Theo kế hoạch, có 6 bệnh viện sẽ được ưu tiên đầu tư nâng cấp ngang tầm quốc tế, gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 175.
Đồng thời, Bệnh viện Trung ương Tây Nguyên và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM cũng sẽ được ưu tiên đầu tư xây dựng.
Trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế công cộng, kế hoạch xác định ưu tiên đầu tư xây dựng trung tâm kiểm soát bệnh tật trung ương và đầu tư xây dựng ba trung tâm kiểm soát bệnh tật khu vực.
Trong lĩnh vực Dân số - sức khỏe sinh sản, sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng hai trung tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tại Thái Nguyên và Đắk Lắk. Đồng thời, ưu tiêu đầu tư nâng cấp 6 trung tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tại Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, TP HCM, Cần Thơ.
Bên cạnh đó, kế hoạch nêu rõ cần ưu tiên đầu tư công phát triển cơ sở hạ tầng đối với mạng lưới cơ sở y tế tại các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo và các lĩnh vực hạn chế về nguồn thu: y tế dự phòng, bệnh viện lao, phong, tâm thần...
Cụ thể, Nhà nước đầu tư và có cơ chế khuyến khích, ưu đãi phù hợp để các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu tham gia đầu tư các phòng thí nghiệm chuyên ngành để nghiên cứu, phát triển thuốc.
Đối với dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, cần khuyến khích đầu tư tư nhân phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao, tiên tiến hiện đại, dịch vụ theo yêu cầu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, kể cả của người có thu nhập cao, người nước ngoài.
Kế hoạch nêu rõ, cần thu hút nguồn lực xã hội theo các hình thức: Đầu tư cơ sở y tế tư nhân; đầu tư theo phương thức đối tác công tư; vay vốn, thuê, cho thuê tài sản; tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; hình thức khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát, sắp xếp, chuyển đổi, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp y tế; điều chỉnh chức năng nhiệm vụ phù hợp bảo đảm đáp ứng yêu cầu tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Cùng với đó, phát triển nguồn nhân lực y tế, tăng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đào tạo khối ngành sức khỏe để bảo đảm nhu cầu nhân lực là bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng cả về số lượng và trình độ chuyên môn.
Phó Thủ tướng giao ngành y tế tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu lớn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y khoa, đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ mới trong dự phòng và khám bệnh, chữa bệnh, trong nghiên cứu, phát triển và sản xuất thuốc, vắc xin, thiết bị y tế.
Đặc biệt, ngành y tế cần tập trung ưu tiên phát triển công nghệ có khả năng ứng dụng cao như y tế số, trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ sinh học, dược học, điện tử y sinh.