Doanh nghiệp

Cách giảm tình trạng kiệt sức cho bộ phận nhân sự

Covid-19 tạm đi qua, tình trạng kiệt sức của doanh nghiệp và đội ngũ lao động dần được giải quyết. Tuy nhiên, bộ phận nhân sự (HR), những người đã cống hiến hết mình trong đỉnh dịch để đồng hành cùng người lao động "vượt bão" vẫn tiếp tục phải vật lộn với những thay đổi trong thời bình thường mới. Nếu như giữa đỉnh dịch, bộ phận HR cần giải quyết những vấn đề phát sinh liên tục, thì hậu Covid-19, đội ngũ này phải đối diện với các vấn đề phát sinh do nhảy việc và đảm bảo đội hình nhân sự bền vững cho công ty. Song song đó, việc phải nhận nhiều trọng trách từ ban lãnh đạo, ứng phó với các chính sách mới và cân bằng kỳ vọng từ nhân viên cũng khiến phòng nhân sự kiệt sức. Căng thẳng kéo dài, mệt mỏi, đau đầu và dễ giận dữ là các dấu hiệu dễ nhận thấy nhất.

Một báo cáo của AllVoices, nền tảng quản lý sự kỳ vọng của nhân viên, hồi tháng 2 cho biết, 53% người đứng đầu phòng nhân sự thừa nhận rằng họ đang cảm thấy kiệt sức và 48% trong số họ muốn tìm một công việc mới. Vào tháng 1, kết quả khảo sát thường niên "What’s keeping HR up at night?" (Những điều khiến giới nhân sự lo lắng) của tờ báo Human Resource Executive, trụ sở tại Mỹ cũng cho thấy 86% người làm nhân sự cảm thấy áp lực đang ngày càng gia tăng dù trong bối cảnh bình thường mới.

Một nhân viên nhân sự. Ảnh: Shutterstock

Một nhân viên nhân sự. Ảnh: Shutterstock

Bà Tiêu Yến Trinh, CEO của Talentnet, công ty hoạt động trong lĩnh vực nhân sự cho rằng khi Covid-19 tạm yên ắng, HR vẫn giữ vững vai trò tiền tuyến, vừa chăm lo cho nhân viên, vừa đối diện với những thay đổi trong cách thức làm việc mới, cũng như cuộc khủng hoảng thiếu lao động toàn cầu và gặp nhiều thách thức trong việc bổ sung lực lượng. Sự đa nhiệm này dễ khiến HR rơi vào tình trạng kiệt sức. "Đã đến lúc HR cần được ‘hồi sức’ và các nhà lãnh đạo nên vào cuộc nhằm đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho bộ phận nhân sự", bà Trinh khuyến cáo.

Bà Trinh gợi ý hai nguyên tắc mà doanh nghiệp có thể áp dụng ngay để giải tỏa tình trạng kiệt sức của bộ phận HR.

Thứ nhất, doanh nghiệp cần đặt mình vào vị trí của HR để thấu hiểu, quan tâm thông qua nhiều cách khác nhau. Đừng quên HR cũng là nhân viên, và điều họ mong muốn cũng chỉ là sự quan tâm. Lãnh đạo có thể tạo điều kiện để HR linh hoạt trong thời gian và không gian làm việc, đồng thời, có các chính sách nghỉ phép và khuyến khích nghỉ ngơi dành riêng cho HR.

Doanh nghiệp cần đặt ra những kỳ vọng hợp lý, để HR không cảm thấy ngoài tầm với. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo có thể cân nhắc sử dụng dịch vụ nhân sự thuê ngoài nhằm giảm bớt một số đầu việc cho phòng nhân sự. Theo nghiên cứu FOWP của HRReview - trang tin hàng đầu về HR của Anh, tính lương nằm trong top ba công việc được 4/10 người lãnh đạo phòng nhân sự mong muốn thuê ngoài.

Quản trị sự kỳ vọng và trở thành người chăm sóc HR là điều mà lãnh đạo doanh nghiệp cần làm trước tình trạng HR kiệt sức. Ảnh: Shutterstock

Quản trị sự kỳ vọng và trở thành người chăm sóc HR là điều mà lãnh đạo doanh nghiệp cần làm trước tình trạng HR "kiệt sức". Ảnh: Shutterstock

Thứ hai là bổ sung "vũ khí" công nghệ nhằm tối ưu hoá công việc cho phòng nhân sự. Nhóm lãnh đạo CHRO và thành viên của I4CP (Institute for Corporate Productivity - Viện Nghiên cứu Hiệu quả lao động doanh nghiệp, Mỹ) cho biết một trong những ưu tiên của họ trong năm 2022 là áp dụng công nghệ kỹ thuật số (digital technology) vào quản lý doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của I4CP, 53% nhân viên HR cho rằng công nghệ đóng vai trò quan trọng để gia tăng những đóng góp của HR cho doanh nghiệp và giảm tải khối lượng công việc của phòng nhân sự.

Nhiều "ông lớn" trong lĩnh vực công nghệ cũng đang phát triển một số nền tảng giúp bộ phận HR quản lý và giảm áp lực trong chăm sóc nguồn lực cũng như tuyển dụng. Đơn cử Accenture - một công ty cung cấp giải pháp IT với 674.000 nhân viên tại 50 quốc gia đã sử dụng thực tế ảo để chào đón đội ngũ lao động quốc tế của họ. Vào ngày đầu đi làm, các nhân viên sẽ được truy cập vào "One Accenture Park" - một thế giới ảo mà họ có thể tương tác với đồng nghiệp và dành 1/4 thời gian để tham gia các lớp đào tạo, hướng dẫn cho người mới. Việc này giúp giảm tải áp lực cho HR khi không phải chuẩn bị buổi chào đón nhân viên mới thật hoàn hảo nhưng vẫn khiến nhân viên cảm thấy được trân trọng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm