Nếu bạn đã từng lướt qua các bài đăng trên mạng xã hội và ghen tị khi thấy hình ảnh một người bạn tạo dáng trước ngôi nhà xinh đẹp của họ hoặc tận hưởng niềm vui tại một khu nghỉ dưỡng sang trọng, thì bạn sẽ hiểu việc muốn những gì người khác có là cảm giác tồi tệ đến thế nào. Sự ghen tị về tài chính là có thật, và đôi khi nó có thể khá xấu xí nếu không hiểu bản chất và tìm ra cách giải quyết hợp lý.
Tiến sĩ, chuyên gia lập kế hoạch tài chính cá nhân Yvonne Hampton ở bang Missouri (nước Mỹ) cho biết: “Đố kỵ về tài chính là hoàn toàn bình thường, là một phần của tính cách con người” và nó không nhất thiết là “một điều xấu”.
Theo bà, dù bạn có cảm giác như vậy thì hãy nghĩ rằng đây là cơ hội để tìm hiểu sâu hơn lý do vì sao chúng ta có cảm giác đó và phải làm gì để vượt qua, từ đó sống hạnh phúc hơn trong cuộc sống của chính mình.
Làm sao để vượt qua cảm giác ghen tị về tiền bạc để thay đổi thực trạng tài chính cá nhân
1. Bỏ qua sự xấu hổ
Rick Kahler, một nhà trị liệu tài chính và nhà lập kế hoạch tài chính được chứng nhận ở Rapid City, Nam Dakota cho biết: “Bạn có thể đạt được nhiều tiến bộ chỉ bằng cách thừa nhận rằng 'Vâng, tôi cảm thấy ghen tị'”.
Ông nói thêm: “Hãy từ bi với chính mình” và sau đó, bạn có thể dễ dàng chuyển sang các bước cụ thể khác để đạt được các mục tiêu tài chính của mình, cho dù đó là trả hết nợ, tiết kiệm để trả trước tiền mua nhà hoặc xây dựng quỹ khẩn cấp để đảm bảo tài chính tốt hơn, an tâm hơn.
2. Tìm hiểu rõ về các yếu tố ảnh hưởng đến bạn
Chuyên gia Hampton cho biết mọi người có nhiều khả năng cảm thấy ghen tị với những người trong nhóm ngang hàng của họ thay vì nghĩ tới những biểu tượng siêu giàu như Jeff Bezos hay Oprah Winfrey. “Những cảm giác đó là một tín hiệu: Nếu bạn ghen tị với việc một người hàng xóm có được một chiếc ô tô mới, cảm giác đó là gì?”.
Có lẽ nó bắt nguồn từ mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn hoặc bạn có thể tiêu tiền của mình theo cách khác. Sau khi tìm ra nguyên nhân của cảm giác đó, bạn có thể giải quyết nó và tạo ra những thay đổi trong cuộc sống của chính mình.
“Nguồn gốc của cảm giác đó có thể cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về những gì chúng ta thực sự muốn”, Hampton nói. Nếu đó là mong muốn mua được một chiếc ô tô như bạn bè, người thân thì bạn có thể đặt cho mình một mục tiêu tiết kiệm và bắt đầu để dành tiền mỗi tháng.
3. Sử dụng sự đố kỵ về tiền như một động lực
Ông Robert Leahy, tác giả của cuốn “The Jealousy Cure” và là giáo sư tâm lý học lâm sàng về tâm thần học tại Weill Cornell Medicine cho biết một số hình thức ghen tị có thể hữu ích. Ông lưu ý rằng sự ghen tị có thể nhìn thấy ở khắp các nền văn hóa được điều chỉnh bởi thứ bậc, kể cả với động vật như chó và thậm chí ở cả trẻ mới biết đi. Ở khía cạnh tích cực nhất, sự ghen tị có thể khiến chúng ta học hỏi từ thành công của người khác và áp dụng các bài học vào cuộc sống của chính mình.
Tuy nhiên, nó cũng có mặt tối, khơi dậy cảm giác tự ti và bất an. Rainer Zitelmann, nhà sử học và nhà xã hội học, tác giả của cuốn “Nghệ thuật của một cuộc sống thành công” cho biết sự ghen tị có thể dẫn đến hành vi tự làm hại bản thân, chẳng hạn như nuôi dưỡng cảm giác căm ghét những người giàu có, điều này có thể làm cạn kiệt năng lượng của bạn khỏi cuộc sống và những mục tiêu theo đuổi của chính bạn.
Zitelmann cảnh báo rằng sự ghen tị không được kiểm soát có thể dễ dàng trở thành cảm xúc phá hoại. Ông viết: “Bạn nên thừa nhận sự ghen tị bất cứ khi nào bạn trải nghiệm nó, bởi vì những người ghen tị cuối cùng chỉ làm hại chính họ nếu cố lờ đi và không thay đổi”.
4. Nhận ra những gì trước đó bạn không thấy
Mặc dù phản ứng đầu tiên của bạn đối với các bài đăng trên mạng xã hội của một người bạn có thể là ghen tị về cuộc sống đầy đủ và xa hoa của họ nhưng sự thật về hoàn cảnh của người đó có thể phức tạp hơn nhiều so với bức ảnh cho thấy.
“Chúng ta không biết toàn bộ câu chuyện. Bạn không biết họ đã dành dụm bao lâu để mua căn nhà đó, họ đã làm việc chăm chỉ như thế nào để có được nó, hoặc cha mẹ họ có hỗ trợ tiền mua nó không. Có lẽ họ cũng đang mệt mỏi vào lúc 3 giờ sáng về việc trả tiền thế chấp ngân hàng”, bà Hampton nói.
Hãy bình tĩnh nhìn nhận toàn bộ khả năng và cảm thấy cân bằng hơn, ai cũng sẽ cần thời gian và những điều kiện hỗ trợ nếu muốn có tài chính cá nhân ổn định.
5. Suy nghĩ về những gì thực sự mang lại cho bạn niềm vui
Leahy gợi ý một bài tập suy nghĩ để chống lại sự đố kỵ về tiền bạc: “Hãy tưởng tượng mọi thứ đã bị lấy đi, bao gồm tất cả tài sản của bạn”, ông nói, “vậy thì bạn ước điều gì sẽ là điều cuối cùng còn lại?”. Thực tế, chúng ta sẽ có nhiều mục đích khác nhau, các nguồn thỏa mãn khác nhau.
Trong lời khuyên của các chuyên gia tài chính và nhà tâm lý học, có lẽ điều quan trọng là chúng ta nên nghiêm túc suy nghĩ về sự mãn nguyện thực sự trong cuộc sống – nó có thể đơn giản là ngồi bên hồ với một người bạn, ăn một món ăn ngon thay vì mất bình tĩnh, đố kỵ vì sự giàu có của người khác.