Tài chính

Cạnh tranh Mỹ-Trung gay gắt, Washington kêu gọi đồng minh chọn phe, tránh thành "món ăn" của người khác

Washington đưa ra 'lựa chọn tốt'

Từ châu Phi đến châu Á - Thái Bình Dương, một số quốc gia đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải chọn phe trong bối cảnh sự cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc ngày càng gay gắt. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhấn mạnh điều này trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hồi giữa tháng 2.

Khi được hỏi liệu Mỹ có đang gặp thách thức trong việc liên minh hay không khi căng thẳng Mỹ - Trung dẫn đến sự chia rẽ lớn hơn, ông Blinken nói rằng "nếu bạn không có mặt 'trên bàn' trong hệ thống quốc tế, bạn sẽ có tên trong 'thực đơn'", và cho biết thêm rằng Washington đã "tái tham gia đa phương".

Cạnh tranh Mỹ-Trung gay gắt, Washington kêu gọi đồng minh chọn phe, tránh thành 'món ăn' của người khác- Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich vào ngày 17/2/2024. Ảnh: MSC

Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 24/2 đưa tin, các chuyên gia cho rằng nhận xét này của ông Blinken nhằm kêu gọi đoàn kết với các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là các nước châu Âu, và không nhắm trực tiếp vào Bắc Kinh.

Nhà nghiên cứu cấp cao Lu Xiang của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết, nhận xét của ông Blinken nhằm mục đích cổ vũ sự đoàn kết của liên minh trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu Mỹ - Trung chưa từng có.

"Ông Blinken nhấn mạnh vào sự đoàn kết của các đồng minh, nghĩa là nếu [họ] liên minh với Mỹ, họ sẽ không bị biến thành 'món ăn' của người khác", Lu nói.

"Đồng thời, ông ấy [Blinken] đang xoa dịu các đồng minh của mình, hầu hết trong số họ lo ngại rằng nếu căng thẳng tiếp tục giữa Mỹ và Trung Quốc, họ sẽ rơi vào một kịch bản không thể đảo ngược", Lu nói.

Tại Munich, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đã "tái đầu tư vào các liên minh của Mỹ, vào quan hệ đối tác của Mỹ và vào hệ thống đa phương", bởi vì "chúng tôi [Mỹ] có lợi khi làm điều đó".

Ông Blinken nói thêm rằng, Mỹ không ép buộc các nước khác phải lựa chọn mà chỉ "đưa ra một lựa chọn tốt".

"Và nếu chúng ta có thể làm được điều đó - và tôi tin là chúng ta có thể, chúng ta đã và sẽ tiếp tục - thì tôi nghĩ sự lựa chọn sẽ trở nên khá hiển nhiên," Blinken nói.

Josef Gregory Mahoney - giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải - nói rằng nhận xét của ông Blinken là lời cảnh báo đối với các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là một số nước châu Âu, khi họ tìm kiếm mối quan hệ nồng ấm hơn với Bắc Kinh.

Thông điệp này cũng nhằm vào "bất kỳ ai khác nghĩ rằng họ có thể tránh chọn phe hoặc những người đang cân nhắc chọn Bắc Kinh", Mahoney nói.

Alfred Wu - phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lee Kuan Yew thuộc Đại học Quốc gia Singapore - cho biết: "Với giọng điệu ôn hòa của ông Blinken, khó có trường hợp ông ấy nhắm vào Trung Quốc theo cách tiêu cực như vậy."

"Ở một phạm vi lớn hơn, câu nói của ông Blinken cũng mang tính chất vận động bầu cử, nhằm cảnh báo cử tri trong nước [Mỹ] không nên quay trở lại chủ nghĩa biệt lập thời [cựu Tổng thống Donald] Trump [trong chính sách đối ngoại]", Wu nói.

Châu Âu tăng cường hợp tác với Trung Quốc

Theo SCMP, các nền kinh tế lớn ở châu Âu đã tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong những tháng gần đây.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz là nhà lãnh đạo đầu tiên của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đến thăm Bắc Kinh kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11/2022. Ông Scholz được cho là sẽ thăm lại Bắc Kinh vào tháng 4 tới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt tại Trung Quốc vào tháng 4 năm ngoái khi ông nhấn mạnh rằng châu Âu phải giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và tránh bị lôi vào cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Đài Loan.

Cạnh tranh Mỹ-Trung gay gắt, Washington kêu gọi đồng minh chọn phe, tránh thành 'món ăn' của người khác- Ảnh 2.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron duyệt đội danh dự trong lễ đón chính thức tại Đại lễ đường Nhân dân, ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 6/4/2023. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị - người đã đến thăm Pháp sau khi tham dự Hội nghị An ninh Munich - cho biết: "Trung Quốc đánh giá cao việc Pháp tuân thủ độc lập và tự chủ, đồng thời hy vọng rằng Pháp sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc - châu Âu; tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy sự hội tụ lợi ích và cùng nhau hành động như một lực lượng ổn định trong thế giới ngày nay."

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng đã đến thăm châu Âu vào tháng 6 năm ngoái và một lần nữa vào tháng trước, khi ông cảnh báo châu Âu về việc "giảm rủi ro" từ Trung Quốc.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm