Trước đây, phương tiện từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm qua trung tâm TP HCM và ngược lại chủ yếu bằng hầm vượt sông Sài Gòn và cầu Thủ Thiêm 1. Điều này được cho là thiếu kết nối và hạn chế sự phát triển kinh tế, xã hội ở cả hai phía, nhất là Thủ Thiêm.
Từ 15h hôm nay, người dân TP HCM có thêm lựa chọn mới khi xe cộ sẽ được đi qua cầu Thủ Thiêm 2, sau khi lễ khánh thành công trình này vừa tổ chức sáng nay.
Vào cuối năm 2007, cầu Thủ Thiêm 1, công trình đầu tiên nối Khu đô thị Thủ Thiêm với khu vực trung tâm TP HCM, bắc qua sông Sài Gòn, chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Cầu dài hơn 1,2 km, thiết kế 6 làn xe. Phần cầu dẫn phía Bình Thạnh gồm 4 nhánh, mỗi nhánh hai làn xe; cầu dẫn phía TP Thủ Đức dài 160 m, rộng 6 làn xe.
Điểm đầu tại nút giao giữa đường Ngô Tất Tố - Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh). Điểm cuối dự án kết nối với đường Lương Định Của (TP Thủ Đức).
Tổng kinh phí xây dựng khoảng 1.100 tỷ đồng. Tổng thầu là Tổng Công ty Xây dựng số 1 thuộc Bộ Xây dựng.
Sau 15 năm từ khi cầu Thủ Thiêm 1 đi vào hoạt động, cầu Thủ Thiêm 2 chính thức khánh thành và thông xe vào sáng nay (28/4).
Công trình được khởi công vào năm 2015 với tổng vốn đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau ba năm xây dựng. Tuy nhiên, do vướng mắc về vốn và giải phóng mặt bằng nên trễ tiến độ hơn 4 năm so với kế hoạch ban đầu.
Cầu Thủ Thiêm 2 có chiều dài gần 1,5 km, phần cầu chính dài 886 m với 6 làn xe. Cầu có trụ tháp chính được thiết kế để lắp dây văng cao 113 m.
Điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn (quận 1), điểm cuối kết nối vào đường Trần Bạch Đằng (tuyến R1, TP Thủ Đức).
Cầu này có nhánh chính nối thẳng xuống đường Tôn Đức Thắng (quận 1) dài 437 m gồm 4 làn xe vượt qua nút giao Nguyễn Hữu Cảnh - Lê Thánh Tôn và kết nối nút giao Lê Duẩn - Tôn Đức Thắng.
Nhánh N1 nối từ đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ vòng xoay Mê Linh lên cầu) dài hơn 190 m với hướng uốn cong men theo bờ sông Sài Gòn. Nhánh N2 dài hơn 192 m, kết nối từ TP Thủ Đức qua quận 1, kéo dài tới nút giao Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết cầu Thủ Thiêm 2 giúp hoàn thiện trục giao thông chính của thành phố, tăng kết nối khu trung tâm với khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đồng thời, dự án cũng tạo sức hút đầu tư để hoàn thiện khu đô thị Thủ Thiêm trước năm 2030 - nơi được định hướng trung tâm kinh tế, tài chính, đô thị thông minh của thành phố và khu vực.
Tại khu đô thị mới Thủ Thiêm còn quy hoạch dự án cầu Thủ Thiêm 3, điểm đầu từ đường Tôn Đản, quận 4, băng qua đường Nguyễn Tất Thành, khu đất bến cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (cảng Sài Gòn), vượt sông Sài Gòn và điểm cuối tại Đại lộ vòng cung của Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo Báo Đầu tư, UBND TP HCM từng giao Liên danh Tổng Công ty Thái Sơn - CTCP Tập đoàn Phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam nghiên cứu lập Đề xuất dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 3 và mở rộng, nâng cấp đường Tôn Đản, quận 4.
Còn dự án cầu Thủ Thiêm 4 nối Khu đô thị Thủ Thiêm với quận 7, dài khoảng 2,1 km, được thiết kế theo kiểu cầu dây văng, trong đó cầu chính có 6 làn xe rộng 28 m. Dự kiến có mức đầu tư dự án hơn 5.200 tỷ đồng.
Cầu Thủ Thiêm 4 có phần cầu dẫn trước nút giao Nguyễn Văn Linh và cầu Tân Thuận 2. Ngoài ra, còn có hai nhánh cầu dẫn N1 và N2 từ cầu chính phía bên quận 7 xuống đường Huỳnh Tấn Phát.
UBND TP HCM từng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT) và cho phép UBND thành phố được quyết định phương án lựa chọn liên danh CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt - CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng 620 - CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng 168 làm nhà đầu tư thực hiện dự án.
Hiện nay, hình thức BT đã được bỏ trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Việc này khiến dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và các sở, ngành tại TP HCM đang nghiên cứu, đề xuất tìm nguồn vốn phù hợp sớm xây dựng.
Công trình khi hoàn thành ngoài thúc đẩy Khu đô thị mới Thủ Thiêm phát triển sẽ rút ngắn thời gian đi từ TP Thủ Đức và quận Bình Thạnh qua các quận 7, 8, huyện Nhà Bè, Bình Chánh. Dự án còn góp phần giảm ùn tắc xung quanh các cảng Bến Nghé, Khu chế xuất Tân Thuận, đường Huỳnh Tấn Phát tại quận 7.
Kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với quận 1 còn có dự án cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn nằm giữa cầu Thủ Thiêm 2 và hầm vượt sông Sài Gòn.
Dự kiến, ở phía quận 1, chân cầu nằm trong khu vực Công viên cảng Bạch Đằng, gần phố đi bộ Nguyễn Huệ. Phía Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chân cầu đặt tại công viên bờ sông khu A, phía nam quảng trường trung tâm.
Chức năng chính của cầu đi bộ là phục vụ nhu cầu ngắm cảnh, đi lại, thưởng ngoạn và tổ chức lễ hội. Cầu đi bộ dài hơn 500 m, sẽ là điểm nhấn của TP HCM trong tương lai.
Ngoài các công trình cầu đường bộ nói trên, hạ tầng kết nối trung tâm quận 1 với khu Đông còn có hầm Thủ Thiêm xuyên sông Sài Gòn, được khánh thành vào tháng 11/2011. Tại thời điểm đó, đây là hầm chui vượt sông đầu tiên của cả nước và lớn nhất Đông Nam Á.
Hầm có tổng chiều dài 1,5 km gồm 6 làn, vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng, nối quận 1 với bán đảo Thủ Thiêm, TP Thủ Đức. Đây là hạng mục quan trọng nhất của dự án đại lộ Đông Tây (dài 22 km, tổng đầu tư 9.800 tỷ đồng).
Công trình giúp thời gian di chuyển từ bờ đông sang tây sông Sài Gòn còn hơn một phút; rút ngắn quãng đường từ trung tâm thành phố về các tỉnh miền Tây, miền Đông.
Dự án cũng là tiền đề bán đảo Thủ Thiêm thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ... của khu vực trong tương lai.