Chiều 21.5, Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội nghị giao ban chuyên đề về an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ, với sự tham dự của khoảng 350 bác sĩ và đại diện các bệnh viện, cơ sở thẩm mỹ. Tại đây, vấn đề tai biến do hút mỡ bụng được đặt lên hàng đầu, phản ánh mức độ nghiêm trọng của tình trạng hiện nay.
Nguyên nhân gây tai biến khi hút mỡ bụng
Bác sĩ Bùi Nguyễn Thành Long, Phó phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP.HCM đã trình bày quy trình chăm sóc toàn diện người bệnh hút mỡ tạo hình thành bụng với 14 bước. Trong đó, ông cảnh báo các bước quan trọng liên quan đến đánh giá bệnh nền, khám chuyên khoa, tiền mê và hội chẩn. Nếu thực hiện không kỹ, bỏ sót bệnh lý hoặc đánh giá sai, rất dễ dẫn đến tai biến nghiêm trọng.
Ngoài ra, quá trình phẫu thuật và hậu phẫu cần được giám sát chặt chẽ vì các sự cố y khoa vẫn có thể xảy ra kể cả sau khi bệnh nhân đã xuất viện về nhà.
Bác sĩ Long đã liệt kê 4 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự cố y khoa nghiêm trọng:
- Vi phạm pháp lý: Cơ sở y tế không đăng ký nhân sự hành nghề, hành nghề không phép hoặc vượt quá phạm vi cho phép; thiếu nhân lực chuyên môn như gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu; không giám sát hoặc không báo cáo sự cố y khoa kịp thời.
- Sai phạm chuyên môn: Không tuân thủ quy trình chuyên môn, không hội chẩn chuyên khoa, thiếu thiết bị hồi sức cấp cứu, sử dụng thuốc không an toàn.
- Thực hành sai kỹ thuật: Nhân viên y tế thực hiện sai thao tác, không đánh giá đầy đủ các yếu tố nguy cơ trước phẫu thuật, thiếu phối hợp giữa các bộ phận, không kiểm soát tốt nhiễm khuẩn.
- Từ phía người bệnh: Một số bệnh nhân có tâm lý muốn làm đẹp nhanh, giấu bệnh nền, yêu cầu phẫu thuật vượt quá mức an toàn, và không tuân thủ hướng dẫn chăm sóc sau mổ.

Một ca tai biến sau hút mỡ bụng
ẢNH: BSCC
15 ca tai biến, phần lớn xảy ra ngoài bệnh viện
Theo bác sĩ Hồ Văn Hân, Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM, từ tháng 9.2024 đến nay, TP.HCM đã ghi nhận 15 ca biến chứng trong phẫu thuật thẩm mỹ, tuy không có ca tử vong nhưng có 3 ca biến chứng nghiêm trọng liên quan đến hút mỡ bụng.
Cụ thể, có 6 ca tai biến do tiêm chích, 5 ca liên quan phẫu thuật vùng mặt, 4 ca hút mỡ bụng (3 ca nghiêm trọng).
Trong số này, chỉ có 3 ca xảy ra tại bệnh viện, còn lại là tại các phòng khám và cơ sở thẩm mỹ khác.
Thanh tra Sở Y tế đã ban hành 130 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền gần 6,7 tỉ đồng. Trong đó, 46 cơ sở bị đình chỉ hoạt động có thời hạn, 11 cơ sở bị tước giấy phép hoạt động, 14 cá nhân bị tước chứng chỉ hành nghề, 32 cá nhân bị phát hiện hành nghề không có chứng chỉ.
Bác sĩ Hân nhấn mạnh các vi phạm phổ biến là: hành nghề khi chưa có chứng chỉ, cung cấp dịch vụ không phép, hành nghề vượt phạm vi chuyên môn, sử dụng người không có chứng chỉ, không đảm bảo điều kiện vô trùng, dùng thuốc không rõ nguồn gốc, quảng cáo sai sự thật và lấn sân thẩm mỹ không phép.
Cảnh báo về chứng chỉ giả và "lách luật" hành nghề
Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Khang, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tế, Sở Y tế TP.HM, cảnh báo, sở đã phát hiện tình trạng sử dụng chứng chỉ hành nghề giả để thực hiện dịch vụ y tế. Các trường hợp này sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Ngoài ra, có hiện tượng một số người không đủ điều kiện xin cấp chứng chỉ hành nghề tại TP.HCM đã tìm cách về các tỉnh để xin, sau đó quay lại TP.HCM hành nghề. Hoặc người hành nghề tại tỉnh nhưng vẫn tìm cách đăng ký hoạt động ở TP.HCM.
Phải biết từ chối mổ
Bác Đinh Phương Đông, Phó trưởng khoa Bỏng - tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương chia sẻ kinh nghiệm tuân thủ quy trình đảm bảo an toàn phẫu thuật tại bệnh viện, đồng thời nhấn mạnh tính cấp thiết của việc siết chặt tiêu chuẩn chuyên môn.
Trong đó, những ca mổ lớn thì cần bác sĩ nhiều kinh nghiệm, có thâm niên. Đồng thời, bác sĩ phải biết từ chối các ca có nhiều nguy cơ về bệnh nền. Cần chăm sóc tốt và theo dõi sát hậu phẫu tối đa trước khi cho xuất viện.
Phó giáo sư Lê Hành, Chủ tịch Hội phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ TP.HCM, kiêm Chủ tịch Hội tạo hình thẩm mỹ Việt Nam cũng cảnh báo về các nguyên nhân gây tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ. Trong đó có hiện tượng "cò" dẫn khách đến cho bác sĩ, tất cả vì lợi nhuận, vì phần trăm cao mà khách không gặp được bác sĩ tốt, cơ sở y tế tốt.
Ông đề nghị các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ chú trọng nâng cao tay nghề, chất lượng dịch vụ để đảm bảo làm đẹp cho bệnh nhân an toàn.
Sở Y tế sẽ kiểm tra hậu kiểm, xử lý triệt để
Phó giáo sư Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định: "Đối tượng của phẫu thuật thẩm mỹ là người khỏe mạnh, chỉ có nhu cầu làm đẹp. Do đó, an toàn người bệnh phải là ưu tiên hàng đầu để ngành thẩm mỹ thực hiện đúng sứ mệnh làm đẹp cho đời".
Sở Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, khuyến cáo, quy trình đảm bảo an toàn người bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra biến chứng, tai biến, đặc biệt trong phẫu thuật hút mỡ, do một số cơ sở chưa tuân thủ nghiêm các quy định chuyên môn.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM Dũng cho biết, Sở sẽ tăng cường hậu kiểm, kiểm soát chặt hành nghề không phép, các hành vi vi phạm pháp luật và kiên quyết xử lý nghiêm để đảm bảo an toàn cho người dân.