Tài chính

Bộ Công Thương: Mỹ áp thuế 46% với hàng Việt Nam là không công bằng

Tóm tắt:
  • Bộ Công Thương Việt Nam đã gửi công hàm đề nghị Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế 46% lên hàng hóa xuất khẩu.
  • Mỹ đã ban hành sắc lệnh áp thuế này có hiệu lực từ ngày 9/4.
  • Mức thuế này được cho là "thiếu căn cứ khoa học và không công bằng" đối với hàng hóa Việt Nam.
  • Việt Nam và Mỹ có kinh tế bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp trên thị trường.
  • Bộ Công Thương dự báo hoạt động xuất khẩu sẽ gặp khó khăn và đang chuẩn bị kế hoạch ứng phó.

Ngày 2/4 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành sắc lệnh về thuế đối ứng áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này. Trong đó, Mỹ áp mức thuế lên tới 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. 

Việt Nam đề nghị Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế

Chiều 3/4, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) - khẳng định Bộ Công Thương "lấy làm tiếc" khi Mỹ thông báo áp thuế 46% đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 9/4.

Ông cho biết ngay sau khi Mỹ công bố áp thuế, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.

Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài cũng cho biết cơ quan này đang thu xếp một cuộc điện đàm giữa hai Bộ trưởng cũng như ở cấp kỹ thuật với các đồng nghiệp tại Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) trong thời gian sớm nhất.

Vị này cho rằng mức thuế MFN (thuế nhập khẩu ưu đãi các nước trong WTO) trung bình mà Việt Nam áp đối với hàng hóa nhập khẩu hiện nay là 9,4%. Do đó, mức thuế đối ứng mà Mỹ dự kiến áp cho hàng hóa Việt Nam lên tới 46% là "thiếu căn cứ khoa học và thực sự không công bằng".

Đồng thời điều này không phản ánh thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua trong việc xử lý tình trạng thâm hụt thương mại giữa hai nước.

Bộ Công Thương: Mỹ áp thuế 46% với hàng Việt Nam là không công bằng - 1

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế (Ảnh: Hải Long).

Theo ông Linh, Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước.

Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài cho biết hàng Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ trên thị trường Mỹ. Ngược lại, hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của quốc gia này được sử dụng hàng giá rẻ.

Ông cho biết trong thời gian vừa qua, Chính phủ và các bộ ngành đã xử lý hàng loạt các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, ban hành Nghị định hạ thuế MFN, trong đó 13 nhóm hàng có lợi thế của Mỹ được hưởng lợi. Ngoài ra có rất nhiều dự án của Mỹ tại Việt Nam được quan tâm, giải quyết và tháo gỡ khó khăn vướng mắc.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, giữa hai bên còn không gian để trao đổi, đàm phán, để đi tới một kết quả hai bên cùng có lợi.

Bộ Công Thương đã có sự chuẩn bị

Năm nay, Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng khoảng 12%, tương đương khoảng 450 tỷ USD. Mục tiêu này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi và Việt Nam tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Ông Linh cho rằng trong trường hợp Việt Nam - Mỹ không tìm được giải pháp tích cực thì việc áp thuế này sẽ tạo tác động tiêu cực nhất định đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề đã được Bộ Công Thương dự báo trước và có sự chuẩn bị.

Bộ Công Thương cũng đã có những kiến nghị kế hoạch hành động cụ thể với Chính phủ và khuyến cáo cho doanh nghiệp để có các bước đi cần thiết một khi vấn đề xảy ra. Bộ Công Thương dự báo, trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra.

Bộ Công Thương: Mỹ áp thuế 46% với hàng Việt Nam là không công bằng - 2

Doanh nghiệp dệt may chịu ảnh hưởng lớn khi Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này (Ảnh: Mạnh Quân).

Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài cho biết trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA với các thị trường như Trung Đông, Trung Á và các thị trường mới nổi khác.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác xúc tiến thương mại và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng hướng tới mở rộng hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong công tác kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu. Về dài hạn, ông Linh cho rằng Việt Nam cũng sẽ phải tái cơ cấu nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững. 

Các tin khác

Chubb Life cập nhật giá đơn vị Quỹ Liên kết Đơn vị - Sản phẩm Kế hoạch Tài chính Chủ động

Sản phẩm Bảo hiểm Liên kết Đơn vị - Kế hoạch Tài chính Chủ động được thiết kế với các tính năng ưu việt nhằm đáp ứng đồng thời cả hai nhu cầu: Bảo vệ và Đầu tư. Với thông điệp “Đầu tư vững tâm – Bảo vệ vững vàng”, sản phẩm Kế hoạch Tài chính Chủ động góp phần hoàn thiện danh mục giải pháp tài chính toàn diện của Chubb Life Việt Nam trên hành trình thực hiện sứ mệnh bảo vệ người trụ cột và gia đình Việt.

Hà Nội dự kiến giảm 50% xã, phường

Hà Nội xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến giảm khoảng 50% so với hiện tại, từ 526 phường, xã, thị trấn, xuống còn khoảng 263 đơn vị.