Gõ từ khoá “dạy đầu tư tiền số” trên Google trong vòng 0,35 giây sẽ cho ra hơn 264 triệu kết quả. Những cái tên của giới KOL tiền số như N. B. V, H. M. T, S C. N,… có lẽ không còn xa lạ với cộng đồng đầu tư tiền ảo ở Việt Nam. Những người bắt đầu chơi, tìm hiểu đến tiền số hiện nay đều ít nhiều tiếp cận với các bài quảng bá như trở thành triệu phú, nhân 100, 1000 lần tài khoản trong thời gian ngắn nhờ tham gia group và lớp học đầu tư của các “thầy” nổi tiếng, thậm chí có chuyên gia cho biết mình đang có cả chục tỷ USD. Có khoá học yêu cầu học phí 3.000 USD (gần 75 triệu VNĐ), có “thầy” lại miễn phí 3 buổi học đầu tiên.
N. Dũng, một nhân viên văn phòng khi mới tìm hiểu về tiền số cách đây 1 năm cũng đã lạc vào ma trận của những khoá học “làm giàu không khó” này.
“Khi đó tôi có tham gia vào một khoá học miễn phí và thấy như một mê cung, các lớp học dạy một phần nhưng bên cạnh đó là hàng loạt các bài marketing, hô hào đầu tư rồi thì thành lập các nhóm để “đánh” đồng nọ, đồng kia. Tôi thấy như bị thôi miên, sau khoá đấy, lại đóng mấy chục triệu để học các khoá chuyên sâu hơn, được tham gia vào group đầu tư.”
Thế nhưng học phí sau đó lại là sổ tiết kiệm, nhà và xe của chính người đầu tư. Những danh mục được quảng cáo là tăng trưởng, mất phí để được chia sẻ thì sau đó chia 10, chia 20.
“Lúc đồng EOS giá 8 USD thì nhóm hô hào sẽ còn lên 250 USD, giờ thì chỉ còn hơn 1 USD. Lúc Bitcoin lên 60.000 USD thì “thầy” bảo mua vào không cần nhìn giá vì sẽ lên đến 120.000 USD, rồi khi trên đường lao về 18.000 USD thì lại khuyến nghị “ngồi im”, không cắt lỗ. Giờ tôi mất hơn 1 tỷ thì cũng chỉ biết trách mình mù quáng, thiếu hiểu biết.” Anh Dũng cho biết.
Không những đóng học phí để rồi nghe lời “dạy”, mất tiền oan, nhiều người còn tham gia các hội nhóm đầu tư của các chuyên gia rồi phải chia lợi nhuận nếu thắng trong khi rủi ro thì tự chịu.
Nhà đầu tư cảnh báo mất tiền khi nghe theo lời của các “chuyên gia” đầu tư
Mới đây, trên một diễn đàn tiền số, một người chơi chia sẻ đã nghe theo một KOL tiền số, nạp vào 3000 USD để lấy lại 50% số tiền lỗ trước đó. Ban đầu KOL đi những lệnh ăn để mọi người tin tưởng, sau đó thì đi lệnh rất lớn dù bất chấp thị trường như thế nào. Thế rồi lỗ không những không được gỡ mà lại còn nặng thêm.
Với những trường hợp thế này, những nhà đầu tư bị thiệt hại cũng không thể bảo vệ quyền lợi cho mình về mặt pháp luật. Nhiều người chỉ biết thu thập bằng chứng rồi gửi lên các hội nhóm công khai để lan toả, cảnh báo những người khác.
Thời gian qua, không ít trường hợp nghệ sĩ, streamer hay các KOL công khai quảng bá, kêu gọi đầu tư vào các tài sản số, trong số đó có những “coin rác”. Mù quáng làm theo những người được cho là giàu có và nhiều kinh nghiệm đã khiến nhiều người mất trắng.
Bài học lớn gần đây chính là sự sụp đổ của tiền số Luna, được coi là một “cuộc thảm sát” khi cuốn trôi hàng chục tỷ USD của nhà đầu tư trong thời gian ngắn. Đám đông đã đặt niềm tin, hùa theo một cá nhân, rót vốn vào đồng tiền số được xem là hàng đầu thời điểm đó để rồi tài khoản bị chia tới cả triệu lần. Trong số đó, không ít “cá mập” trong giới tiền số cũng mất tới hàng trăm triệu, thậm chí là cả tỷ USD.