Tài chính

Bí ẩn đường hầm khổng lồ nằm dưới chân thác Niagara

Thế nhưng, có một thời gian du khách đã bị cấm đến tham quan đường hầm khổng lồ được chôn sâu bên dưới dòng thác, nằm giữa biên giới giữa thành phố New York của Mỹ và tỉnh Ontario của Canada.

May mắn thay, đường hầm dài 670m được xây dựng cách đây hơn một thế kỷ ở phía của Canada đã được mở cửa để cho du khách thấy quy mô tuyệt vời của những công trình kỹ thuật đáng kinh ngạc này.

Nhà máy điện Niagara Parks hoạt động từ năm 1905 cho đến năm 2006, chuyển nước từ sông Niagara hùng vĩ để vận hành các máy phát điện khổng lồ, cung cấp điện cho ngành công nghiệp khu vực và góp phần làm cho cảng Buffalo gần đó được mệnh danh là Thành phố Ánh sáng.

Theo hướng dẫn viên Elena Zoric, khu vực xung quanh thác nước từng là trung tâm hoạt động của các doanh nhân muốn kiếm tiền từ việc khai thác thủy điện.

Trong đó, có thể kể đến Nhà máy thuỷ điện Adams. Đây là nhà máy đầu tiên mở cửa, hoạt động ở phía Mỹ từ năm 1895-1961. Về phía Canada có Công ty Điện lực Ontario hoạt động từ năm 1905-1999 và Trạm phát điện Toronto từ năm 1906 - 1974.

Kiến trúc pha trộn để hài hoà với thác nước

Bí ẩn đường hầm khổng lồ nằm dưới chân thác Niagara - Ảnh 1.

Đường hầm dài 670m được khắc vào đá hơn một thế kỷ trước. Ảnh: CNN Travel

Ngày nay, trạm phát điện Niagara Parks là nhà máy thuỷ điện duy nhất trong số các nhà máy thuỷ điện cùng thời còn nguyên vẹn trên thế giới. Ban đầu, khi còn được vận hành bởi Công ty Điện lực Niagara của Canada, nó đã sử dụng công nghệ tiên tiến thời bấy giờ là máy phát điện Westinghouse để tạo ra dòng điện xoay chiều được cấp bằng sáng chế bởi nhà phát minh Nikola Tesla.

Theo hướng dẫn viên du lịch Zoric giải thích, nhà máy được xây dựng vào thời điểm vô cùng đề cao giá trị thẩm mỹ. Vì vậy, kiến trúc sư người New York Algernon S.Bell đã nỗ lực trong việc sử dụng đá vôi mộc mạc với mái ngói màu xanh lam để làm cho cấu trúc hoà hợp với thác nước.

Trước khi đến đường hầm, du khách đến thăm trạm phát điện sẽ được chiêm ngưỡng một mô hình có quy mô của các công trình kỹ thuật đồ sộ đã biến nước thành điện năng.

Bí ẩn đường hầm khổng lồ nằm dưới chân thác Niagara - Ảnh 2.

Máy phát điện màu xanh hình trụ đã từng chuyển đổi lực của nước trở thành điện năng. Ảnh: CNN Travel

Zoric cho du khách thấy nơi nước chảy vào rồi đổ xuống trục để cung cấp năng lượng cho các tuabin. Sau đó, nước sẽ đi qua đường hầm đến điểm xả ở chân thác Horseshoe - thác lớn nhất trong số 3 thác của Niagara.

Giám đốc cấp cao về kỹ thuật và hoạt động của Ủy ban Niagara Parks là Marcelo Gruosso nói: “Trạm điện bắt đầu với hai máy phát điện và đến năm 1924, tất cả 11 máy đã được lắp đặt. Bên cạnh mỗi máy phát điện là một 'bộ điều tốc' điều chỉnh dòng nước đến tuabin. Một phanh khí trong bộ điều chỉnh giúp điều chỉnh dòng chảy. Cần chính xác 250 vòng/phút để cung cấp cho chúng 25Hz.”

Kiệt tác có một không hai

Bí ẩn đường hầm khổng lồ nằm dưới chân thác Niagara - Ảnh 3.

Đường hầm từng chứa 71.000 gallon nước di chuyển với tốc độ 9m/giây. Ảnh: CNN Travel

Một thang máy bằng kính sẽ đưa du khách xuống dưới sâu 55m qua sáu cấp độ cơ sở hạ tầng cần thiết cho quá trình sản xuất thuỷ điện. Ở sâu dưới cùng là đường hầm, nơi nước thoát ra.

Đường hầm cao gần 8m và rộng 6m này cũng là một điểm tham quan lịch sử có một không hai và đã được bao gồm trong giá vào cửa của nhà máy điện. Gruosso cho biết: “Hàng nghìn công nhân đã mất 4 năm để khai quật lớp đá phiến sét bên dưới phòng phát điện chính bằng cách sử dụng đèn lồng, thuốc nổ, cuốc và xẻng.”

Gruosso nói: “Trên đường đi xuống, nước sẽ làm quay các cánh tuabin. Chúng được kết nối với một trục dài 41m chạy ngược lên tầng chính và quay rôto trong máy phát điện, tạo ra nguồn điện xoay chiều."

Đi dọc theo lối đi có mái vòm của đường hầm, ông chỉ tay về phía những dấu vết trắng như phấn cao đến gần đỉnh của những bức tường gạch hình vòm và nói: “Bạn có thể thấy mực nước dâng cao như thế nào. Đường hầm chứa 71.000 gallon nước di chuyển với tốc độ 9m/ giây."

Được xây dựng giống như một pháo đài, đường hầm uốn lượn nhẹ nhàng với bốn lớp gạch, lớp bê tông dày 45cm và được bao quanh bởi đá phiến sét.

“Thật đáng kinh ngạc khi họ đã làm ra kiệt tác này mà không có điện. Chúng tôi đã thực hiện một số sửa chữa nhỏ bằng gạch và thêm các neo đá vào vòm để đảm bảo tính toàn vẹn của cấu trúc, nhưng nó vốn cũng đang ở trong tình trạng thực sự rất tốt. Người ta mới chỉ bảo trì hai lần kể từ khi nó được xây dựng, một lần vào những năm 1950 và một lần vào những năm 1990,” Gruosso nói.

Phong cảnh hoành tráng

Bí ẩn đường hầm khổng lồ nằm dưới chân thác Niagara - Ảnh 4.

Giờ đây, du khách có thể đứng ngắm thác Niagara một cách dễ dàng. Ảnh: CNN Travel

Đến gần cuối đường hầm, một tiếng ầm ầm lớn ập vào thính giác của những du khách đến tham quan. Ánh sáng tự nhiên tràn vào con đường dẫn đến lối ra ngắm cảnh cao 20m – độ cao gần như ở chân thác Horseshoe.

Gruosso phải hét lên vì tiếng ồn quá lớn: “Đây là nơi nước từ đường hầm đổ ra sông, cũng chính là nơi đẹp nhất để ngắm thác đấy.” Du khách có thể ngồi câu cá ở đây, mặc áo mưa và ngồi lên những chiếc thuyền du lịch nhỏ chòng chành trên dòng nước dưới chân thác.

Để buổi tham quan trải nghiệm trạm phát điện được trọn vẹn, du khách sẽ được thưởng thức một buổi biểu diễn vào buổi tối có tựa đề “Currents: Niagara's Power Transformed” (Tạm dịch: “Dòng điện: Khi sức mạnh của Niagara chuyển hoá”). Đây là màn biểu diễn kết hợp âm thanh và ánh sáng để kể lại lịch sử của trạm phát điện với các hình chiếu 3D về nước dâng, tuabin và tia lửa điện.

Một chuyến trạm phát điện và đường hầm mất khoảng hai giờ, nhưng để tham dự buổi biểu diễn buổi tối, bạn nên ở lại qua đêm.

Tham khảo CNN Travel

Cùng chuyên mục

Đọc thêm