Tài chính

Bị ép mua bảo hiểm, tài khoản số đẹp, cách nào tố cáo?

Bị ép mua bảo hiểm, tài khoản số đẹp, cách nào tố cáo? - Ảnh 1.

Bán bảo hiểm đang là nguồn lợi nhuận tốt của không ít ngân hàng - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Đó là một trong rất nhiều ý kiến của bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ Online về Chiêu trò mới ép người vay mua bảo hiểm.

Bốn lần mua bảo hiểm để được giải ngân

Dù đã quy định cấm, nhưng tình trạng ép mua bảo hiểm ở ngân hàng vẫn tồn tại.

Theo bạn đọc Tuấn Lò Gốm: "Tất nhiên là ngân hàng không ép thẳng nhưng sẽ có nhiều cách để khách hàng buộc phải mua bảo hiểm".

Bạn đọc Ngoc Thanh chỉ ra một trong những cách đó: "Ngân hàng không bao giờ ép khách hàng mua bảo hiểm, ngân hàng chỉ ép nhân viên của họ bán bảo hiểm thôi. Nên khi vi phạm xảy ra thì ngân hàng chỉ việc đổ trách nhiệm lên nhân viên thông qua việc giao chỉ tiêu phí dịch vụ".

Bạn đọc Quốc Anh kể: "Tôi cũng bị ép, vay 500 triệu xây nhà, nhân viên bắt đi tới lui đòi giấy tờ các kiểu. Cuối cùng gọi điện nói mua giúp em gói bảo hiểm rủi ro 10 triệu đồng. Mua xong là xem như mất 10 triệu đồng".

Tài khoản pham****@yahoo.com xót xa cho biết phải mua lần lượt năm hợp đồng bảo hiểm, nhưng thật sự không có nhu cầu, chỉ mua cho có để đủ thủ tục ngân hàng mới giải ngân. 

Đáng chú ý, bạn đọc Nhật Nguyễn còn cho biết: "Không những ép mua bảo hiểm mà tôi còn bị ép mở tài khoản số đẹp có phí nữa. 

Tương tự, bạn đọc Minh Hùng cũng bị ép mua không chỉ bảo hiểm, mà còn có tài khoản số đẹp, trái phiếu... vì "không mua thì không được duyệt vay". 

"Tôi đi vay, nếu không mua bảo hiểm 20 triệu đồng thì phải mua tài khoản số đẹp 15 triệu đồng đây" - bạn đọc Nguyễn Hoàng kể. 

Bạn đọc Hug đặt vấn đề: "Tôi là một nạn nhân với bốn lần mua bảo hiểm để được giải ngân. Mọi chế tài đều dựa vào chứng cứ để xử lý, nhưng ép mua bảo hiểm thì làm sao có bằng chứng được?".
"Kể cả khi đã nói rõ từ đầu nếu ép mua bảo hiểm thì tôi không vay, ngân hàng bảo sẽ không ép, cứ làm thủ tục vay. Nhưng rồi khi thủ tục xong xuôi, chỉ chờ giải ngân, ngày mình cần tiền cũng đến sát, ngân hàng mới giở quẻ ép mua bảo hiểm. Lúc đó, khách hàng đã vào thế chân tường, chúng tôi phải làm sao?" - bạn đọc Thành Vũ bức xúc.

Tài khoản cong****@gmail.com chia sẻ: "Ngân hàng Nhà nước cấm thì cấm. Nhưng người đi vay tiếp tục bị ép thì cách gì để tố cáo mà không làm ảnh hưởng đến khoản tiền đang cần vay tại ngân hàng đó?".

Theo bạn đọc Đoàn Hòa: "Nếu người đi vay tiền không mua thêm bảo hiểm (dù bị ép) sẽ không vay được tiền, hoặc được vay với điều kiện khắt khe hơn cho nên “bấm bụng” mà mua. Lúc này thành “tự nguyện” chứ không ai ép nữa. 

Vì vậy cũng khó xử ngân hàng dù nâng mức xử phạt rất cao".

Xử phạt công ty bảo hiểm và ngân hàng

Để chấm dứt tình trạng này, bạn đọc có tài khoản Sài Gòn cho rằng Ngân hàng Nhà nước phải cương quyết xử phạt nặng các ngân hàng ép người vay phải mua bảo hiểm.

Bạn đọc Lê Nghĩa lên tiếng: "Tôi vay 800 triệu đồng, mất hơn 20 triệu đồng tiền mua bảo hiểm. Rất bực tức nhưng phải cắn răng chịu. Mong nhà nước có quy định chế tài nghiêm".

  • Bị ép mua bảo hiểm, tài khoản số đẹp, khách vay phải làm sao? - Ảnh 3.

    Ép mua bảo hiểm, ngân hàng có thể bị phạt từ 400-500 triệu đồngĐỌC NGAY

"Việc ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức mặc dù có các văn bản nghiêm cấm của Ngân hàng Nhà nước nhưng tình trạng vẫn diễn ra.

Có một số ngân hàng còn ký hợp đồng hợp tác với công ty bảo hiểm, và còn sắp xếp nhân viên bảo hiểm hoạt động trong ngân hàng. 

Để chấm dứt hoạt động này, cần ban hành văn bản pháp lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. 

Riêng phía công ty bảo hiểm cố tình hay vô tình để xảy ra tình trạng mồi chài, ép buộc người vay mua bảo hiểm cũng bị xử lý nghiêm" - tài khoản Nhac Xua đề xuất.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết pháp luật đã nghiêm cấm việc ép buộc khách hàng mua, giao kết ký hợp đồng bảo hiểm. Cấm gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. 

Ngoài ra cũng đã có chế tài xử lý trong trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi này.

Tại dự thảo nghị định 88, Ngân hàng Nhà nước quy định phạt tiền từ 400 - 500 triệu đồng nếu các ngân hàng gắn sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Mức phạt này được bổ sung nhằm tương thích với Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ đầu tháng 7-2024.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại bất cập các quy định của ngành ngân hàng không đề cập hình thức bảo hiểm nào là bắt buộc tham gia với người đi vay. Bên cạnh đó, trong luật cũng không có định nghĩa khách hàng bị "ép" là như thế nào. 

Vì vậy, cần có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn, để người dân cần hiểu, có cơ sở khiếu nại, phản ánh nếu cảm thấy mình thật sự bị ép.

Khi ký độc quyền, ngân hàng có thể nhận đến hàng ngàn tỉ đồng lót tay từ công ty bảo hiểm. "Mức xử phạt đối với việc vi phạm bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe bị phạt tiền là còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe", luật sư Hùng cho biết.

Bà Hồ Thị Ngọc Như - trưởng ban hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (IFRM) - chia sẻ hiện tình trạng ép mua bảo hiểm khi vay ngân hàng bớt mang tính thách thức như trước, nhưng vẫn âm ỉ tồn tại. 

Với cách bán ép, tiềm ẩn rủi ro khách không được bồi thường khi sự cố xảy ra. Do đó, cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn, có cơ chế xử phạt mạnh.

Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng phối hợp Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý phản ánh, kiến nghị từ người dân liên quan đến hoạt động bán bảo hiểm của kênh ngân hàng.

- Đường dây nóng: (024) 3826 6344, (024) 3936 1017 (giờ hành chính)

- Email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đọc thêm