Tài chính

AI đáng sợ thế nào: Làm lu mờ phiên bản ‘Internet thứ hai’ metaverse, tương lai biến thành thứ nguy hiểm với cuộc sống con người

AI đáng sợ thế nào: Làm lu mờ phiên bản ‘Internet thứ hai’ metaverse, tương lai biến thành thứ nguy hiểm với cuộc sống con người - Ảnh 1.

Metaverse, thế giới ảo từng được coi là chủ đề “làm nóng” giới công nghệ cách đây chưa đầy 2 năm, đang phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt.

Walt Disney tuyên bố đóng cửa bộ phận phát triển metaverse. Microsoft mới đây cũng đóng băng nền tảng thực tế ảo xã hội mua lại hồi năm 2017, trong khi Mark Zuckerberg dần chuyển hướng sang AI vì đầu tư metaverse thua lỗ.

Giá bất động sản ảo tại một số thế giới trực tuyến - nơi người dùng có thể tham gia với tư cách là nhân vật ảo đang lao dốc nhanh chóng. Giá đất trung bình ở Decentraland mất gần 90% giá trị so với 1 năm trước đây, theo WeMeta, một trang web theo dõi metaverse.

Việc Facebook đổi tên thành Meta hồi tháng 10/2021 đã thúc đẩy sự phấn khích trải nghiệm sản phẩm trên các nền tảng. Tuy nhiên, việc người dùng dè dặt trong bối cảnh nền kinh tế đi xuống khiến metaverse không mang lại nhiều doanh thu như những gì nó được kỳ vọng.

“Nhiều người đang nhận ra, rằng metaverse còn xa mới thực sự chuyển đổi”, Matthew Ball, một nhà đầu tư mạo hiểm nói.

Theo WSJ, các công ty công nghệ đã cắt giảm việc làm và từ bỏ nhiều dự án không cần thiết. Mark Zuckerberg, người vẫn coi metaverse là phiên bản Internet tiếp theo 18 tháng trước, nay đã gọi năm 2023 là “Năm hiệu quả”. Hàng nghìn nhân sự bị cắt giảm, trong đó có cả bộ phận metaverse.

“Nếu cần giảm số lượng nhân viên hoặc chi tiêu, các công ty sẽ chọn bộ phận metaverse”, Scott Kessler, chuyên gia phân tích lĩnh vực công nghệ tại công ty nghiên cứu Third Bridge Group nói, đồng thời cho biết các khoản đầu tư vào AI sẽ sinh lời trong thời gian tới. “Tất cả những thứ đang diễn ra, liên quan đến AI, dường như có thể được sử dụng ngay bây giờ. Với metaverse, không ai biết khi nào”.

Ngay cả ở thời kỳ đỉnh cao của cơn sốt metaverse, một số giám đốc điều hành vẫn nghi ngờ tính hiệu quả của vũ trụ ảo.

“Tôi chỉ muốn thử và làm việc với các công nghệ giúp mọi người tận hưởng thế giới thực,” David Limp, phó Chủ tịch cấp cao về thiết bị và dịch vụ của Amazon nói.  Meta đã chi hàng tỷ USD xây dựng metaverse, song ứng dụng hàng đầu của nó, Horizon Worlds, vẫn vật lộn thu hút và giữ chân người dùng. Doanh số tai nghe thực tế ảo Quest 2, vốn được sử dụng để truy cập Horizon Worlds và các ứng dụng thực tế ảo khác, cũng giảm trong quý gần đây nhất.

AI đáng sợ thế nào: Làm lu mờ phiên bản ‘Internet thứ hai’ metaverse, tương lai biến thành thứ nguy hiểm với cuộc sống con người - Ảnh 2.

Sự bùng nổ 2 năm về trước của metaverse đang bị thay thế bởi AI - công cụ được cho là nguy hiểm với cuộc sống con người.

Dẫu vậy, Mark Zuckerberg vẫn không rời bỏ metaverse, đồng thời khẳng định đây vẫn là trọng tâm lâu dài của công ty sau AI. “Hai làn sóng công nghệ chính thúc là AI trong hiện tại và metaverse trong lâu dài”, vị CEO nói.

