Kinh doanh

Campuchia chính thức xuất khẩu 17 tấn “mặt hàng tỷ USD” sang Trung Quốc, gia tăng áp lực lên Việt Nam

Mới đây, theo tờ Khmer Times, vào ngày 17/7, Campuchia đã chính thức xuất khẩu lô sầu riêng đầu tiên, khoảng 17 tấn sang thị trường Trung Quốc. Đây là lô sầu riêng được đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu và do HF FRUIT LTD của Campuchia phối hợp với đối tác Trung Quốc tổ chức xuất khẩu. Hoạt động này diễn ra sau khi cơ sở đóng gói đã chính thức đi vào hoạt động ngày 1/5 ở huyện Tbong Khmum, tỉnh Tbong Khmum.

Công ty này cho biết, sẽ tiếp tục đầu tư và thu mua hàng chục tấn sầu riêng từ nông dân ở khắp tỉnh Tbong Khmum. Việc thu mua này sẽ dựa trên kích thước, chủng loại và chất lượng trái sầu riêng, theo như mức giá thị trường hiện hành.

 - Ảnh 1.

Lô sầu riêng đầu tiên của Campuchia vừa được xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Khmer Times

Ông Heng Pisith, Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Tbong Khmum, chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên HF FRUIT LTD tại Campuchia đầu tư vào lĩnh vực trồng sầu riêng tại địa phương. Trước đây, nông dân chủ yếu bán sầu riêng cho thị trường nội địa hoặc xuất khẩu sang Thái Lan".

Theo ông Heng Pisith, giờ đây, với nhà máy chuyên thu gom và đóng gói sầu riêng được đặt ngay tại Tbong Khmum, việc canh tác loại quả này trở nên thuận lợi hơn, giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo và mang lại niềm tin cho người nông dân. Hơn nữa, việc thành lập nhà máy thu mua và đóng gói này không chỉ giúp giảm chi phí cho nông dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp, thông qua sự phối hợp giữa chính phủ và doanh nghiệp.

 - Ảnh 3.

Campuchia hiện đã mở rộng được thị trường sang Trung Quốc, tạo thêm nhiều cơ hội bán hàng cho nông dân. Ảnh: Khmer Times

"Ngoài những thị trường xuất khẩu như Thái Lan và Việt Nam, Campuchia hiện đã mở rộng được thị trường sang Trung Quốc, tạo thêm nhiều cơ hội bán hàng cho nông dân qua các kênh xuất khẩu đa dạng", ông Heng Pisith cho biết thêm.

Trên thực tế, Campuchia hiện có khoảng 5.000 ha diện tích trồng sầu riêng. Trong đó, có 3.000 ha đang cho thu hoạch, với sản lượng hàng năm ước tính đạt khoảng 37.000 tấn. Quốc gia hiện có 9 tỉnh được xác định có tiềm năng cao trong canh tác sầu riêng, bao gồm: Kampot, Kampong Cham, Tbong Khmum, Ratanakiri, Mondulkiri, Battambang, Pursat, Koh Kong và Kampong Thom.

Gia tăng áp lực xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc

 - Ảnh 6.

Sầu riêng bày bán trong một siêu thị tại Trung Quốc. Ảnh: VCG

Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, khi nhập khẩu một lượng lớn từ các nước Đông Nam Á như Thái Lan và Việt Nam. Mặc dù Thái Lan và Việt Nam là những nhà cung cấp chính, các nước khác như Philippines và Malaysia cũng đang nỗ lực để mở rộng thị phần ở thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc Campuchia vừa được phép xuất khẩu trực tiếp sầu riêng sang Trung Quốc cũng làm gia tăng áp lực cho các quốc gia như Thái Lan, Việt Nam… tại thị trường tỷ dân, đặc biệt là khi sầu riêng tươi thường xuyên đối mặt với các rào cản kiểm tra nghiêm ngặt về Cadimi và chất vàng O trong những tháng gần đây.

Ngoài sầu riêng tươi, Trung Quốc còn nhập khẩu sầu riêng đông lạnh, xay nhuyễn và các sản phẩm chế biến từ sầu riêng như bánh kẹo, thực phẩm, đồ uống. Trong đó, việc Trung Quốc chính thức nhập khẩu sầu riêng đông lạnh đang mở ra cơ hội vàng để cho doanh nghiệp Việt Nam bứt tốc, giúp ngành xuất khẩu sầu riêng lấy lại đà tăng trưởng.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, mỗi năm Trung Quốc tiêu thụ khoảng 1 tỷ USD sầu riêng đông lạnh. Trong đó, Indonesia và Thái Lan chia đều thị phần. Nếu Việt Nam làm tốt, có thể chia lại 1/3 'miếng bánh' này.

Trong năm 2024, sầu riêng được coi là "ngôi sao sáng" của ngành rau quả Việt Nam, khi kim ngạch xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD, chiếm gần 50% toàn ngành rau quả. Đáng chú ý, riêng kim ngạch sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã chiếm 2,94 tỷ USD. Tuy nhiên, khi bước sang quý I/2025, xuất khẩu sầu riêng của nước ta sụt giảm mạnh 80%, doanh nghiệp gặp khó khăn khi thông quan, và giá sầu riêng cũng liên tục giảm.

Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam chỉ đạt 386 triệu USD, giảm 58% so với cùng kỳ 2024. Riêng trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tiếp tục giảm, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp đi xuống. Nguyên nhân là do Trung Quốc, thị trường chiếm đến 72% lượng sầu riêng xuất khẩu, giảm mạnh nhập khẩu. Trong 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam chỉ thu về 278 triệu USD từ thị trường này, giảm 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu tổng hợp, ở thị trường Trung Quốc, thị phần của sầu riêng Việt Nam hiện nay chỉ còn khoảng 10%, trong khi vào cao điểm cuối năm ngoái là 40%.

Các tin khác

Kinh tế Mỹ hiện ra sao?

Dù những lo ngại về thuế quan và lạm phát vẫn hiện hữu, nhưng các tín hiệu mới nhất cho thấy kinh tế Mỹ vẫn đang đứng vững. Doanh số bán lẻ và dữ liệu lao động tích cực đang củng cố niềm tin của nhà đầu tư, đẩy các chỉ số chứng khoán lên mức kỷ lục.

Chung tay nỗ lực loại trừ các bệnh ung thư do HPV

Chiến dịch truyền thông toàn quốc “Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV" hướng đến cung cấp thông tin khoa học chính xác qua các chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Giám đốc Phân tích VFS dự báo VN-Index có thể đạt 1.686 điểm

Nhà phân tích kỳ vọng VN-Index dao động vùng 1.500–1.686 điểm trong nửa cuối năm 2025. Chu kỳ tăng mới đang được củng cố bởi dòng tiền nội, định giá hợp lý và loạt thay đổi chính sách kinh tế – pháp lý. Cơ hội đầu tư được định hình lại theo từng nhóm ngành.