Tài chính

Các ngân hàng khó có khả năng tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm nay, cơ hội cho cổ phiếu "vua" thì sao?

Tính từ quý IV/2022, lãi suất huy động của các ngân hàng đã tăng nhanh. Từng có thời điểm, lãi suất tiền gửi cao nhất lên đến 10-12%. Trong khi đó, lãi suất cho vay cũng liên tục được điều tiết để hỗ trợ nền kinh tế. Theo lãnh đạo cấp cao một ngân hàng, lãi suất cho vay đang giảm nhanh hơn lãi suất huy động, điều đó đã đặt NIM của các ngân hàng đứng trước không ít áp lực.

Bên cạnh đó, một số vụ việc không tích cực liên quan đến các hoạt động bảo hiểm, trái phiếu vừa qua cũng ảnh hưởng tới nguồn thu từ dịch vụ của các nhà băng, kéo theo lợi nhuận khó giữ đà tăng tốt.

Triển vọng không mấy tích cực về kinh doanh ngân hàng khiến cho giá cổ phiếu "vua" thời gian qua gặp khó. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của ông Nguyễn Hồng Điệp, giám đốc công ty tư vấn đầu tư Vick, mặc dù tình hình kinh doanh có thể chưa lạc quan, song phần lớn các thông tin chưa tích cực đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Nhóm này vẫn đang chờ đợi những kỳ vọng mới và sự tích cực hơn của dòng tiền.

Ông đánh giá thế nào về triển vọng lợi nhuận các ngân hàng năm nay?

Ông Nguyễn Hồng Điệp: Trong hoạt động ngân hàng, thông thường, 80% thu nhập đến từ việc cho vay. Trong đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là một trong những nhân tố ảnh hưởng chính.

Trong năm nay, NHNN đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15% trên toàn hệ thống, tương đồng với năm ngoái. Với mức trung bình này, ngành ngân hàng khó có thể kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận cao như những năm trước.

Tuy nhiên, NHNN không cào bằng, có những ngân hàng có thể sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn. Như những nhóm có chất lượng tín dụng tốt, hay nhận hỗ trợ cho những ngân hàng yếu kém. Các nhà băng này có thể ghi nhận lợi nhuận khả quan hơn so với mặt bằng chung.

NIM của các ngân hàng được dự đoán sẽ sụt giảm khá mạnh, ông đánh giá thế nào về triển vọng chỉ số này trong năm nay?

Chúng ta đã chứng kiến lãi suất huy động đã bắt đầu tăng cao từ nửa cuối năm 2022. Khi mà một loạt các ngân hàng do thiếu thanh khoản nên phải tăng cường huy động với lãi suất cao. Đã từng có những lúc lãi suất tiết kiệm lên trên 10%/năm, thậm chí có nơi còn ghi nhận con số 12%/năm. Điều này cũng đã vô tình thúc đẩy mặt bằng lãi suất cho vay lên cao.

Trong thời gian gần đây, dưới sự chỉ đạo của NHNN các NHTM đã giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Có hiện tượng lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động. Điều này có thể khiến NIM các ngân hàng bị giảm sút.

Khi NIM giảm, nếu không có thu nhập từ các mảng khác bù lại, lợi nhuận ngân hàng trong năm 2023 có thể sẽ không được tốt như các năm trước.

Ở đây chúng ta cần lưu ý thêm, NIM của ngân hàng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Lợi tức từ các tài sản sinh lãi cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong câu chuyện này.

Việc mua trái phiếu thường sẽ mang lại lợi tức cao hơn so với việc cấp tín dụng thông thường. Thời gian qua, nhờ mảng chứng khoán nợ này, NIM của các ngân hàng cũng đã được mở rộng đáng kể. Tuy nhiên, gần đây, thị trường này có những diễn biến chậm lại, do đó NIM các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh đó, vẫn sẽ có các nhóm ngân hàng ít bị ảnh hưởng, thậm chí còn có lợi thế cạnh tranh chứ, thưa ông?

Khi NIM bị ảnh hưởng, các ngân hàng có CASA tốt có thể sẽ có sức chống chịu tốt hơn.

Vừa qua, chính phủ có ban hành nghị định 08 sửa đổi bổ sung cho nghị định 65 về vấn đề trái phiếu. Đây là một tín hiệu tốt, song tôi cho rằng niềm tin của các nhà đầu tư vẫn chưa thể khôi phục ngay trong thời gian ngắn.

Cùng với trái phiếu, bảo hiểm thời gian qua đã đem lại không ít lợi nhuận cho các ngân hàng. Tuy nhiên, lòng tin người tiêu dùng với sản phẩm này trong thời gian gần đây cũng đã bị lung lay, sau một số vụ việc không hay.

Trong tình hình đó, những ngân hàng có hệ thống bán lẻ tốt, hay nói cách khác không phụ thuộc vào các nguồn thu từ trái phiếu, bảo hiểm sẽ có ưu thế hơn.

Vậy triển vọng của nhóm cổ phiếu ngân hàng thì sao thưa ông?

Triển vọng kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2023 có thể ở mức trung bình thấp. Vì NIM và các chỉ số ngân hàng chưa cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.

Thông thường, thị trường chứng khoán thường phản ứng trước thông tin. Thị giá của nhóm ngân hàng hiện đã phản ánh những câu chuyện về lợi nhuận giảm sút, những vấn đề cần phải xử lý.

Không ít ngân hàng đang có định giá hấp dẫn khi giá trên giá trị sổ sách (P/B) bằng hoặc nhỏ hơn 1. Ghi nhận tại một số nhà băng, thu nhập trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình nhiều năm đều trên 20%, song P/B quanh mức 0,8-0,9, đây là một mức định giá rất hấp dẫn.

Tuy nhiên, việc nhóm cổ phiếu này có tăng được hay không thì còn phụ thuộc vào dòng tiền. Thanh khoản của thị trường hiện nay đang ở quanh mốc 5-10 nghìn tỷ, không còn dồi dào như thời gian trước.

Tôi nghĩ rằng triển vọng giá cổ phiếu của khối ngân hàng trong năm 2023 có thể chỉ ở mức độ trung bình. Có khả năng sẽ có một vài cơn sóng nhỏ nhưng nhìn chung nhóm này chỉ đóng vai trò giữ nền giao dịch, duy trì thị trường.

Có thể vì các vấn triển vọng kém tích cực đã được phản ánh hết, nên cổ phiếu ngân hàng khó có thể giảm thêm. Tuy nhiên, để nhóm này có thể tăng cao và thu hút được dòng tiền lớn là tương đối khó. Trừ khi, tháng 10, tháng 11 thị trường có những thông tin bất thường mang tính tích cực liên quan đến việc nới room tăng trưởng tín dụng ngân hàng hay nâng hạng thị trường chứng khoán.

Cũng cần lưu ý thêm, VN30 đang có hơn 40% tỷ trọng là cổ phiếu ngân hàng. Theo các cập nhật mới nhất, chỉ số này lại đang thấp hơn VN-Index. Điều này thể hiện dòng tiền đang không ưu tiên vào các cổ phiếu thuộc VN30 nói chung và nhóm ngân hàng nói riêng. Tôi nghĩ rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài hết năm 2023.

Nếu có tầm nhìn dài hạn, khi có những đợt giảm mạnh nhà đầu tư có thể cân nhắc mua các cổ phiếu ngân hàng. Nếu chọn các mã ngân hàng và kỳ vọng thu lời trong các chu kỳ ngắn hạn, tôi cho rằng chặng đường đạt được lợi nhuận mục tiêu của nhà đầu tư sẽ có phần gập ghềnh hơn.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Cùng chuyên mục

Đọc thêm