Gia đình cho biết trẻ bị ho, chảy mũi, uống thuốc tại nhà. Sau hai ngày, con bú kém, khó thở nhiều hơn, bố mẹ đưa đến bệnh viện kiểm tra.
Ngày 16/4, bác sĩ Nguyễn Đức Hậu, Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản nhi tỉnh, cho biết đây là tình trạng khẩn cấp, trẻ suy hô hấp nặng, phải đặt ống nội khí quản, hút đờm làm thông thoáng đường thở, thở máy. Bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm, chụp Xquang tim phổi, siêu âm tim, chẩn đoán viêm phổi nặng do virus hợp bào hô hấp (RSV).
Trẻ được điều trị theo phác đồ chống suy hô hấp, điều trị viêm phổi bao gồm thở máy, kháng sinh, điều chỉnh rối loạn toan kiềm, duy trì dinh dưỡng bằng sữa qua ống thông dạ dày, vỗ rung long đờm khi bít tắc đường thở.
Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe của trẻ có nhiều chuyển biến tốt, trẻ đã bú được, tình trạng viêm phổi và suy hô hấp cải thiện song tiên lượng vẫn còn nặng.

Virus RSV chưa có thuốc đặc hiệu, các biện pháp chủ yếu điều trị triệu chứng. Ảnh: Science Photo Library
RSV là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh hô hấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, diễn tiến nhanh. Bệnh thường lây lan mạnh vào thời điểm giao mùa đông xuân và xuân hè, đặc biệt nguy hiểm cho trẻ dưới hai tháng tuổi, sinh non, suy dinh dưỡng hoặc có bệnh lý bẩm sinh kèm theo. Trong ba tháng qua, bệnh viện ghi nhận gần 400 trường hợp bệnh nhi dương tính với RSV, nhiều ca diễn biến nặng.
Bệnh có thể lây lan qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với giọt bắn sau khi hắt hơi, ho và virus tồn tại nhiều giờ trên các bề mặt đồ dùng như bàn, ghế, quần áo, đồ chơi, bàn tay người chăm sóc.
Bệnh thường khởi phát với các triệu chứng giống cảm lạnh thông thường như ho, sổ mũi, khò khè, có thể sốt nhẹ, tình trạng này kéo dài 1-2 ngày, khiến bố mẹ và người chăm sóc trẻ dễ nhầm lẫn. Một số trường hợp từ ngày thứ ba trở đi, các triệu chứng mới diễn biến rầm rộ như tắc nghẹt mũi, ho tăng lên nhiều, khò khè nhiều, kích thích, sốt cao, suy hô hấp. Từ ngày thứ 7 trở đi, bệnh sẽ lui dần và sẽ khỏi hoàn toàn.
Bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần theo dõi sát các dấu hiệu hô hấp ở trẻ nhỏ và đưa trẻ đi khám sớm khi thấy trẻ có biểu hiện bất thường. Giữ gìn vệ sinh môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ, tạo thói quen rửa tay trước khi chăm sóc trẻ và sau khi hắt hơi, ho. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi của trẻ, hạn chế đưa trẻ đến nơi quá đông người, tránh để trẻ tiếp xúc với người có nghi ngờ nhiễm bệnh, và đặc biệt cần tránh môi trường có khói thuốc lá. Tiêm chủng đầy đủ, tăng cường dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.