Những kịch bản cho VN-Index trong tháng 12
Theo báo cáo chiến lược tháng 12 của SSI Research, sau nhịp điều chỉnh 18% trong 3 tháng liên tiếp, TTCK Việt Nam đã hồi phục 6,4% trong tháng 11 cũng như từ đáy xác lập trong tháng 10.
Cho tháng giao dịch cuối cùng, nhóm phân tích của SSI chỉ ra một số yếu tố có thể hỗ trợ nhịp hồi phục này tiếp diễn, bao gồm tỷ giá hạ nhiệt, xu hướng giảm của lãi suất, chính sách tài khóa tiếp tục hỗ trợ tiêu dùng và đẩy mạnh đầu tư công cho động lực tăng trưởng, hiệu ứng nền so sánh thấp của kết quả kinh doanh quý IV.
SSI Research cũng đánh giá nhịp hồi phục này có thể tiếp diễn nhưng chưa đặt nhiều kỳ vọng cho đến khi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đưa được nền kinh tế và cụ thể hơn là các doanh nghiệp trên TTCK chính thức quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Các rủi ro với TTCK trong giai đoạn hiện tại vẫn bao gồm môi trường lãi suất cao ở Mỹ kéo dài hơn, sự phục hồi không như kỳ vọng của nền kinh tế trong nước, hệ thống KRX chậm triển khai so với kế hoạch. Tuy nhiên, độ biến động của thị trường sẽ hẹp dần bởi thị trường đang ở giai đoạn hồi phục ban đầu sau nhịp giảm sâu và dòng tiền sẽ năng động tìm kiếm cơ hội khi các yếu tố rủi ro nhẹ dần.
Nhận định của của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), nhà đầu tư (NĐT) đang đặt kỳ vọng cao vào việc triển khai hệ thống KRX trong những tháng tới, cũng như triển vọng được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Bên cạnh những cải thiện gần đây, NĐT vẫn nên cẩn trọng với những “cơn gió ngược” bên ngoài, bao gồm: lãi suất toàn cầu neo ở mức cao trong thời gian dài và ảnh hưởng của nó đối với việc đảo nợ, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và sức mua của người dân; tác động tiềm ẩn từ cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc.
Ở góc độ kỹ thuật, SSI Research dự báo biên độ dao động của chỉ số trong phạm vi 1.065 - 1.175 điểm. Trường hợp rủi ro mốc chặn dưới 1.065 không được giữ vững, vùng 1.000 - 1.020 điểm là vùng hỗ trợ tiếp theo. Nếu vùng này bị xâm phạm cho thấy xu hướng phục hồi của thị trường suy yếu và nhà đầu tư cần nhanh chóng cân bằng danh mục để quản trị rủi ro.
Chứng khoán VNDirect đánh giá VN-Index có dấu hiệu tạo đáy trong tháng 11 khi thị trường đã giao dịch phá vỡ được kênh song song hướng xuống. Kịch bản cơ sở là VN-Index giao dịch tích lũy hướng lên trong vùng 1.080 - 1.150 điểm trong tháng 12 nhờ 4 động lực chính: Lợi suất Trái phiếu chính phủ Mỹ đang trong xu hướng giảm; Trung Quốc tung ra các gói giải cứu thị trường bất động sản; áp lực tỷ giá trong nước hạ nhiệt tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ; ngành sản xuất và xuất khẩu xuất hiện tín hiệu phục hồi rõ nét hơn.
Quan điểm của Chứng khoán Yuanta (Việt Nam) thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy trung hạn cho nên có thể ít biến động trong tháng 12. Ngoài ra, dòng tiền có thể sẽ có sự phân hóa trong tháng cuối năm cho nên các nhà đầu tư nên chú ý vào việc lựa chọn các nhóm cổ phiếu.
Xu hướng dài hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng, nhưng xu hướng tăng vẫn chưa rõ ràng cho nên các nhà đầu tư dài hạn có thể tiếp tục duy trì vị thế mua và nắm giữ với tỷ trọng vừa phải.
