Nhân viên Công ty Điện lực Duyên Hải hỗ trợ kiểm tra trạm điện trước Nhà máy thép Á Châu (Khu công nghiệp Hiệp Phước) khi được đơn vị nhờ - Ảnh: L.PHAN
Là khu vực nằm tại phía nam TP, đặc thù nhiều sông rạch nhất nên việc cấp điện cho khu vực huyện Cần Giờ, mở rộng ra Nhà Bè cũng có những đặc thù nhất định.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Công Thành - giám đốc Công ty Điện lực Duyên Hải (thuộc Tổng công ty Điện lực TP.HCM) - kể lại năm 1980, Cần Giờ bắt đầu có ánh sáng điện với máy phát điện công suất 100kW và chỉ có thị trấn Cần Thạnh mới có 3 giờ có điện mỗi ngày.
Năm 1990, huyện Cần Giờ nỗ lực cùng với các sở, ban ngành TP và trung ương đem lưới điện quốc gia vượt sông Soài Rạp về với địa phương. Cùng với mốc thời gian đó, Công ty Điện lực Duyên Hải được thành lập với tên gọi là Chi nhánh điện Duyên Hải thuộc Sở Điện lực TP.HCM.
"Từ ngày đầu thành lập chỉ có vài ngàn khách hàng, đến năm 2010 cũng chỉ có 20.000-30.000 khách hàng. Đến sau này khi tiếp nhận thêm huyện Nhà Bè thì Công ty Điện lực Duyên Hải cũng cấp điện cho khoảng 107.000 khách hàng và đảm bảo cung cấp điện xuyên suốt cho người dân", ông Thành cho biết thêm.
Về việc hiện nay khi số lượng khách hàng đã tăng gấp nhiều lần như vậy thì việc đầu tư hạ tầng điện như thế nào để đảm bảo việc cấp điện không bị quá tải, gián đoạn, ông Thành cho biết mỗi năm, công ty đều sử dụng nguồn vốn đầu tư để phát triển, hoàn thiện mạng lưới từ cấp độ thấp và cấp độ cao.
Đến nay, công ty quản lý khoảng 563,378km đường dây trung thế, 689,64km đường dây hạ thế, 1.375 trạm biến thế phân phối. Các thiết bị đóng cắt, điều khiển từ xa đạt 100%.
Do đặc thù các khu dân cư thường tách nhau thành từng cụm và có nhiều kênh rạch chia cắt nên công ty cũng thành lập ba điểm ứng trực khác nhau tại các khu dân cư lớn. Khi có sự cố, người dân có thể liên hệ qua tổng đài và từ đó nhân viên trực nắm bắt tình hình, hỗ trợ xử lý ngay tức thì.
"Anh em công nhân đa số là người địa phương nên họ rành rọt địa bàn. Khu vực này không như trung tâm nhà cửa dễ tìm. Chỉ có dân bản địa mới biết khách hàng là ở đâu, con ai và có sự tiếp cận hỗ trợ nhanh nhất", ông Thành nói.
Đối với hướng đảm bảo an sinh xã hội, công ty đã làm đường cáp ngầm xuyên biển với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỉ đồng. Từ đó, đưa xã đảo Thạnh An trở thành vùng nông thôn mới. Nhờ có điện từ năm 2015 đến nay mà khu vực đã thay da đổi thịt, có những bước phát triển mạnh.
"Chúng tôi đang có tham vọng làm thêm hơn 20km đường cáp ngầm đi trong mép rừng rồi qua xã đảo Thạnh An để có hai đường dây cung cấp, ổn định điện cho khu vực này. Đồng thời, sẽ ngầm hóa hoàn toàn cho xã đảo Thạnh An vào cuối năm 2022. Sau đó là ngầm hóa hoàn toàn cho thị trấn Cần Thạnh, tạo mỹ quan phục vụ du lịch", ông Thành chia sẻ.
Đến nay sau 32 năm thành lập, Công ty Điện lực Duyên Hải từ một đơn vị chỉ phục vụ vài ngàn hộ dân đã đảm bảo cung cấp điện cho hàng trăm ngàn hộ dân. Chưa kể với tốc độ đô thị hóa, nhiều nhà máy, khu công nghiệp được thành lập, hoạt động trên địa bàn cũng luôn được cấp điện ổn định.
Là một đơn vị có mức đóng tiền điện "khủng" mỗi tháng, khoảng 10 tỉ, ông Nguyễn Văn Kịch - phó giám đốc Nhà máy thép Á Châu (Khu công nghiệp Hiệp Phước) - cho biết việc cung cấp điện cho sản xuất luôn ổn định, ít bị sự cố.
"Thường nếu có sự cố hay sửa chữa, phía điện lực sẽ báo trước, còn do khách quan thì ít. Nhiều năm đóng trên địa bàn thì thấy thái độ của đơn vị cung cấp điện tại đây rất tốt, thủ tục nhanh gọn, hỗ trợ nhiệt tình", ông Kịch nói.