Trước sự trầm lắng của thị trường BĐS thời gian qua, nhiều nhà đầu tư vốn mỏng đã buộc phải rao bán cắt lỗ khoản đầu tư của mình để giảm áp lực về tài chính. Một trong những phân khúc được rao bán “cắt lỗ” nhiều nhất thời gian qua là đất nền, đặc biệt là đất nền vùng ven. Việc loạt nhà đầu tư buộc phải rao bán cắt lỗ khoản đầu tư của mình đã khiến giá đất nền nhiều khu vực vùng ven có xu hướng giảm từ 10% đến 30%.
Theo đó, với nhu cầu giải quyết tài chính cá nhân, đầu năm 2023, anh Thực (Hà Nội) cho biết đã buộc phải giảm giá lô đất nền diện tích 46m2 của mình tại xã Thanh Cao - Thanh Oai - Hà Nội từ 630 triệu đồng còn 580 triệu đồng. Anh Thực cho biết dù chấp nhận giảm giá nhưng lượng khách hàng quan tâm vẫn chưa nhiều.
Trên nhiều diễn đàn về BĐS, lượng tin rao bán cắt lỗ đất nền với giá giảm từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng không phải là hiếm. Thậm chí có những lô đất nền lớn với diện tích vài trăm mét vuông được người bán chấp nhận cắt lỗ từ vài trăm đến cả tỷ đồng.
Dù nhiều nhà đầu tư chấp nhận “cắt lỗ”, theo Bộ xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2023, chỉ có khoảng 187.000 giao dịch BĐS thành công, đạt 36,13% so với 06 tháng cuối năm 2022. Lượng giao dịch giảm chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền.
Phân khúc đất nền đang có dấu hiệu ấm dần sau thời gian đóng băng
Trái với diễn biến gần như “đóng băng” ở thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023, thanh khoản loại hình đất nền bắt đầu nhen nhóm trở lại trong những tháng gần đây.
Chị Thanh, một nhà đầu tư BĐS tại Thanh Xuân – Hà Nội cho biết nhóm đầu tư của mình đang tích cực săn tìm đất nền “cắt lỗ” trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, theo nhà đầu tư này, dù được môi giới giới thiệu nhiều lô đất nền “cắt lỗ” nhưng thực sự giá không giảm sâu so với trước đó. Chị Thanh cho biết đang được giới thiệu nhiều lô đất thương mại dịch vụ tại Hà Đông – Hà Nội với giá dao động từ 3,1 đến 3,7 tỷ đồng, mức giá này chỉ giảm từ 5 đến gần 10% so với mức đỉnh đầu năm 2022. Nhà đầu tư này cho hay chỉ những lô đất nền có vị trí không đẹp, không thuận lợi mới có mức giá giảm sâu hơn.
Nhà đầu tư này cho biết phân khúc BĐS được quan tâm nhiều bởi số vốn đầu tư không nhiều chỉ dao động từ vài trăm triệu đến hơn 1 tỷ đồng là đã có thể mua cho mình một lô đất. Trong khi đó, phân khúc nhà ở và chung cư, số tiền đầu tư lớn hơn lên tới vài tỷ đồng.
Anh Tuấn, một môi giới BĐS tại Hà Đông – Hà Nội cho biết, từ cuối tháng 5 đến nay, trung bình mỗi tháng anh chốt thành công 1-2 giao dịch với mức giá dao động từ 800 triệu đến hơn 2 tỷ đồng/giao dịch. Thanh khoản xảy ra chủ yếu với đất nền, đã có sổ đỏ, và hàng cắt lỗ 10-20%. So thời điểm đầu năm, lượng khách quan tâm đến nhiều hơn và tỷ lệ chốt giao dịch tăng cao.
“Nếu như trước đó, dù giá đất giảm tới 20-30%, người mua vẫn rất dửng dưng thì đến hiện tại, lô đất đẹp, vị trí tốt, chỉ cần cắt lỗ khoảng 10-20% đã có khách chốt. Trước đây, có thời điểm, cả tháng, tôi không chốt được giao dịch nào. Nhưng khoảng 2 tháng trở lại đây, giao dịch đã tăng đều đặn”, anh Tuấn nói thêm.
Theo anh Tuấn, lượng khách hàng mua vào nhìn chung đều có tâm lý thị trường đang chuẩn bị vượt qua điểm đáy. Cơ hội xuống tiền mua bất động sản giá rẻ sẽ sớm qua nếu như nhà đầu tư chần chừ.
Báo cáo tâm lý thị trường 6 tháng cuối năm 2023 do một chuyên trang về BĐS thực hiện mới đây cho biết, có tới 61% trong tổng số 1.000 nhà đầu tư tham gia khảo sát có dự định mua bất động sản trong 1 năm tới với lý do phổ biến nhất là mua để đầu tư. Ở phía người bán, có 12% người được hỏi cho biết sẽ bán bất động sản để tái cơ cấu danh mục đầu tư. Với người mua vừa để ở, vừa để cho thuê sinh lời, tỷ lệ này là 11%.
Khảo sát trên phần nào cho thấy người mua bất động sản giai đoạn hiện tại và tương lai gần chủ yếu với mục đích đầu tư. Cũng theo khảo sát, trong tốp 3 lý do và các loại hình bất động sản dự định mua, nhóm mua để đầu tư chiếm ưu thế với 59%, nhóm mua cần thêm không gian cho gia đình/bản thân là 48%, còn lại 20% là mua để sống gần các tiện ích hơn (trường học, cơ quan, bệnh viện, công viên…).
Tương tự, đánh giá chung về thị trường BĐS thời điểm này, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch G6 cho biết: “Không phải thị trường nào cũng ghi nhận phân khúc đất nền có thanh khoản. Tại nhiều khu vực, thị phần đất nền vẫn đóng băng. Mặt bằng chung của thị trường, đó là giao dịch còn khó khăn. Tình trạng bán cắt lỗ vẫn xảy ra. Nhà đầu tư chỉ hướng tới sản phẩm giá tốt, vị trí tốt.
Ông Quê cũng cho rằng, thị trường mới khởi khắc, chưa sôi động. Nhà đầu tư không thể kỳ vọng sức bật của thị trường như thời điểm năm 2021, đầu năm 2022. Thị trường sẽ có diễn biến đi lên từ từ. Dự kiến từ năm 2024, thị trường mới có thể sôi động.