Sức khỏe

Bộ Y tế chỉ cách phân biệt thuốc giả, cảnh báo không mua thuốc qua mạng

Tóm tắt:
  • Công an Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất thuốc giả quy mô lớn, hoạt động tinh vi và khép kín.
  • Khuyến cáo người dân cảnh giác mua thuốc qua mạng, chỉ mua từ nguồn uy tín đã được cấp phép.
  • Hướng dẫn phân biệt thuốc thật giả qua bao bì, mã QR, và kiểm tra thông tin đăng ký.
  • Thuốc giả thường có giá rẻ bất thường, mạo danh hàng "dư thầu" hoặc nhập khẩu giả.
  • Người dân cần báo ngay khi phát hiện hoặc nghi ngờ bán thuốc giả để đảm bảo an toàn sức khỏe.

Theo thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, đường dây thuốc giả bị phát hiện mới đây hoạt động bài bản với thủ đoạn tinh vi: thuê kho xưởng ở vùng hẻo lánh, thuê người quen, người thân làm công nhân, hoạt động khép kín để tránh bị phát hiện. Sau khi sản xuất, thuốc giả được đóng gói như thật, trộn lẫn với thuốc thật và phân phối nhỏ lẻ ra thị trường.

Vài ngày sau khi cơ quan công an phá án, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) phát đi khuyến cáo khẩn, cảnh báo người dân cảnh giác cao độ với thuốc giả, đặc biệt khi mua thuốc trên mạng. TS. Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, nhấn mạnh: “Tuyệt đối không mua thuốc qua mạng xã hội, các trang cá nhân không rõ danh tính hoặc qua hình thức livestream – đây là những kênh có nguy cơ rất cao phát tán thuốc giả”.

Bộ Y tế chỉ cách phân biệt thuốc giả, cảnh báo không mua thuốc qua mạng ảnh 1

TS Tạ Mạnh Hùng hướng dẫn cách tra cứu thuốc trên mạng

Từ 1/7: Chỉ thuốc không kê đơn mới được bán online

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (Luật số 44/2024) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Theo đó, chỉ các loại thuốc không kê đơn mới được phép kinh doanh qua thương mại điện tử.

Người dân chỉ nên đặt mua thuốc qua các sàn thương mại điện tử, website, ứng dụng đã được Bộ Y tế cấp phép, có chức năng đặt hàng trực tuyến và chịu sự quản lý chặt chẽ.

Khi mua thuốc trực tiếp tại các nhà thuốc, ông Hùng khuyến cáo người dân cần chọn cơ sở có giấy phép kinh doanh, địa chỉ rõ ràng, uy tín. Tuyệt đối tránh mua thuốc tại chợ, từ người bán dạo hoặc các kênh không chính thống.

Làm sao để phân biệt thuốc thật – giả?

Theo hướng dẫn từ Bộ Y tế, bao bì thuốc cần nguyên vẹn, không rách, không mờ, và không có dấu hiệu sửa đổi. Người tiêu dùng nên kiểm tra các thông tin quan trọng như:

Tên thuốc, số lô, ngày sản xuất, hạn dùng

Số đăng ký lưu hành, tên nhà sản xuất

So sánh bao bì với hình ảnh mẫu chính hãng (nếu có)

Ngoài ra, quét mã vạch hoặc mã QR là một bước quan trọng. Nếu mã không quét được, hoặc thông tin không trùng khớp với nhãn, cần nghi ngờ ngay về độ xác thực.

Lưu ý: Thuốc giả thường đi kèm giá "mềm" bất thường, chênh lệch lớn so với thị trường. Các chiêu quảng cáo như "thần dược", "chữa bách bệnh", "thuốc xách tay giá rẻ"... đều tiềm ẩn rủi ro rất cao.

Thuốc giả núp bóng “hàng thầu” và “hàng ngoại nhập”

Ghi nhận từ Cục Quản lý Dược cho thấy, tỉ lệ thuốc giả vẫn được kiểm soát ở mức dưới 0,1% những năm gần đây. Tuy nhiên, các chiêu trò ngày càng tinh vi.

Trong năm 2023–2024, một số lô thuốc giả bị phát hiện tại Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội như: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, Neo-Codion. Những sản phẩm này thường được giới thiệu là hàng "dư thầu bệnh viện", không có hóa đơn để “giá mềm”, hoặc mạo danh thuốc nhập khẩu nhằm đánh vào lòng tin người tiêu dùng.

Các đối tượng thường bán thuốc thật thời gian đầu để tạo uy tín, sau đó dần thay thế bằng thuốc giả tự sản xuất để kiếm lời.

Bộ Y tế chỉ cách phân biệt thuốc giả, cảnh báo không mua thuốc qua mạng ảnh 2

Thuốc giả được bán tràn lan trên mạng

Người dân cần làm gì?

TS Hùng khuyến cáo người dân khi mua thuốc cần: yêu cầu hóa đơn, giữ lại để truy xuất nguồn gốc nếu có vấn đề. Nếu nghi ngờ thuốc giả hoặc phát hiện hành vi buôn bán thuốc giả: báo ngay cho cơ quan chức năng (Sở Y tế, Cục Quản lý Dược, công an địa phương).

Nếu đã sử dụng thuốc nghi ngờ giả: ngưng dùng ngay, đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, theo dõi sức khỏe.

Ngoài ra người dân có thể tra cứu thông tin giấy đăng kí lưu hành thuốc trên hệ thống của Cục Quản lý Dược:

Bước 1: Truy cập: https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc/index

Bước 2: Nhập tên thuốc hoặc số đăng ký (VD-…, VN-…).

Bước 3: Đối chiếu thông tin với bao bì, mẫu nhãn được phê duyệt.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.

Agribank đẩy mạnh tín dụng ưu đãi lĩnh vực nông, lâm, thủy sản

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 8.3.2025, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1.3.2025 và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Agribank đã đăng ký triển khai chương trình tín dụng ưu đãi lĩnh vực nông, lâm, thủy sản quy mô 20.000 tỉ đồng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

305 nhãn hiệu sữa giả được đăng ký tại Hòa Bình, cán bộ y tế cũng phát hoảng

Trong số 573 nhãn hiệu sữa bột giả mới được công bố có đến 305 nhãn hiệu được nộp hồ sơ tự công bố sản phẩm tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hòa Bình. Một cán bộ Sở Y tế Hoà Bình cũng phải thốt lên đây là chuyện "khủng khiếp", người dân có quyền nghi ngờ có khuất tất.