Kỹ năng sống

Bà Trần Phương Ngọc Thảo: "ESG là kim chỉ nam của PNJ"

Năm 2023 đánh dấu hành trình 5 năm Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) phối hợp Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam thực hiện dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" (2018-2023). Ban tổ chức đánh giá chương trình thành công khi đạt được hầu hết mục tiêu đề ra.

Bà Trần Phương Ngọc Thảo - thành viên HĐQT PNJ, Trưởng tiểu ban ESG - cho biết hoạt động trên góp phần thể hiện văn hóa phụng sự xã hội của công ty suốt 35 năm qua, mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời bám sát triết lý: đặt lợi ích xã hội và lợi ích khách hàng vào lợi ích doanh nghiệp.

Dịp này, bà Ngọc Thảo chia sẻ với VnExpress về cột mốc đáng nhớ của hoạt động hỗ trợ trẻ tự kỷ và định hướng chiến lược ESG.

Bà Trần Phương Ngọc Thảo - thành viên HĐQT PNJ, Trưởng tiểu ban ESG. Ảnh: Đỗ Trường

Bà Trần Phương Ngọc Thảo - thành viên HĐQT PNJ, Trưởng tiểu ban ESG. Ảnh: Đỗ Trường

- Bà có thể chia sẻ những cột mốc đáng nhớ sau 5 năm thực hiện dự án hỗ trợ trẻ tự kỷ?

- Dự án này đóng vai trò quan trọng trong chiến lược ESG - kim chỉ nam cho mọi hoạt động của PNJ. 5 năm qua, với kinh phí 10 tỷ đồng và quyên góp thêm 4,4 tỷ đồng, chúng tôi liên tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ trẻ tự kỷ tại Việt Nam.

Chương trình cũng gặt hái nhiều thành quả như: hỗ trợ 10.000 giáo viên và cán bộ công tác bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ; mở lớp tập huấn tập trung, nâng cao kiến thức hàng năm cho 109 giáo viên ở 82 trung tâm tại 37 tỉnh, thành; bồi dưỡng liên tục qua internet, học online hàng tháng cho 4.500 giáo viên, kỹ thuật viên.

Các bé ghép tranh chong chóng sắc màu hưởng ứng chiến dịch vì trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Ảnh: Đỗ Trường

Các bé ghép tranh chong chóng sắc màu hưởng ứng chiến dịch vì trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Ảnh: Đỗ Trường

Hơn 4.000 trẻ tự kỷ ở trung tâm cùng nhiều trường hợp khác trong cộng đồng có định hướng phát triển nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia giáo dục đầu ngành, y tế.

Bên cạnh đó, PNJ và Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam còn xây dựng, phát hành bộ tài liệu định hướng kiến thức phục hồi chức năng; hỗ trợ can thiệp hành vi, hình ảnh, kỹ năng tự phục vụ... cho trẻ tự kỷ. Tới nay, hơn 10.000 phụ huynh, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ đặc biệt được hưởng lợi, tiếp cận dự án.

- Trong 5 năm đồng hành trẻ tự kỷ, những câu chuyện nào khiến bà cùng cộng sự cảm động và nhớ nhất?

- Có rất nhiều câu chuyện cảm động trong suốt hành trình qua. Chúng tôi chứng kiến phụ huynh, người chăm nuôi trẻ khóc nhiều hơn cười. Ở độ tuổi nhi đồng hay thiếu niên, đáng lẽ các con phải có tuổi thơ hồn nhiên, rộn tiếng cười. Tuy nhiên, một số bé lại thu mình trong góc nhà, gương mặt buồn bã, không thể bộc bạch tâm tư với người lớn hay đơn giản chạy nhảy cùng chúng bạn... Là người mẹ, tôi không thể kìm được cảm xúc.

Bên cạnh đó, ban dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" may mắn được tiếp xúc với những trường hợp đặc biệt. Tôi và công sự ấn tượng với cậu bé đọc vanh vách danh bạ điện thoại chỉ sau một lần lướt nhìn; có bé tính nhẩm đến số hàng triệu dù chưa tròn vành rõ chữ; bé đam mê cây cọ, sở hữu nét vẽ tuyệt vời...

Chỉ một phần nhỏ (khoảng 10%) trẻ rối loạn phổ tự kỷ có những đặc tính phi thường, do đó khi tiếp cận trường hợp này, tôi và các cộng sự rất xúc động. Mong rằng các em luôn vui khỏe và hạnh phúc mỗi ngày.

- Theo bà, chương trình mang lại cho cộng đồng giá trị gì?

- Tôi cho rằng giá trị lớn nhất dự án mang lại là lan tỏa tình yêu, nhân văn, giúp cộng đồng nâng cao nhận thức, hiểu đúng về rối loạn phổ tự kỷ: Tự kỷ không phải là bệnh và các em không phải là gánh nặng xã hội.

