Công nghệ

Các CEO công nghệ đang phải "đóng vai ác"

Khi làn sóng sa thải ở Thung lũng Silicon diễn ra, không ít người chỉ trích Elon Musk vì ông cắt giảm một nửa nhân sự và yêu cầu những người ở lại làm việc chăm chỉ hơn hoặc rời đi. Tuy nhiên, tỷ phú gốc Nam Phi không phải người duy nhất "đóng vai ác" trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Nhiều lãnh đạo tại các công ty công nghệ lớn đang âm thầm lên danh sách những người cần kết thúc hợp đồng lao động.

"Những người không nên ở lại Meta"

Từ tháng 7, Mark Zuckerberg, CEO Facebook, đã nhắc nhở nhân viên về việc tăng cường hiệu suất làm việc: "Thực tế, có lẽ nhiều người không nên ở đây. Tôi đang có những kỳ vọng cao hơn, mục tiêu tích cực hơn, nhiệt hơn. Tôi nghĩ, một số có thể cần tự suy nghĩ nơi này có dành cho mình hay không".

Trong báo cáo doanh thu quý II/2022, ông khẳng định: "Công ty sẽ tăng cường giảm số lượng nhân viên năm tới. Nhiều nhóm sẽ bị thu hẹp quy mô hoạt động để chuyển sang những lĩnh vực ưu tiên khác".

Mark Zuckerberg, CEO Meta. Nguồn: Cnet

Mark Zuckerberg, CEO Meta. Nguồn: Cnet

Đến tháng 10, Meta yêu cầu các quản lý lên danh sách 15% lao động "cần hỗ trợ". Nhân viên công ty gọi đây thực ra là "cuộc sa thải âm thầm diễn ra trong nội bộ". Sang tháng 11, Zuckerberg thông báo sa thải 13% số nhân viên, tương đương 11.000 người. Ngay sau đó, Meta cho biết sẽ tiếp tục điều chỉnh cơ cấu nhân sự, trả các mặt bằng không cần thiết để tối ưu hóa nguồn lực.

"Chúng ta sẽ triển khai nhiều thay đổi tương tự trong những tháng tới nhằm cắt giảm chi phí", người đứng đầu Meta nói hôm 9/11.

Google muốn tăng 20% hiệu suất

Giữa năm nay, Sundar Pichai, CEO Google, cảnh báo nhân viên phải cải thiện hiệu suất làm việc nếu không muốn mất việc. Vài tuần sau, ông nói muốn công ty hoạt động hiệu quả hơn vì đang có dấu hiệu ì lại do lực lượng lao động tăng lên.

"Các bạn cần xem xét quy trình trong mọi khâu. Có những việc cần ba người mới ra được quyết định trong khi thực tế chỉ cần một hoặc hai người. Nếu hoạt động hiệu quả, chúng ta có thể tăng hiệu suất lên đến 20%", Pichai nói.

Cuối tháng 11, The Information cho biết các quản lý nhóm tại Google được yêu cầu xếp hạng nhân viên để cắt giảm 10.000 nhân sự yếu kém. Những ai bị đánh giá có thành tích không tốt có thể bị sa thải, hoặc giảm tiền thưởng và trợ cấp cổ phiếu. Con số này tương đương 6% trong tổng số gần 187.000 nhân viên, trong khi trước đó tỷ lệ này chỉ là 2%.

Google chưa bình luận về thông tin trên. Tuy nhiên, hồi tháng 7, CEO Pichai đã bóng gió về kế hoạch, rằng "khi có ít tài nguyên hơn trước, cần ưu tiên những điều phù hợp để làm và làm việc thực sự hiệu quả".

Đợt sa thải lịch sử của Amazon

Từ tháng 10, CEO Amazon thúc giục các quản lý thực hành "tiết kiệm gấp đôi". Các nhân viên cũng được yêu cầu gấp rút hoàn thành công việc trong thời gian ngắn nhất có thể. Một tháng sau, công ty bắt đầu đóng băng tuyển dụng khi CEO Andy Jassy tiến hành đánh giá và cắt giảm hàng loạt chi phí vận hành, thu hẹp hoạt động các bộ phận không có lãi.

Công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới cũng thông báo tới nhân viên ở những bộ phận hoạt động kém chuẩn bị tìm kiếm một công việc khác trước khi chính thức bị sa thải. Theo Washington Post, con số sa thải ước tính là 10.000 người, chiếm khoảng 3% lực lượng lao động chính của công ty. Việc cắt giảm chủ yếu ảnh hưởng đến lĩnh vực như bộ phận nhân sự, bán lẻ và thiết bị.

Hàng loạt công ty công nghệ khác như HP, Microsoft, Salesforce, Lyft... cũng xác nhận kế hoạch điều chỉnh nhân sự. Nhiều CEO công nghệ khác đang theo dõi xem Twitter hoạt động thế nào sau khi mất đi 66% nhân sự, bao gồm số bị sa thải và số nhân viên tự xin nghỉ việc.

"Elon Musk và Twitter sẽ là hình mẫu điển hình để kiểm chứng mức cắt giảm của một doanh nghiệp có thể lớn đến tầm nào trong khi vẫn duy trì hoạt động hiệu quả. Nếu Musk thành công, các CEO khác có thể học tập và số lượng lao động bị thất nghiệp sẽ còn lớn hơn nữa", các nhà phân tích tại Bernstein Research nhận định.

(theo Business Insider)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm