Vài năm trở lại đây, các nhà đầu tư bắt đầu tham gia vào thị trường tài chính nhiều hơn, sự thay đổi nhận thức này đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của thị trường chung. Song, đằng sau sự phát triển vẫn là những mặt trái có thể tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho những "tay mơ" mới tham gia vào thị trường này.
Thị trường trái phiếu ghi nhận một năm nở rộ khi tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành lên tới gần 659.000 tỷ đồng. Khối lượng phát hành lớn nhưng cũng đi kèm với mức lãi suất từ 10-13%, cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng. Nhiều người muốn đã dạng hóa danh mục tài sản nên cũng lựa chọn trái phiếu như một kênh đầu tư để sinh lời.
"Phù phép biến hóa" tinh vi để lách luật
Chị V.M.Hoa (Hà Nội) chia sẻ, chị thường xuyên nhận được cuộc gọi từ nhân viên các công ty chứng khoán mời chào mua trái phiếu lãi suất gấp đôi gửi tiết kiệm ngân hàng. Nhưng chị Hoa vì không hiểu nhiều về các sản phẩm tài chính nên vẫn còn đắn đo. Thấy vậy, nhân viên liên tục đưa ra cam kết trái phiếu các doanh nghiệp rất an toàn, hơn nữa công ty phát hành còn hỗ trợ chị hoàn thành các thủ tục giấy tờ phức tạp.
Anh N.K.Tiến (Hà Nội) cũng chia sẻ anh đang có 500 triệu đồng nhàn rỗi và cũng hay nhận được các cuộc gọi, tin nhắn mời mua trái phiếu với mức sinh lời hấp dẫn lại vừa có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư. Với trái phiếu DN có tài sản đảm bảo, lại được các ngân hàng đứng ra quản lý thì rất yên tâm.
Nhưng thực tế, không phải nhà đầu tư nào cũng có thể đáp ứng các yêu cầu để sở hữu được trái phiếu. Muốn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ thì người mua phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đối với nhà đầu tư cá nhân, người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 2 tỉ đồng; cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỉ đồng là được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Quy định này nhằm tránh cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ, không có kinh nghiệm và hiểu biết về đầu tư gặp phải rủi ro trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thực sự phát triển.
Dù luật có quy định rõ ràng cụ thể thì nhiều đối tượng vẫn có chiêu trò lách luật, "hô biến" bất kỳ nhà đầu tư nào cũng có thể trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp. Trong vai một khách hàng, người viết từng được nhân viên môi giới một CTCK tư vấn: Khi ký hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp, công ty phát hành sẽ chuẩn bị thêm một bộ hồ sơ, "hỗ trợ" người mua trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp. Rồi chuyển vào tài khoản người mua trái phiếu 2 tỷ đồng và đóng băng tài khoản. Sau khi hoàn tất thủ tục và trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, công ty phát hành sẽ rút 2 tỷ đồng ra khỏi tài khoản. Chỉ với cách làm này, dù chỉ có vài trăm triệu thì các cá nhân cũng có thể ngay lập tức biến thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, qua mặt pháp luật để mua trái phiếu một cách dễ dàng.
Với mồi nhử "lãi suất" cùng lời chào "ngon ngọt", nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường đã bị dụ dỗ mua trái phiếu khi không có kiến thức và kinh nghiệm với kênh đầu tư này.
Cẩn thận khi làm Nhà đầu tư chuyên nghiệp "giả"
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu không đủ điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư nên cân nhắc các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, đầu tư trái phiếu khi không tìm hiểu kỹ lưỡng, chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm có thể gặp phải những hệ lụy nghiêm trọng.
Nhà đầu tư cần lưu ý rằng, các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu không có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ đơn thuần là bên cung cấp dịch vụ và hưởng phí dịch vụ từ các doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có tất toán các khoản gốc và lãi cho các nhà đầu tư hay không. Do vậy, rủi ro trái phiếu vẫn là rủi ro từ doanh nghiệp phát hành.
Theo Bộ Tài chính, bất cứ kênh đầu tư nào lợi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao. Do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu. Không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản trái phiếu.
Cũng theo thống kê của Bộ tài chính cho thấy, trong số trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ năm qua, có tới một nửa không có tài sản đảm bảo, nửa còn lại thì chủ yếu được đảm bảo bằng cổ phiếu của chính doanh nghiệp phát hành, vốn có tính biến động cao và rất khó định được giá trị chính xác. Việc đầu tư vào các trái phiếu này chưa chắc đã an toàn như những lời quảng cáo chào mời.
Fiingroup cảnh báo, chất lượng các nhà phát hành trái phiếu là doanh nghiệp chưa niêm yết. Các chỉ số đánh giá khả năng trả nợ của nhóm nhà phát hành này đều ở mức rất kém, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư trái phiếu và tín dụng ngân hàng.
Cần "nâng cấp" nhà đầu tư, doanh nghiệp và trung gian
Thị trường trái phiếu được kỳ vọng sẽ vẫn là một kênh huy động vốn phát triển trong thời gian tới. Để đảm bảo tính phát triển bền vững và minh bạch của thị trường, nhiều nội dung đã được các cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung, hướng tới sự phát triển an toàn, bền vững.
Với Nghị định 153, cần có những giải pháp tốt hơn để xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp chuẩn hơn. Với doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải yêu cầu có tài sản thế chấp, cung cấp đầy đủ tài liệu góp phần giúp thị trường tăng tính minh bạch. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu bổ sung quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu để tăng cường việc giám sát mục đích sử dụng vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành cũng như tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành.
Đối với các tổ chức trung gian vai trò giúp các nhà đầu tư tiếp cận với sản phẩm trái phiếu, cần có chuẩn mực về điều kiện chào bán. Các tổ chức trung gian khi bán sản phẩm mà có rủi ro thì phải có một bản mô tả rõ rủi ro cho các nhà đầu tư chứ không chỉ quan tâm đến việc chào hàng
Từ giờ đến cuối năm sẽ là cao điểm gọi vốn qua kênh trái phiếu của nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh những tác động tích cực đến doanh nghiệp, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và mất an toàn hệ thống tài chính quốc gia.