Doanh nghiệp

Áp lực lớn từ các đợt huy động vốn nghìn tỷ đồng

Nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp vẫn luôn hiện hữu trong các bối cảnh kinh tế khác nhau. Bất chấp thị trường tài chính thời gian gần đây ảm đạm, nhiều doanh nghiệp với nền tảng tốt vẫn thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư. 

Thanh khoản thị trường chứng khoán trong 5 tháng gần đây rơi về vùng thấp, với giá trị trung bình trên sàn HOSE chỉ quanh quẩn 14.000-17.000 tỷ đồng/phiên, giảm khoảng 25% so với nửa đầu năm, những phiên trên 20.000 tỷ đồng dần mất hút.

 VN-Index trong những tháng gần đây dao động trong biên độ hẹp. Nguồn: TradingView. 

VN-Index cũng diễn biến lình xình trong thời gian dài, thậm chí có thời điểm để mất mốc 1.200 điểm. Chỉ số đại diện cho sàn HOSE hiện chỉ quanh quẩn 1.250 điểm, cao hơn khoảng 10% so với thời điểm đầu năm. 

Thị trường vốn đi xuống khiến một số đợt huy động vốn bị "ế" hoặc phải tạm hoãn. Dù vậy, thị trường vẫn ghi nhận một số doanh nghiệp có thể huy động hàng nghìn tỷ đồng, điều này cho thấy nội lực của doanh nghiệp cũng như niềm tin của nhà đầu tư vẫn còn hiện hữu. 

Vẫn có đợt gọi vốn thành công 

Trong lĩnh vực chứng khoán, công ty đầu ngành SSI (Mã: SSI) mới đây phân phối toàn bộ hơn 150 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn lên trên 19.600 tỷ đồng. Ngày hoàn tất đợt chào bán 21/11.   

Với giá bán bình quân 15.000 đồng/cổ phiếu, SSI huy động được 2.267 tỷ đồng từ các nhà đầu tư. Số tiền này nhằm bổ sung cho hoạt động đầu tư chứng chỉ tiền gửi và cho vay giao dịch ký quỹ (margin). 

 SSI vẫn huy động được gần 2.300 tỷ đồng từ nhà đầu tư trong tháng 11. Ảnh: SSI. 

Chứng khoán Vietcap (Mã: VCI) phân phối gần 144 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu về hơn 4.000 tỷ đồng tính theo mức giá 28.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng một năm kể từ ngày hoàn tất đợt chào bán 11/11.

Danh sách nhà đầu tư mua cổ phiếu riêng lẻ đáng chú ý có quỹ ngoại PYN Elite Fund (21,5 triệu), Vietnam Enterprise Investments Limited (7,5 triệu), Amersham Industries Limited (6,8 triệu), DC Developing Markets (5 triệu)…

Chứng khoán MB (Mã: MBS) cũng mới đã thu về số tiền gần 600 tỷ đồng khi phát hành thành công 25,7 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài vào ngày 27/11 (Dragon Capital), qua đó tăng vốn điều lệ lên 5.728 tỷ đồng.   

Ở lĩnh vực khác, Tập đoàn Dabaco (Mã: DBC) đã chào bán hết gần 81 triệu cổ phiếu hồi cuối tháng 8 cho cổ đông hiện hữu, đồng thời phân phối 12 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động công ty.

Tổng số tiền thu về từ hai đợt phát hành là hơn 1.300 tỷ đồng. Kế hoạch sử dụng vốn bao gồm dành gần 800 tỷ để đầu tư nhà máy ép và tinh luyện dầu đậu nành; phần còn lại dùng làm vốn lưu động để vận hành nhà máy.  

Dabaco có kế hoạch mở rộng hoạt động chăn nuôi heo với việc tăng đàn lên 60.000 con heo nái và 1,5 triệu con heo thịt nhằm giảm sự phụ thuộc vào hợp đồng với các trang trại nhỏ. Doanh nghiệp còn dự kiến xây dựng 2 trang trại mới ở Thái Nguyên và Hòa Bình, có quy mô 5.000 heo nái/trang trại.

Ông lớn cảng biển Gemadept (Mã: GMD) triển khai phát hành 103 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 29.000 đồng/cp, chưa bằng phân nửa thị giá. Nguồn vốn mới dùng để mua sắm tài sản cố định, trả nợ ngân hàng và góp vào Cảng Nam Đình Vũ.

