Sức khỏe

Báo cáo hộ tịch đầu tiên hé lộ nhiều bất ngờ về sinh, tử và kết hôn tại Việt Nam

Tóm tắt:
  • Ngày 25/4, Việt Nam công bố Báo cáo quốc gia về hộ tịch giai đoạn 2021–2024.
  • Báo cáo giúp thể hiện tình hình đăng ký khai sinh, khai tử và các vấn đề dân số.
  • Tỷ lệ đăng ký khai sinh đúng hạn đạt 84,9% vào năm 2024, nhưng cao hơn ở cộng đồng dân tộc thiểu số.
  • Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục báo động, với tỷ số là 110,7 bé trai/100 bé gái vào 2024.
  • Báo cáo khuyến nghị đầu tư vào công nghệ và nâng cao chất lượng dữ liệu cho chính sách hiệu quả.

Báo cáo do Cục Thống kê phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Tổ chức Y tế công cộng toàn cầu thực hiện, trong khuôn khổ “Sáng kiến dữ liệu cho sức khỏe” do Quỹ Bloomberg Philanthropies tài trợ. Đây là lần đầu tiên Việt Nam sử dụng dữ liệu từ hệ thống hộ tịch điện tử toàn quốc để đưa ra một bức tranh toàn diện về tình hình đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn và các vấn đề dân số khác, từ đó thúc đẩy hành động nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

“Thống kê không chỉ là những con số, mà là những con số biết nói – kể câu chuyện về con người và cuộc sống", ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh. Dữ liệu chính xác giúp chúng ta xác định chính sách nào đang hiệu quả, ai còn đang bị bỏ sót và cần làm gì để đảm bảo tính bao trùm cho mọi người dân.

Phát hiện đáng chú ý về sinh, tử và kết hôn

Báo cáo ghi nhận những tiến bộ đáng kể trong đăng ký khai sinh: tỷ lệ đăng ký khai sinh đúng hạn (trong 60 ngày sau sinh) liên tục tăng và đạt 84,9% vào năm 2024. Tuy nhiên, tình trạng khai sinh muộn vẫn phổ biến trong một số cộng đồng dân tộc thiểu số, với tỷ lệ lên tới 56%.

Báo cáo hộ tịch đầu tiên hé lộ nhiều bất ngờ về sinh, tử và kết hôn tại Việt Nam ảnh 1

Tương tự, tỷ lệ đăng ký khai tử đúng hạn (trong vòng 15 ngày sau khi mất) cũng đạt 69,3% vào năm 2024. Dù vậy, tại một số vùng dân tộc thiểu số, tỷ lệ khai tử muộn vẫn cao, có nơi gần 80%.

Một trong những phát hiện quan trọng của báo cáo là xu hướng giảm tổng tỷ suất sinh, hiện đã thấp hơn mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). Đồng thời, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục ở mức báo động, đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Giang.

Tỷ số giới tính khi sinh (SRB) trong ba năm qua đều vượt ngưỡng cân bằng tự nhiên (104–106 bé trai/100 bé gái). Cụ thể, năm 2021 là 109,5; năm 2023 là 109,7; và đến năm 2024 tăng lên 110,7 bé trai/100 bé gái.

Về độ tuổi sinh con, xu hướng chung là tăng. Phụ nữ dân tộc Hoa và Kinh sinh con muộn hơn (trung bình lần lượt 29,9 và 29,4 tuổi) so với các dân tộc như La Ha, Cơ Lao, La Hủ, Hrê, Xinh Mun (23,2–23,9 tuổi).

Trong khi đó, tuổi chết trung bình của dân số Việt Nam giai đoạn 2021–2024 là 69,5 tuổi, nhưng có sự chênh lệch lớn giữa nam (64,6 tuổi) và nữ (75,6 tuổi). Đặc biệt, hơn 75% số ca tử vong do tai nạn giao thông và tự tử là nam giới.

Dữ liệu hộ tịch – nền tảng của hệ thống chính sách hiệu quả

Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Thống kê, khẳng định: “Lần đầu tiên, chúng ta có bộ dữ liệu hộ tịch đầy đủ và cập nhật để phân tích các chỉ số sinh, tử và kết hôn trên toàn quốc. Đây là một cột mốc rất quan trọng trong hành trình xây dựng hệ thống dữ liệu lấy con người làm trung tâm”.

Báo cáo hộ tịch đầu tiên hé lộ nhiều bất ngờ về sinh, tử và kết hôn tại Việt Nam ảnh 2

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công tác dân số và phát triển.

Bà cũng cho rằng việc đầu tư của Chính phủ vào chuyển đổi số trong hệ thống đăng ký hộ tịch đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Tuy vậy, để tiến xa hơn, việc nâng cao chất lượng dữ liệu, đảm bảo kịp thời và chính xác, là yếu tố then chốt nhằm đảm bảo mọi người dân đều được ghi nhận.

Theo bà Gurpreet Kaur Rai, Cố vấn kỹ thuật khu vực của Chương trình Tác động dữ liệu (Tổ chức Y tế công cộng): “Việt Nam đã nêu gương trong khu vực về việc phân tích và sử dụng dữ liệu hộ tịch cho hoạch định chính sách. Dữ liệu chính xác và kịp thời chính là nền tảng của một hệ thống y tế vững mạnh và phát triển bền vững”.

Hướng đến hệ thống quản trị hiện đại và bao trùm

Báo cáo khuyến nghị tiếp tục đầu tư vào công nghệ cho hệ thống hộ tịch điện tử, tăng cường tập huấn cho cán bộ cơ sở và đẩy mạnh tiếp cận với các nhóm yếu thế. Việc tích hợp sâu với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân số, y tế và giáo dục cũng được nhấn mạnh như một giải pháp tối ưu hóa giá trị dữ liệu.

Khi Việt Nam tăng tốc chuyển đổi số và chuẩn bị cho những biến động dân số trong tương lai, hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch được kỳ vọng sẽ đóng vai trò trụ cột trong nền quản trị hiệu quả, bảo vệ quyền con người và thúc đẩy phát triển bền vững.

Các tin khác

ĐHĐCĐ Petrolimex: Tập đoàn thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng chỉ sau vài ngày Mỹ công bố thuế đối ứng

Giá dầu thô thế giới giảm mạnh ảnh hưởng đến kinh doanh của tập đoàn. Ngay trong kỳ điều hành ngày 10/4, doanh thu của tập đoàn mất luôn 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, với lượng tồn kho chưa bán hết, được tiêu thụ trong chu kỳ điều hành giá ngày 17/4, tập đoàn tiếp tục thiệt hại thêm 300 tỷ đồng nữa.

ĐHĐCĐ Sacombank: Tổng Giám đốc nói đã thu hồi hơn 25.600 tỷ từ vụ Trầm Bê, khẳng định không có nhu cầu mua lại chứng khoán SBS

Tổng Giám đốc Sacombank cho biết nút thắt cuối cùng của ngân hàng là chờ NHNN phê duyệt phương án xử lý lô cổ phiếu STB của ông Trầm Bê và người có liên quan theo Đề án tái cơ cấu. Đồng thời, ngân hàng dự thu toàn bộ phần nợ còn lại của Khu công nghiệp Phong Phú trong năm 2026.

Xu hướng giải trí xổ số nhanh thu hút người chơi

Trong xã hội hiện đại, cùng với sự phát triển của công nghệ số, mọi người có điều kiện tiếp cận trải nghiệm mới lạ từ công việc, học tập và cả giải trí. Nằm trong xu thế hối hả của nhịp sống, ngành xổ số cũng thay đổi để bắt kịp.

Bàn giao nhà tình nghĩa, BIDV lan tỏa yêu thương đến người nghèo ở Yên Bái

Ngày 22/4/2025, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lễ bàn giao 6 căn nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và người có công có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Đây là hoạt động nằm trong chương trình an sinh xã hội quy mô lớn do BIDV triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước.