Sau gần 1 tháng vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã có những nhận định ban đầu việc này tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành nội vụ diễn ra sáng 25.4.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
ẢNH: TỐNG GIÁP
Báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết, từ 1.7, 34 tỉnh (6 thành phố, 28 tỉnh) và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã (2.621 xã, 687 phường và 13 đặc khu) chính thức đi vào hoạt động theo mô hình mới, giảm 6.714 đơn vị hành chính cấp xã (đạt tỷ lệ giảm 66,91%).
Phản ảnh của các địa phương cho thấy, việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức mô hình chính quyền 2 cấp bước đầu gặp không ít khó khăn. Trong triển khai thực hiện phát sinh nhiều tình huống, trong khi văn bản chồng chéo dẫn đến khó khăn lúng túng trong thực hiện, nhất là ở cấp xã.
Việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng đôi lúc chưa kịp thời...
Với vai trò là cơ quan nòng cốt tham mưu, đề xuất, xây dựng cơ chế chính sách, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng đây là vấn đề mới chưa có tiền lệ, trong quá trình triển khai bộ máy mới, chức năng nhiệm vụ thẩm quyền, nhất là đối với cấp xã, đội ngũ cán bộ công chức cấp xã cũng mới, trọng trách cũng mới, điều kiện cơ sở vật chất mới... Tóm lại tất cả đều mới.
"Những khó khăn, vướng mắc, bất cập ban đầu trong gần 1 tháng qua là tất yếu, chúng ta không thể cầu toàn. Quan trọng là chúng ta nhận diện, nhìn thấy và tập trung tháo gỡ, đề xuất để làm sao đạt được mục tiêu chính quyền địa phương 2 cấp gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân tốt hơn", Bộ trưởng Trà chia sẻ góc nhìn.
Giữ chân cán bộ có năng lực
Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế chính sách để phù hợp với mô hình mới, đáp ứng vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.
Về chính sách 178, theo Bộ trưởng, hiện còn một số đối tượng chưa phù hợp, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục đề xuất để điều chỉnh cho phù hợp; đồng thời cùng các cơ quan liên quan rà soát để không xung đột, không chồng chéo, đáp ứng yêu cầu vận hành.
"Vừa rồi với tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng" nên sự phối hợp có thể chưa chặt chẽ, nhịp nhàng, chưa ăn khớp dẫn đến việc cứ bộ nào theo thẩm quyền thì hướng dẫn. Tới đây sẽ đi theo nguyên tắc chung đồng nhất, đảm bảo nhất quán trong thực hiện tại các địa phương", bà Trà thông tin.
Cùng đó, một số vấn đề lớn liên quan đến nhà công vụ, trụ sở làm việc, quy hoạch, tài chính ngân sách… cũng sẽ tiếp tục được hoàn thiện bổ sung.
Về phía địa phương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị cần nghiên cứu, tham mưu chính sách phù hợp để vừa giải quyết vấn đề tổng thể, vừa giải quyết vấn đề cụ thể cũng như các vướng mắc phát sinh.
Một vấn đề cốt lõi, quan trọng số 1, theo bà Trà, là xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, nhất là công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trước mắt, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương tham mưu tạm thời tăng cường, bổ sung cán bộ, công chức, viên chức chuyên ngành, nhất là những chuyên ngành sâu.
"Các địa phương cần đánh giá lại cán bộ công chức cấp xã một cách công khai, dân chủ, chính xác để khẩn trương cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, gắn với thực hiện chính sách hiện có nhưng phải giữ chân cán bộ có năng lực. Nếu không thực hiện chính sách thì họ cũng có những thiệt thòi. Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ ban hành nghị định để có công cụ đánh giá đội ngũ cán bộ công chức bằng KPI", Bộ trưởng Nội vụ lưu ý.
Bên cạnh đó, bà Trà đề nghị các địa phương quan tâm nơi ăn ở, đảm bảo cuộc sống cho cán bộ công chức khi di chuyển đến trung tâm hành chính mới. Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức T.Ư để căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, xem xét các yếu tố về quy mô dân số, diện tích, các yếu tố đặc thù, làm cơ sở xác định bổ sung biên chế.