Tiến sĩ, bác sĩ Saurabh Sethi, chuyên gia tiêu hóa từng được đào tạo tại trường Đại học Harvard và hiện làm việc ở California (Mỹ), cho biết có nhiều thói quen tưởng chừng vô hại nhưng thực chất đang âm thầm phá hủy sức khỏe đường ruột của bạn mỗi ngày.
Dưới đây là những thói quen phổ biến mà bác sĩ khuyến cáo nên thay đổi càng sớm càng tốt:
Ăn quá nhanh

Cuộc sống bận rộn khiến nhiều người không còn thời gian để thưởng thức bữa ăn đúng nghĩa. Việc ăn vội vã, ăn cho xong đã trở thành thói quen phổ biến. Tuy nhiên, theo bác sĩ Sethi, đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đầy hơi và trào ngược axit.
Khi ăn quá nhanh, bạn thường không nhai kỹ, khiến dạ dày phải làm việc nhiều hơn để nghiền nát thức ăn. Điều này tạo áp lực lên hệ tiêu hóa và gây khó chịu. Giải pháp là hãy ăn chậm lại, dành ít nhất 20 phút cho mỗi bữa ăn để hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
Lạm dụng chất tạo ngọt nhân tạo
Các loại đường nhân tạo như sucralose và aspartame – thường có mặt trong nước ngọt ăn kiêng và sản phẩm "không đường" – không hề vô hại như nhiều người nghĩ. Chúng có thể làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột, gây viêm và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tiêu hóa.
Sethi khuyên nên hạn chế tối đa các chất tạo ngọt nhân tạo và thay thế bằng các lựa chọn tự nhiên như mật ong – nếu không có chống chỉ định về sức khỏe.
Bỏ bữa và sau đó ăn quá nhiều
Bỏ bữa vì bận rộn, rồi ăn bù vào cuối ngày là thói quen phổ biến nhưng gây hại nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa. Theo chuyên gia, thói quen này không chỉ khiến đường ruột bị quá tải mà còn làm tăng đột ngột insulin, dẫn đến viêm và nguy cơ tăng cân.
Hãy duy trì thói quen ăn uống đều đặn, cân bằng, không để cơ thể bị đói quá mức rồi lại ăn quá nhiều trong một lúc. Ăn đúng giờ là một phần quan trọng giúp ruột khỏe mạnh.
Ngủ không đủ giấc
Trong cuộc chạy đua với công việc và cuộc sống, giấc ngủ thường là điều đầu tiên bị đánh đổi. Nhưng ngủ ít không chỉ khiến bạn mệt mỏi – nó còn làm tổn thương hệ tiêu hóa nghiêm trọng.
Thiếu ngủ kéo dài có thể làm suy yếu lớp niêm mạc ruột, dẫn đến các vấn đề như hội chứng rò rỉ ruột (leaky gut). Bác sĩ nhấn mạnh giấc ngủ không phải là điều có thể "làm bù". Hãy đảm bảo ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm để hệ tiêu hóa có thời gian phục hồi.
Lạm dụng thuốc giảm đau
Khi xuất hiện tình trạng đau đầu, đau nhức cơ thể, nhiều người lập tức tìm đến thuốc giảm đau. Nhưng nếu sử dụng quá thường xuyên các loại NSAIDs như ibuprofen, aspirin hay naproxen, bạn đang đặt hệ tiêu hóa vào nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng.
Sethi cảnh báo NSAIDs có thể gây kích ứng niêm mạc ruột, thậm chí là loét và chảy máu nếu dùng lâu dài. Hãy sử dụng thuốc giảm đau một cách có kiểm soát, và luôn theo chỉ định của bác sĩ.