Tôi vui khi nhiều phụ huynh nhìn nhận thấu đáo, không tự ti khi nói đến vấn đề trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Đa số bố mẹ chủ động tìm thông tin qua các kênh tin cậy, đưa trẻ có biểu hiện đi đánh giá để bác sĩ chẩn đoán xây dựng liệu pháp can thiệp trong "độ tuổi vàng" (dưới 3 tuổi). Từ dự án, nhiều trường hợp có cơ hội học tiền tiểu học, chuẩn bị cho giai đoạn mới, được đến trường như các bạn khác.

Gia đình trẻ hưởng ứng và tham gia các hoạt động vì trẻ tự kỷ. Ảnh: Đỗ Trường

Gia đình trẻ hưởng ứng và tham gia các hoạt động vì trẻ tự kỷ. Ảnh: Đỗ Trường

- Trước đó, bà nhiều lần nhấn mạnh ESG là kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Bà có thể chia sẻ kỹ hơn yếu tố này?

- ESG là xu thế hiện nay, là yếu tố giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nhà đầu tư, tăng cường hợp tác thương mại quốc tế... Đó là lý do PNJ đã thành lập tiểu ban ESG trong năm 2022, dành nhiều thời gian xây dựng chiến lược, hành động cụ thể.

ESG của PNJ gồm ba trụ cột: Environmental (môi trường); Social (xã hội) và Governance (quản trị doanh nghiệp). Bộ tiêu chuẩn này giúp đo lường các yếu tố liên quan phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp với cộng đồng.

Chúng tôi có bề dày CSR (trách nhiệm xã hội) nhưng đó chỉ là một phần của ESG. Ban đầu, chúng tôi cũng gặp khó khăn vì thuật ngữ này quá mới, không nhiều đơn vị tiên phong. Với vai trò trưởng tiểu ban ESG, tôi phải đọc vô số tài liệu, nghiên cứu chuyên sâu các lĩnh vực để chọn hướng đi phù hợp với công ty. Tôi luôn nói với cộng sự: mọi chiến lược điều hành vĩ mô, sáng kiến, sản xuất kinh doanh... đều lấy ESG là kim chỉ nam.

- Mục tiêu cụ thể của ba trụ cột ESG là gì?

- Nói cách khác, cơ cấu quản trị ESG phải gắn với chiến lược kinh doanh. Về trụ cột quản trị doanh nghiệp, chúng tôi chủ trương hoạt động có trách nhiệm, bán các sản phẩm tôn vinh vẻ đẹp con người và cuộc sống một cách bền vững, được khách hàng đón nhận. Đồng thời chú trọng chuyển đổi số để trở thành đơn vị top đầu trong lĩnh vực bán lẻ.

PNJ chủ động tăng cường tính đa dạng trong hệ thống nhân sự thông qua đổi mới tư duy, đón nhiều gương mặt mới đến từ các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời trao cơ hội cho người trẻ ở vị trí quản lý cấp cao, thu hút và giữ chân nhân tài bằng nhiều quyết sách.

Bên cạnh đó, chúng tôi tiên phong phát triển văn hóa doanh nghiệp. Từ rất sớm, PNJ đã quan tâm đến "thân - tâm - trí" của người lao động, chăm lo cho đội ngũ nội tại và gia đình của họ, tuân thủ luật lao động, lương thưởng rõ ràng, đảm bảo phúc lợi cho từng cá nhân.

Về sau, hoạt động trên được chiến lược hóa và cam kết mạnh mẽ trong trụ cột Xã hội (Social), đó là chiến lược sức khỏe toàn diện cho nhân viên (Total Wellbeing for Employees). Khi nhân viên được đảm bảo thu nhập, gia đình họ vui vẻ thì chắc chắn họ sẽ ở lại cống hiến cho công ty. Đơn cử, PNJ xây dựng văn hóa tôn trọng sự khác biệt với nhiều hoạt động ủng hộ cộng đồng LGBT.

Ngoài ra, bảo vệ môi trường xanh sạch, giảm khí thải, rác nhựa là mục tiêu của PNJ. Ban lãnh đạo còn đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, y tế cộng đồng như chương trình "Siêu thị mini 0 đồng"; trao học bổng; khám chữa bệnh cho người bệnh nghèo; hiến máu nhân đạo; hỗ trợ khởi nghiệp, giúp vốn phát triển làng nghề; thăm hỏi, tặng quà cho Bệnh viện Quân y 175 (Gò Vấp, TP HCM)...

Đó là cách PNJ phát triển bền vững, bám sát triết lý "đặt lợi ích khách hàng và lợi ích xã hội vào lợi ích doanh nghiệp".

thực hiện

Cùng chuyên mục

Đọc thêm