Hằng ngày, tại Trung tâm Thông tin chỉ huy Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an, hàng chục chiến sĩ tích cực xử lý thông tin về tình hình trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc.
CSGT không cần ra đường
Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Cục trưởng Cục CSGT, nhấn mạnh đây là trung tâm quản trị cấp 1 của cục với những công nghệ hiện đại, kết hợp với ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Thông tin, hình ảnh về phương tiện vi phạm trên các tuyến cao tốc sẽ được truyền trực tuyến từ các camera giám sát trên đường về Trung tâm Thông tin chỉ huy.
Ông Bình cho biết: "Có camera AI, CSGT không cần ra đường chặn bắt xe vi phạm đối với rất nhiều hành vi. Việc phát hiện hành vi vi phạm được thực hiện tự động. Tại Trung tâm Thông tin chỉ huy, cán bộ Cục CSGT làm việc 24/7, với nhiệm vụ kiểm tra thông tin phương tiện vi phạm, đối soát với các dữ liệu liên quan như đăng ký xe, tai nạn giao thông, đăng kiểm, chủ xe... để xác minh, bổ sung. Sau đó, CSGT sẽ gửi cảnh báo đến chủ phương tiện thông qua ứng dụng VNeTraffic trong vòng 2 giờ".
Theo Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Cục CSGT đang từng bước hoàn thiện hệ thống AI để có dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống". Từ đó, CSGT sẽ kết nối các loại dữ liệu và phân tích, sử dụng. Mục tiêu được nêu ra là hình thành ý thức, văn hóa giao thông và duy trì sự chấp hành của người dân.

Lực lượng CSGT xử lý thông tin về tình hình trật tự, an toàn giao thông tại Trung tâm Thông tin chỉ huy
Cục trưởng Cục CSGT nhận xét việc xử lý vi phạm trên môi trường điện tử sẽ đem lại hiệu quả cao, tạo thuận lợi cho cả người dân và cơ quan chức năng. Khi đó, CSGT và người vi phạm sẽ hạn chế được việc lập biên bản, ký biên bản nhiều như trước đây, tiết kiệm được thời gian và công sức.
Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình cho rằng hiện nay, muốn áp dụng camera AI vào việc xử lý vi phạm giao thông, CSGT phụ thuộc vào 3 yếu tố: chất lượng camera; độ thông minh của camera và việc ứng dụng AI để rà soát dữ liệu từ camera giám sát bình thường gửi về Trung tâm Thông tin chỉ huy.
Đến nay, Cục CSGT đã triển khai thí điểm việc gửi cảnh báo vi phạm giao thông thông qua ứng dụng VNeTraffic đối với các xe vi phạm trên 4 tuyến cao tốc: Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP HCM - Trung Lương.
Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT, cho biết Trung tâm Thông tin chỉ huy sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông, bao gồm cả việc kết nối dữ liệu đăng ký xe, đăng kiểm, thuế, hải quan, y tế; dữ liệu các cục nghiệp vụ khác của Bộ Công an liên quan con người và phương tiện. Về quy mô, đây sẽ là trung tâm tổng, kết nối các trung tâm nhỏ từ các địa phương, gồm dữ liệu từ tất cả thiết bị nghiệp vụ của toàn lực lượng CSGT.
Minh bạch, văn minh, giảm xung đột
Dữ liệu từ các thiết bị sau khi đưa về Trung tâm Thông tin chỉ huy sẽ được hệ thống AI phân tích để nhận diện hành vi, sau đó tự động chuyển vào hồ sơ quản lý. Lực lượng CSGT trên cơ sở đó sẽ chuyển thông tin vi phạm nhanh nhất tới chủ xe thông qua ứng dụng VNeTraffic.
Đối với camera AI, sau khi ghi nhận xe vi phạm, hệ thống sẽ lập tức trích xuất hình ảnh hoặc clip liên quan, nội dung bao gồm tuyến đường, thời gian vi phạm. Dựa vào cơ sở dữ liệu đăng ký xe, hệ thống sẽ nhận diện được ngay chủ phương tiện. Hiện nay, AI có thể nhận diện được khoảng 20 hành vi vi phạm và đang liên tục được phát triển thêm, bao gồm cả với ô tô và xe máy.
"CSGT từ đây có thể coi như tuần tra trên môi trường điện tử. Vấn đề trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân lên hàng đầu" - đại tá Phạm Quang Huy nêu rõ.
Ngoài việc giám sát hành vi vi phạm, Trung tâm Thông tin chỉ huy còn quản trị toàn bộ lực lượng CSGT trong quá trình tuần tra kiểm soát. Thông qua hệ thống bản đồ số, trung tâm có thể xem vị trí làm việc của cán bộ, chiến sĩ. Khi thao tác vào một vị trí cụ thể, hệ thống sẽ hiển thị tên, số hiệu, số điện thoại của CSGT đang làm việc ở vị trí đó.
Trong giai đoạn 1, Trung tâm Thông tin chỉ huy sẽ vừa vận hành thử nghiệm vừa hiệu chỉnh để ổn định hệ thống và đúc kết kinh nghiệm. Trong giai đoạn 2, Cục CSGT sẽ lắp đặt dày đặc hơn các camera trên đường cao tốc, sao cho ổn định, sắc nét và hiệu quả.
Đánh giá về việc này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng việc ứng dụng AI vào quản lý giao thông, thay thế CSGT điều tiết tại hiện trường là giải pháp hiện đại, văn minh, có khả năng giúp giảm thiểu mâu thuẫn, xung đột giữa lực lượng chức năng và người dân. Trong việc xử phạt vi phạm giao thông, các hình ảnh rõ ràng, dữ liệu cụ thể từ hệ thống AI sẽ giúp giảm thiểu tranh cãi, khiếu nại.
Tuy nhiên, tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP HCM, cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu, mật độ dân số rất đông, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên. Do vậy, vẫn cần lực lượng CSGT trực tiếp làm nhiệm vụ chỉ huy, phân luồng, chỉ dẫn giao thông.
"Trung tâm Thông tin chỉ huy không chỉ xử lý vi phạm giao thông mà còn là công cụ đắc lực hỗ trợ điều tra. Hệ thống có thể truy vết xe gây tai nạn bỏ chạy, tự động phát hiện các mối đe dọa an ninh như vũ khí và nhận diện cả đối tượng đang bị truy nã" - đại tá Phạm Quang Huy nhấn mạnh.