Được biết, AI từ khi ra mắt đã tạo ra làn sóng công nghệ mới. Google, Microsoft và những gã khổng lồ công nghệ khác trước cơn sốt này đã cạnh tranh tung ra các sản phẩm trí tuệ nhân tạo của riêng mình.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các mô hình AI bùng nổ quá mạnh, nhiều chuyên gia cho rằng GPT-4 của OpenAI chỉ nên được phát triển nếu dành được sự tin tưởng và kiểm soát được toàn bộ rủi ro.

“Nhiều người, trong đó có cả tôi, dự đoán rằng việc xây dựng một AI thông minh siêu phàm sẽ khiến mọi người trên Trái đất chết theo đúng nghĩa đen”, Eliezer Yudkowsky nói, đồng thời cho biết AI không quan tâm đến con người cũng như cuộc sống tri giác nói chung. “Chúng ta còn lâu mới thấm nhuần những nguyên tắc đó trong công nghệ hiện tại”.

Theo WSJ, Walt Disney tuyên bố đóng cửa bộ phận phát triển metaverse trong bối cảnh công ty này tái cơ cấu bộ máy lãnh đạo và hoạt động. Giám đốc điều hành Robert Iger trở lại vào tháng 11 và bắt đầu cắt giảm chi phí, trong đó có kế hoạch bỏ 7.000 việc làm và tiết kiệm 5,5 tỷ USD.

Được biết ông Iger kế nhiệm Bob Chapek làm Giám đốc điều hành - người vào đầu năm 2022 đã bổ nhiệm lãnh đạo bộ phận khám phá chiến lược cho metaverse. Vào thời điểm đó, ông Chapek nhấn mạnh mục tiêu là “tạo ra một mô hình hoàn toàn mới về cách khán giả trải nghiệm và tương tác với câu chuyện”.

Trong khi đó, Microsoft đặt cược lớn vào lĩnh vực kỹ thuật số trực tuyến dù còn đang khá chật vật. Ngoài việc đóng cửa AltSpaceVR, quá trình phát triển tai nghe thực tế tăng cường cũng gặp một số vấn đề. Dẫu vậy, Microsoft “vẫn cam kết với metaverse”, ở cả công cụ phần cứng và phần mềm.

AI đáng sợ thế nào: Làm lu mờ phiên bản ‘Internet thứ hai’ metaverse, tương lai biến thành thứ nguy hiểm với cuộc sống con người - Ảnh 3.

Metaverse hụt hơi trước cơn sốt AI.

Cho đến nay, các công ty nhỏ hơn như Decentraland và Sandbox - nơi người dùng có thể mua đất ảo và xây dựng thế giới cho riêng mình đã đạt được một số thành công nhất định, song doanh số bán đất vẫn giảm. Giá trung bình trên một mét vuông ở Decentraland đã giảm từ khoảng 45 USD một năm trước xuống chỉ còn 5 USD, theo dữ liệu từ WeMeta.

Người phát ngôn của Decentraland Foundation, tổ chức giám sát nền tảng, cho biết doanh số bán đất không phải là chỉ dấu cho sự tăng trưởng của người dùng. Ông cho biết các khu đất mới rao bán trong 6 tháng qua đều đã sang tay đổi chủ.

Metaverse đã hạ nhiệt, song không thể phủ nhận rằng vẫn có một lượng các nhà đầu tư quan tâm đến vũ trụ ảo. Decentraland, sau khi chứng kiến sự sụt giảm 25% về số lượng người dùng tích cực từ tháng 11 đến tháng 1, đang ghi nhận đà tăng trở lại từ Tuần lễ thời trang Metaverse - một sự kiện có sự tham gia của các thương hiệu như Dolce & Gabbana và Tommy Hilfiger.

“Rõ ràng là sự cường điệu xung quanh metaverse đã giảm bớt. Tuy nhiên, chúng ta không nên nhầm lẫn điều này với sự đi xuống”, ông Ball, nhà đầu tư mạo hiểm đang lạc quan về metaverse, cho biết.

Theo: WSJ, BI


Cùng chuyên mục

Đọc thêm