Thời sự

Cận cảnh quá trình khổ luyện của những diễn viên múa ở Hà Nội: Làm quen với nỗi đau, mồ hôi và nước mắt

Một ngày được chứng kiến việc tập luyện của các nữ diễn viên múa tương lai tại Học viện Múa Việt Nam (Hà Nội) – một trong những chiếc nôi đào tạo nghệ thuật múa của cả nước, chúng tôi không khỏi thán phục trước những sự cố gắng, nỗ lực của cả cô và trò tại đây. Có thể nói họ là những “ngọn lửa” đang bùng cháy mãnh liệt với nghề.

Khổ luyện để tỏa sáng

Để khán giả được chiêm ngưỡng những động tác chuẩn xác, những kĩ thuật chuẩn mực của các lĩnh vực múa như: ballet, múa dân gian, dân tộc; múa truyền thống, múa đương đại,… trong mỗi tác phẩm múa đòi hỏi cả một quá trình học tập và rèn luyện không những của riêng các diễn viên.

Một buổi học của của những sinh viên trường múa diễn ra thật đặc biệt. Mở đầu tiết học là những bài khởi động ép cơ. Những tưởng chỉ là khởi động bình thường, nhưng thật bất ngờ những bài tập này lại vô cùng khắc nghiệt.

Những bài khởi động trước khi vào buổi tập luyện.

Phía sau ánh hào quang của nghề múa biểu diễn: Chẳng mấy ai dám theo đuổi đến cùng - Ảnh 2.

Dù là bài tập khởi động thường xuyên, nhưng mỗi lần thực hiện ai nấy cũng phải nhăn mặt đau đớn.

Tất cả sinh viên theo học ngành múa đều từng phải chịu rất nhiều đau đớn trong quá trình khổ luyện.

Múa là một bộ môn nghệ thuật biểu diễn, sử dụng ngôn ngữ hình thể để phản ánh tình cảm, hiện tượng của cuộc sống. Nghề múa đòi hỏi phải hội tụ nhiều tiêu chuẩn, rất khắt khe. Bên cạnh năng khiếu, để theo đuổi đam mê và sống được với nghề cần phải rất nhiều nỗ lực và khổ luyện.

Để theo đuổi nghệ thuật múa, diễn viên phải đạt được các tố chất như: hình thể đẹp, cơ thể dẻo dai, sắc thái biểu cảm phù hợp với tác phẩm, tai nghe tiết tấu nhạc chính xác… Diễn viên múa, cần phải rèn luyện biểu cảm trình diễn, để thể hiện được các yêu cầu kỹ thuật và nội dung của các chương trình nghệ thuật.

Phía sau ánh hào quang của nghề múa biểu diễn: Chẳng mấy ai dám theo đuổi đến cùng - Ảnh 4.

Nghề múa kén người mà cũng thật nhiều khắc nghiệt.

Đãi cát, tìm vàng

Đằng sau sự trưởng thành với nghề của những diễn viên múa là sự đóng góp rất lớn của các thầy, cô giáo - những người đã lao tâm, khổ tứ hàng ngày, hàng giờ, rèn rũa tỉ mỉ cho các học sinh từng thế tay, thế chân, từng chi tiết động tác, ngôn ngữ, nét biểu cảm trên khuôn mặt.

Khẳng định nghề múa vất vả, cô Đỗ Thị Bích Hạnh (giảng viên khoa Diễn Viên Múa - Học Viện Múa Việt Nam) cho hay: “Đằng sau những thành công trên sân khấu múa thì từ người học đến các giảng viên đào tạo phải trải qua vô vàn những khó khăn trong việc “đãi cát, tìm vàng”.  

Từ lúc bắt đầu bước chân vào học, các em đã phải làm quen với nỗi đau, mồ hôi, nước mắt…trong quá trình tập luyện. Những bạn có năng khiếu sẵn, họ nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với những bạn cơ thể chưa dẻo dai, quá trình này là một cực hình. Nghề múa nếu không nỗ lực, chịu thương chịu khó và đam mê, sẽ không trụ được.”

Phía sau ánh hào quang của nghề múa biểu diễn: Chẳng mấy ai dám theo đuổi đến cùng - Ảnh 5.

Cô Hạnh trong 1 giờ lên lớp tại Học Viện Múa Việt Nam.

Phía sau ánh hào quang của nghề múa biểu diễn: Chẳng mấy ai dám theo đuổi đến cùng - Ảnh 6.

Đặc thù của nghề múa, người giảng viên phải tự tay điều chỉnh từng thế tay, thế chân, từng chi tiết động tác cho học sinh.

“Đam mê với nghề là thứ duy nhất có thể giữ tôi ở lại với công việc này. Đã có không ít lần tôi không dừng lại, tuy nhiên sau khi bình tĩnh và suy nghĩ kỹ; dù khó khăn vất vả nhưng nghề múa đã giúp tôi rèn luyện tính kiên trì, sự kiên nhẫn, chỉn chu cho trong mọi công việc. Nghề đã ngấm vào máu rồi, đã đam mê thì không có gì là không thể vượt qua được.

