Chuyển đổi vị trí công tác hơn 37 nghìn cán bộ, công chức
Sáng 13/9, báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 của Chính phủ gửi tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, trong năm 2023, có hơn 4,4 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức, người dân được phổ biến, giới thiệu, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực; hơn 95 nghìn lớp tuyên truyền, quán triệt pháp luật về PCTN được tổ chức và trên 724 nghìn cuốn sách, tài liệu về PCTN được phát hành.
Liên quan đến việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, luân chuyển cán bộ: các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng với 37.474 lượt cán bộ, công chức, viên chức (tăng 86,4% so với năm 2022).
Về thanh toán không dùng tiền mặt, tổng số lượng giao dịch nội tệ qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt trên 114 triệu giao dịch, với giá trị đạt trên 164 triệu tỷ đồng (tăng 8,15% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ liền trước).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp sáng 13/9
Liên quan đến thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) của người có chức vụ, quyền hạn, Chính phủ thông tin, trong kỳ đã có 60.458 người kê khai TSTN lần đầu; 545.535 người đã kê khai TSTN hằng năm; 44.015 người đã kê khai TSTN bổ sung; 161.928 người kê khai TSTN phục vụ công tác cán bộ; 655.299 người đã được công khai bản kê khai TSTN.
Kết quả xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 là 13.093 người; có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định…; có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.
Xem xét cho từ chức sau khi bị kỷ luật
Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, Chính phủ cho biết, có 39 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Trong đó, có 11 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đã bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 28 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
Các đại biểu tham dự phiên họp
Sang năm 2024, Chính phủ cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, xem xét cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị; rà soát, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên;
Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị xảy ra tình trạng này, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp…
Đại diện cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường đánh giá, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vẫn còn có những hạn chế; kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.
“Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng còn có những vướng mắc, một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chậm ban hành văn bản quy định chi tiết theo quy định”, ông Cường cho hay.
Uỷ ban Tư pháp kiến nghị Chính phủ, các cơ quan liên quan siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.
Qua kết quả điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp (như vụ chuyến bay giải cứu, các vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm, AIC…), Uỷ ban Tư pháp đề nghị các cơ quan hữu quan đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự trong thời gian tới. |