Chứng khoán An Bình (ABS) lưu ý nửa sau của tháng 12 cũng là thời gian cơ cấu của các quỹ đầu tư lớn, có thể gây biến động mạnh trên thị trường thế giới và Việt Nam. Nhóm phân tích ABS hướng nhiều hơn đến kịch bản tích cực cho tháng cuối năm, VN-Index tiếp tục duy trì được biên độ tích lũy trong vùng 1.075 – 1.173 điểm sau đó bứt phá khỏi vùng tích lũy với khối lượng lớn đi lên. “Có thể kỳ vọng thị trường hướng tới chinh phục vùng kháng cự 1.160+/-10 điểm trong tháng 12.”, báo cáo của ABS nêu.
Báo cáo chiến lược tháng 12, Chứng khoán DSC dự báo thị trường tiếp tục tích lũy trong chiều hướng phục hồi chậm trong bối cảnh thanh khoản yếu và thiếu thông tin hỗ trợ. Công ty chứng khoán hướng nhiều hơn đến kịch bản hồi phục, theo đó chỉ số sẽ cân bằng quanh 1.080 điểm. Hai ngưỡng kháng cự cần lưu ý trong thời gian tới gồm 1.120 điểm và 1.155 điểm.
Từ đây, quá trình tích lũy hướng lên kỳ vọng sẽ đem lại vùng cân bằng cho VNIndex. Ngoài yếu tố kỹ thuật, yếu tố liên thị trường cũng ủng hộ thị trường Việt Nam (thông tin về lãi suất điều hành, lợi suất trái phiếu chính phủ trên toàn cầu đang hạ nhiệt).
Tìm kiếm ý tưởng đầu tư cổ phiếu
Về mặt định giá, VNDirect chỉ ra P/E của VN-Index hiện tại được giao dịch ở mốc 13,6 lần (20/11). Dựa trên kỳ vọng EPS thị trường phục hồi trong quý IV/2023 và mức P/E forward 2023 tương đương mức hiện tại, các chuyên gia cho rằng mức hợp lý của chỉ số cuối 2023 là 1.140 - 1.150 điểm. Đối với 2024, kỳ vọng P/E của VN-Index sẽ phục hồi về mức trung bình 5 năm là khoảng 15 lần do thị trường tài chính trở lại điều kiện bình thường trong khi EPS tăng trưởng tích cực và qua đó VN-Index có thể đạt vùng 1.400 - 1.450 điểm trong năm sau.
Báo cáo tháng 12 của VNDirect đưa ra đánh giá một số câu chuyện đầu tư như tại ngành ngân hàng, đầu tư công và tín hiệu tích cực dòng vốn FDI. Kỳ vọng nền kinh tế sẽ hồi phục trong giai đoạn cuối năm 2023 nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục được duy trì với môi trường lãi suất thấp. Ngành ngân hàng, vốn nhạy cảm với lãi suất có thể sẽ là cơ hội tốt để đầu tư với định giá hấp dẫn.
Với các yếu tố tiềm năng và rủi ro của thị trường trong giai đoạn hiện tại, SSI Research khuyến nghị với chiến lược cơ bản, NĐT tập trung nên tập trung vào câu chuyện hồi phục và triển vọng tăng trưởng để tìm kiếm cơ hội tích lũy đầu tư cho danh mục. Một số ý tưởng đầu tư đang có yếu tố hỗ trợ kể đến như IDC, PVT, FPT, HPG, PC1.
Trong kịch bản tích cực, ABS khuyến nghị NĐT có thể giải ngân các vị thế đối với cổ phiếu thuộc ngành “khỏe” hơn thị trường chung, những cổ phiếu chiết khấu sâu sau pha điều chỉnh trung hạn vừa qua. Tuy nhiên, NĐT lưu ý mốc hỗ trợ của nhịp hồi phục thứ 2 tại vùng 1.075 điểm là vùng cần quản trị rủi ro trong ngắn hạn.
Trong ngắn hạn, nhóm phân tích của ABS khuyến nghị quan tâm các ngành và cổ phiếu hưởng lợi từ chính sách của Chính phủ, tình hình vĩ mô, giá cả hàng hóa, có triển vọng kết quả kinh doanh tích cực và định giá hấp dẫn như dầu khí, đầu tư công, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp, xây dựng, chăn nuôi…