Kết quả cho thấy nhà đầu tư đã mua phần lớn với tỷ lệ thành công hơn 99%, số lượng dôi dư cũng sẽ được bán tiếp cho nhà đầu tư khác. Như vậy, công ty cảng biển đã huy động nguồn vốn gần 3.000 tỷ đồng cho đầu tư. 

Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (Mã: TNH) mang về 152 tỷ đồng trong đợt chào bán 15,2 triệu cổ phiếu hồi tháng 10. Số tiền này dùng để trả nợ vay các cá nhân, tổ chức tín dụng và bổ sung vốn lưu động.  

Công ty tăng cường huy động vốn trong bối cảnh đang muốn triển khai xây dựng thêm Bệnh viện TNH Việt Yên (Bắc Giang), Bệnh viện TNH Lạng Sơn (Lạng Sơn), Giai đoạn 3 – Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên hay tiến vào thị trường Đà Nẵng...

Áp lực từ các kế hoạch nghìn tỷ

Áp lực dòng tiền thời gian tới có thể tăng lên với các bom tấn nghìn tỷ đồng khác. Điển hình như Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex - Mã: BCM) đang có kế hoạch triển khai chào bán 300 triệu cổ phiếu ra công chúng trong quý IV/2024 - I/2025. 

Hội đồng quản trị cho biết mức giá sẽ không thấp hơn 50.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng nguồn vốn tối thiểu 15.000 tỷ đồng, có thể được huy động để tài trợ cho hoạt động đầu tư mở rộng khu công nghiệp và trả nợ. 

 Thêm 15.000 tỷ đồng sẽ đổ về Becamex nếu chào bán thành công toàn bộ. Ảnh: BCM.

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã: KBC) dự kiến chào bán 250 triệu cổ phiếu cho 11 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong và ngoài nước. Thời gian triển khai dự kiến trong khoảng quý I-III/2025. 

Giá dự kiến bằng 80% giá đóng cửa bình quân của 30 phiên giao dịch liền trước ngày có công văn chấp thuận chào bán, nhưng không thấp hơn 16.200 đồng/cổ phiếu. Theo đó, công ty có thể thu về số tiền tối thiểu 4.000 tỷ đồng để nâng cao năng lực tài chính. 

Chứng khoán KAFI cũng mong muốn huy động 2.500 tỷ đồng từ đợt phát hành 250 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1 và dự kiến nâng gấp đôi vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng.

Số tiền thu về chủ yếu dùng để bổ sung cho hoạt động tự doanh chứng khoáncho vay ký quỹ (tương ứng 90% tổng vốn huy động). Phần còn lại để bổ sung ngân sách hoạt động, đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ công nghệ, chi nhánh...

Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ gần 119 triệu cổ phiếu tại mức 11.585 đồng/cp, nhằm huy động số tiền gần 1.400 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong quý I-II/2025, vốn điều lệ sẽ tăng lên 20.800 tỷ đồng. 

Thép Nam Kim (Mã: NKG) mới đây thông báo nhận được giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng cấp ngày 2/12. Công ty sẽ phân phối trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp phép.  

Số lượng chào bán là 131,6 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1. Giá phát hành là 12.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với số tiền dự kiến huy động được là gần 1.600 tỷ đồng, nhằm đầu tư nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ.

Ông lớn ngành hàng không là Vietnam Airlines (Mã: HVN) đã được Quốc hội cho phép chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng. Điều này kỳ vọng khắc phục tình trạng âm vốn chủ và bổ sung đội tàu bay.

Thị trường vẫn còn những đợt chào bán "ế ẩm" thời gian quan. Công ty Đầu tư - Phát triển - Xây dựng Số 2 (Mã: DC2) chỉ bán được 3,42 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành riêng lẻ gần nhất, chỉ đạt tỷ lệ 68% và thu về 34 tỷ đồng. 

Gần 1,6 triệu cổ phiếu còn lại không chào bán hết sẽ bị hủy và không được phân phối tiếp cho các nhà đầu tư khác. Đây là khối lượng mà hai nhà đầu tư ban đầu không thực hiện quyền mua theo phương án đề ra. 

Ngân hàng TMCP Bắc Á (Mã: BAB) đã quyết định dừng triển khai phương án chào bán 89,6 triệu cổ phiếu BAB ra công chúng. Nội dung này sẽ được báo cáo trong cuộc họp cổ đông gần nhất. 

Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội (Mã: NHA) cũng tạm dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn 20%. Lý do để thay đổi phương án phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, kế hoạch huy động và sử dụng vốn trong thời gian tới. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm