ thống lưu trữ nội bộ. Chúng tôi cũng nâng cấp quy trình giám sát ví và tiến hành hai vòng kiểm toán bảo mật sâu. Khá thú vị khi điều này do một công ty bảo mật với đội ngũ kỹ sư Việt Nam thực hiện.

- Ông nhiều lần nhắc đến đối tác người Việt. Ông đánh giá sao về nhân lực Việt Nam trong ngành?

- Tôi rất bất ngờ khi gặp Verichains, đối tác bảo mật mới của chúng tôi từ Việt Nam. Họ không chỉ giỏi, mà theo tôi còn đạt đẳng cấp thế giới, có thể ở vị trí top 3. Họ đang tham gia kiểm thử thâm nhập, xem code, đánh giá toàn bộ hệ thống. Trước đây, chúng tôi làm việc với một số công ty từ Mỹ hoặc Israel, nhưng làm việc với đối tác bảo mật từ Việt Nam vẫn là điều ấn tượng nhất: họ chuyên nghiệp, nhanh chóng, tận tâm. Chúng tôi là những người bạn tốt và tôi dự định sẽ thăm họ trong chuyến đi này.

Đối tác của tôi nói Việt Nam có cộng đồng nhà phát triển rất giỏi. Trước đó, tôi cũng nghe tới điều này, ví dụ một số công ty khá nổi tiếng ở Singapore, nhưng toàn bộ nhóm phát triển đều đặt tại Việt Nam. Vì vậy, tôi thực sự tin Việt Nam có nguồn nhân lực kỹ thuật rất mạnh. Điều này đặc biệt ý nghĩa khi ngành crypto dần được thừa nhận, mở ra cơ hội cho nhiều người trẻ tham gia. Đây là một trong số ít ngành không bị ràng buộc bởi ranh giới quốc gia, cho phép mọi người tham gia và đóng góp một cách công bằng và cho toàn cầu. Tôi nghĩ đó là điều rất tích cực.

- Dựa trên kinh nghiệm của ông, những yếu tố nào quyết định thành công khi xây dựng sàn giao dịch tài sản số, và một quốc gia nên bắt đầu từ đâu?

- Để điều hành một sàn giao dịch được cấp phép và quản lý, điều đầu tiên phải tuân thủ hoàn toàn luật pháp, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hạ tầng kỹ thuật và ví lưu trữ. Tiếp theo phải có đội ngũ có kinh nghiệm vận hành sàn, quản lý sản phẩm và thanh khoản. Đây là những yếu tố then chốt.

Xây dựng một sàn từ con số 0 rất khó. Bạn sẽ cần một đội ngũ kỹ sư phát triển hùng hậu để xây dựng hệ thống, viết code, hoặc các bạn cũng có thể hợp tác với một sàn giao dịch hiện có. Có nhiều lựa chọn cho các ngân hàng và đơn vị ở Việt Nam. Bybit cũng sẵn sàng hỗ trợ việc này.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.

Vụ sản xuất thuốc giả quy mô ‘khủng’: Thuốc chữa xương khớp chủ yếu thành phần chất ‘cấm’ dùng trong đông y

Liên quan tới vụ đấu tranh, triệt phá đường dây sản xuất thuốc giả quy mô toàn quốc, kết quả phân tích, xét nghiệm mẫu thuốc giả thuộc nhóm thuốc đông dược, phát hiện trong thành phần thuốc có lượng lớn thuốc giảm đau, không được phép sản xuất trong đông y.

Thêm một bệnh viện thu hồi, ngừng tư vấn sữa của công ty bị điều tra trong đường dây sản xuất sữa giả

Trước thông tin cơ quan chức năng triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn cho biết đã khẩn trương rà soát toàn bộ các sản phẩm sữa đang được sử dụng tại đơn vị.