Gắn bó với nghề đã gần 15 năm, đã không ít lần tôi phải chứng kiến học sinh của mình muốn nghỉ học giữa chừng. Bản thân tôi cũng từng trải qua giai đoạn như vậy nên tôi rất đồng cảm với các em, rất hiểu cảm giác của các em. Tùy vào hoàn cảnh của từng học sinh tôi sẽ đưa ra những lời khuyên cho phù hợp, động viên và phân tích cho các em hiểu về định hướng của mình. Những học viên tại đây đều là người bạn, người đồng nghiệp của tôi”, cô Hạnh nói.

Qua mỗi bài tập giảng viên sẽ trao đổi với học viên về những thuận lợi khó khăn khi thực hiện bài tập. Cô Hạnh chia sẻ: “Đôi khi tôi sẽ để học viên tham gia biên bài cùng tôi, tìm luận động cho bài để vừa đẹp lại vừa phù hợp với trình độ của học viên, khi đó tôi thấy học viên sẽ được sáng tạo, và sẽ rất có trách nhiệm với bài tập của mình hơn.”

Không mấy ai dám theo đuổi đến cùng

Múa xưa nay vẫn là một nghề đào tạo lắm công phu, học nhiều, vất vả nhưng tuổi nghề ngắn vì vậy nhiều bậc phụ huynh không muốn cho con theo đuổi nghệ thuật múa vì sợ con vất vả, băn khoăn về thu nhập quá thấp, cơ hội theo con đường chuyên nghiệp quá hạn hẹp...

Ít có gia đình nào đồng ý cho con cái mình đi theo nghề múa, ngay cả trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Đó là một thực tế, bởi trong số các bộ môn nghệ thuật, tiêu chuẩn dành cho diễn viên múa vô cùng khắt khe, đến khi hành nghề thu nhập cũng rất thấp.

Múa là nghề đòi hỏi rất khắt khe, không chỉ có đam mê mà người theo nghề còn cần nỗ lực và khổ luyện.

Phía sau ánh hào quang của nghề múa biểu diễn: Chẳng mấy ai dám theo đuổi đến cùng - Ảnh 8.

Dù là buổi tập giữa mùa đông giá rét nhưng những học viên vẫn phải vã mồ hôi, vì cường độ vận động liên tục.

Bạn Nguyễn Ngọc Anh (2001) đang là sinh viên lớp K14 Nữ A – Học viện Múa Việt Nam, nhớ lại ngày đầu bước chân vào trường múa, Ngọc Anh kể: “Khó khăn đầu tiên trước khi đến với nghề múa đó là áp lực về tinh thần, lúc nào trong đầu mình cũng đặt ra rất nhiều câu hỏi rằng: liệu mình có làm được hay không và có tương lai hay không?”

Mặc dù luôn hỗ trợ cho con gái bước lên sàn diễn thời học sinh, nhưng mẹ của Ngọc Anh lại muốn cho con mình có một nghề ổn định như đi dạy hoặc kế toán. Vì thế, sự lựa chọn của Ngọc Anh đã gây nên những ý kiến bất đồng từ gia đình. Không chỉ riêng bạn trẻ này mà ngay các bạn khác tại trường Múa cũng đều rơi vào tình cảnh đó.

Phía sau ánh hào quang của nghề múa biểu diễn: Chẳng mấy ai dám theo đuổi đến cùng - Ảnh 9.

Nguyễn Ngọc Anh (2001) đang là sinh viên lớp K14 Nữ A – Học viện Múa Việt Nam

“Mọi người nhìn vào có thể thấy chúng em lúc nào cũng xúng xính áo quần đẹp, được lên sân khấu lên tivi nhưng mọi người đâu biết rằng đằng sau đó là cả một bầu trời khổ luyện. Nghề múa tập luyện thì rất khắt khe, khắt khe cả ở điều kiện sinh hoạt, ăn uống không đều đặn, có khi mệt quá chẳng muốn ăn, cũng có khi không có cả thời gian để ăn nữa”, Ngọc Anh chia sẻ.

Những nam diễn viên múa trong một buổi tập luyện.

Đối với học sinh – sinh viên múa khi ra trường còn bộn bề trăm ngả; biết bao học sinh – sinh viên múa phải xoay sở đủ phương cách từ chạy show ngắn hạn đến kinh doanh nhỏ lẻ để đối phó với nỗi lo cơm áo, gạo tiền.

Nghề múa thực sự là một nghề đầy gian nan, nhưng với tình yêu và đam mê cống hiến của những nghệ sĩ, diễn viên múa, khán giả có thêm một món ăn tinh thần đầy ý nghĩa.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm