Doanh nghiệp

Bất động sản TP.HCM sẽ như thế nào sau sáp nhập?

Tóm tắt:
  • Sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM mở rộng quy mô, phát triển đa dạng kinh tế.
  • Bình Dương tập trung vào công nghiệp, Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển du lịch và cảng biển.
  • Thị trường bất động sản TP.HCM dự báo sẽ bùng nổ do nhu cầu tăng cao.
  • Việc hợp nhất giúp giảm tải hạ tầng, mở rộng không gian và thúc đẩy đầu tư phát triển.
  • Siêu đô thị mới sẽ cạnh tranh mạnh với các thành phố lớn trong khu vực ASEAN.

Thế kiềng ba chân

Theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, nếu sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM, kinh tế - xã hội của 3 khu vực này có thể so sánh với các đô thị lớn trên thế giới khi kết hợp được 3 yếu tố công nghiệp, dịch vụ và cảng biển.

Trong đó, Bình Dương đã được quy hoạch công nghiệp rất tốt, kết cấu nền đất cứng cũng thuận lợi cho việc xây dựng các dự án bất động sản công nghiệp. Trong khi Bà Rịa - Vũng Tàu đang phát triển mạnh về cảng biển, du lịch còn TP.HCM lâu nay là trung tâm về tài chính, dịch vụ. Lâu nay 3 địa phương này phát triển độc lập, thậm chí cạnh tranh với nhau. Nhưng nay khi quy về một mối, cùng một địa giới giới hành chính sẽ tận dụng được các ưu thế của cả ba và thực hiện tầm nhìn hướng đến kinh tế biển, kinh tế xanh và kinh tế số. Bởi khi đó, khu vực Bình Dương sẽ tập trung vào khu công nghiệp, bất động sản phục vụ cho công nghiệp. Trong khi Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được dồn lực để phát triển bất động sản phục vụ cho du lịch, cho cảng biển còn TP.HCM sẽ chuyên về tài chính, dịch vụ.

Bất động sản TP.HCM sẽ như thế nào sau sáp nhập- Ảnh 1.

Bất động sản TP.HCM được dự báo sẽ bùng nổ mạnh mẽ sau sáp nhập

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

"Sáp nhập vào Bình Dương sẽ đảm đương, chuyên về bất động sản công nghiệp, khu công nghiệp. Trong khi Bà Rịa - Vũng Tàu còn dư địa phát triển du lịch biển, khu công nghiệp trẻ. Như khu Xuyên Mộc, Long Hải có biển, có đồi với khí hậu ôn hòa rất tốt còn TP.Phú Mỹ có các cảng biển rất lớn. Nên Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được hưởng lợi rất lớn từ việc sáp nhập này khi không phải cạnh tranh với TP.HCM. Ba địa phương này sẽ tạo thành kiềng ba chân giúp TP.HCM sau khi sáp nhập tăng sức cạnh tranh với các thành phố lớn khác trong khu vực", ông Trần Khánh Quang phân tích.

Cùng quan điểm, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho hay, việc sáp nhập TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thành công tạo nên siêu đô thị mới quy mô dân số lớn, diện tích khoảng 6.000 km2, sở hữu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng biển Cái Mép - Thị Vải (top 20 cảng container lớn nhất thế giới) và mạng lưới khu công nghiệp hàng đầu Đông Nam Á.

Khi đó, kinh tế các khu vực sẽ bứt phá. Nhu cầu nhà ở, văn phòng, thương mại sẽ tăng vọt, đặc biệt ở các khu vực giáp ranh như Thuận An, Dĩ An (Bình Dương) hay Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Các dự án hạ tầng trọng điểm được đẩy mạnh, thu hút thêm các nhà đầu tư FDI tạo ra được lợi thế và tiết kiệm logictics, dòng vốn đầu tư ổn định sẽ kích thích đầu tư bất động sản.

Hình thành các khu đô thị vệ tinh

TP.HCM khi đó sẽ đa trung tâm, không chỉ tập trung vào trung tâm thành phố hiện hữu mà ở 3 cực phát triển. Cùng với việc đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông kết nối sẽ giúp hình thành các khu đô thị vệ tinh, với các chức năng khác nhau.

Theo bà Võ Nhật Liễu, Tổng giám đốc Viện Đào tạo phát triển dự án bất động sản PROPIIN, đầu tiên việc sáp nhập sẽ giúp mở rộng địa giới để giải tỏa áp lực hạ tầng TP.HCM bởi thành phố hiện quá tải cả về dân số, hạ tầng và không gian sống. Bình Dương dư địa lớn, phát triển nhanh nhưng lâu nay chưa kết nối liền mạch với TP.HCM. Do vậy sáp nhập cộng với việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kết nối là một bước đi chiến lược để tái phân bổ không gian phát triển.

Khi hai vùng được điều hành thống nhất, các dự án hạ tầng lớn như: metro, vành đai, logistics, dịch vụ công sẽ triển khai hiệu quả hơn, tránh xung đột, tránh gián đoạn. Một TP.HCM mở rộng, với dân số và quy mô GDP đủ lớn, sẽ đủ sức "đàm phán sòng phẳng" với các đô thị cấp vùng trong khu vực như Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta.

Điều này kéo theo nhà đất khu như Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên vốn là vùng ven của TP.HCM lâu nay sẽ được định danh lại như nội đô mở rộng. Đây cũng là cơ hội để TP.HCM giãn dân ra ngoài khu vực nội đô.

Bất động sản TP.HCM sẽ như thế nào sau sáp nhập- Ảnh 2.

TP.HCM sau sáp nhập sẽ là siêu đô thị

ẢNH: ĐÌNH SƠN

"Hiện tại, ta vẫn đang bán bất động sản ở Việt Nam. Nhưng nếu chiến lược này thành công, nhà đầu tư quốc tế sẽ nhìn nhận TP.HCM là một trung tâm tài chính, công nghiệp, logistics và công nghệ hàng đầu Đông Nam Á. Lúc này, bất động sản không chỉ cần pháp lý mà cần định vị thương hiệu vùng. Ai làm được điều đó, sẽ bán được sản phẩm cho cả thế giới, điểm đến của dòng tiền quốc tế", bà Võ Nhật Liễu nhận định.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các khu giáp ranh có thể trở thành trung tâm sản sinh tri thức, chứ không chỉ là nơi ở giá rẻ. Với kết nối thuận tiện, giá đất còn dư địa và quỹ đất lớn, những nơi như Thuận An, Tân Uyên, Dĩ An hoàn toàn có thể quy hoạch thành cụm đô thị đổi mới sáng tạo. Nơi đặt các trường đại học, công nghệ, dịch vụ cao cấp... Sáp nhập không chỉ là chuyện hành chính mà là bước đầu cho một cuộc tái cấu trúc toàn diện: chính sách, kinh tế, thương hiệu và chiến lược cạnh tranh quốc gia.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

Cảnh báo hệ luỵ từ trục lợi bảo hiểm

Thông tin một người phụ nữ ở Quảng Nam bị điều tra vì liên quan đến cái chết của con trai và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, đã thu hút sự chú ý của dư luận. Sự việc không chỉ khiến nhiều người giật mình mà còn đặt ra cảnh báo về vấn nạn trục lợi bảo hiểm ngày càng phức tạp hiện nay.

Giá tăng đỉnh nóc, vàng SJC một mình một chợ

Sáng nay (17/4), giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh. Giá vàng SJC lên mốc cao nhất 116,5 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng nhẫn 3,5 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới gần 12 triệu đồng/lượng.

50 năm Tổng công ty Điện lực miền Nam: Tri ân lịch sử, tự hào tiếp bước

Không sân khấu, không pháo hoa, không rình rang khánh tiết. Ở tuổi 50, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) chọn cách kỷ niệm 50 năm thành lập bằng những việc làm thầm lặng nhưng thiết thực, đầy nghĩa tình. Đó là dành toàn bộ kinh phí tiết kiệm được do không tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập, đồng thời vận động thêm để xây dựng mới 815 căn nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở.