Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 6,15%/năm, tỷ lệ đô thị hóa cao và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, Việt Nam đang trở thành điểm đến yêu thích của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành Thung lũng Silicon tại châu Á, đặc biệt với dự án trị giá 1,5 tỷ USD mang tên Thành phố Silicon, tọa lạc ngay ngoại ô TP HCM.
Theo tác giả Stephanie Jones, “TP HCM đang trở thành trung tâm khởi nghiệp của Việt Nam”, nơi hơn 3.000 startup lớn nhỏ đang hoạt động. Trong tháng 5/2016, quỹ đầu tư mạo hiểm 500Startups cũng cam kết sẽ tiếp tục "đổ" thêm 10 triệu USD vào thành phố tiềm năng này, bên cạnh sự tồn tại mạnh mẽ của các quỹ ngoại khác như CyberAgent Ventures và SeedCom.
TP HCM cũng là nơi chứng kiến sự ra đời của VNG, một trong những startup kỳ lân tại Châu Á. Chỉ tính riêng với ứng dụng chat Zalo, VNG đã thu hút hơn 70 triệu người dùng từ Việt Nam, Myanmar, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…
Vậy nhờ đâu TP HCM có sự phát triển không ngừng như ngày hôm nay, đặc biệt trong mảng startup?
Giới trẻ có kiến thức phong phú và đầy hoài bão
Trong vòng 10 năm trở lại đây, nhiều người đã quyết định Nam tiến để xây dựng giấc mơ của riêng mình, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ như thương mại điện tử, phát triển ứng dụng điện thoại, game….Các dự án không gian làm việc chung và quán cà phê mọc lên khắp nơi để đáp ứng nhu cầu của lớp doanh nhân trẻ này.
Mặc dù bức tranh toàn cảnh của startup ở TP HCM có vẻ liên quan nhiều đến lĩnh vực công nghệ, tác giả Stephanie Jones khẳng định mấu chốt vẫn nằm ở vấn đề con người.
“Các tài năng trẻ của Việt Nam ngày càng nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, được giáo dục tốt hơn, ham hiểu biết và ưa tìm tòi về công nghệ hơn”.
Tác giả lấy dẫn chứng cho thấy học sinh Việt Nam có thứ hạng khá cao, 17/65, trong bảng xếp hạng PISA (chương trình quốc tế nhằm đánh giá khả năng học sinh 15 tuổi của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới về toán, khoa học và đọc hiểu). Sinh viên trong nước cũng đạt điểm số cao tại các kỳ thi phân loại quốc tế, hứa hẹn trở thành nguồn lực giá trị để phát triển quốc gia.
Bên cạnh đó, một bộ phận lớn sinh viên du học nước ngoài, được đào tạo tại các cơ sở hàng đầu thế giới cũng đã trở về Việt Nam khởi nghiệp, mang theo nhiều mô hình và ý tưởng mới mẻ.
“Nhiều chuyên gia nước ngoài được mời sang Việt Nam nhận xét họ cảm thấy rất khó để cạnh tranh với lực lượng lao động trẻ tuổi, thông minh tại đây”, tác giả cho biết.
Sự hỗ trợ từ nhiều phía
Bên cạnh những ưu thế thuộc về cá nhân, có một điểm không thể phủ nhận là nhiều người trẻ Việt Nam đang nhận được sự hỗ trợ không nhỏ từ phía gia đình. Mô hình gia đình gồm có 3 thế hệ, trong đó người già phụ giúp việc nhà cửa và trông giữ con cháu, tạo điều kiên cho không ít người trẻ có nhiều thời gian để cống hiến và phát triển sự nghiệp.
“Đây là thuận lợi vô cùng to lớn mà người trẻ ở các nền kinh tế khác, cũng như những người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam không thể có được”, tác giả khẳng định.
Ông cũng cho biết Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hành động hỗ trợ như cam kết trợ cấp 90 triệu USD cho hơn 2.000 startup trong nước, thành lập các trung tâm sáng tạo nhằm cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật, đào tạo và kết nối các doanh nghiệp startup lại với nhau…
Một điểm đáng chú ý là ở thời điểm hiện tại Việt Nam có tới một nửa dân số sử dụng Internet. Hơn 70% dân số ở độ tuổi dưới 30 tuổi, những người được đánh giá là có tham vọng và sẵn sàng học hỏi cái mới.
“Với tất cả các yếu tố kể trên, không khó để giải thích lý do Việt Nam có thể trông đợi vào viễn cảnh startup phát triển bùng nổ trong tương lai”, tác giả Stephanie Jones kết luận.