Các yếu tố hỗ trợ thị trường
SHS nhận định, nửa cuối năm 2025 tiếp tục chứng kiến quá trình điều hành kinh tế với nhiều mâu thuẫn cần cân bằng. Chính sách kích thích kinh tế được triển khai mạnh mẽ thông qua việc hạ lãi suất, tăng trưởng tín dụng và mở rộng cung tiền. Tuy nhiên, mục tiêu hỗ trợ thanh khoản lại phải song hành với yêu cầu giữ ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát, tạo ra áp lực trong điều hành.
Về yếu tố bên ngoài, rủi ro từ chính sách thuế quan Mỹ đã được thị trường phản ánh phần lớn trong tháng 4. Câu hỏi hiện nay không còn là có áp thuế hay không, mà chuyển sang việc mức thuế sẽ giảm bao nhiêu và khi nào.
Trong dài hạn, các nhà phân tích đề cập tới kỳ vọng Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển như các “con hổ châu Á” trước đây. Xu hướng chuyển dịch từ các ngành truyền thống như ngân hàng, bất động sản sang công nghệ cao và lĩnh vực có hàm lượng tri thức lớn đang được định hình. Đây được xem là bước chuẩn bị cho làn sóng công nghệ thứ sáu – động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.
Về thị trường vốn, kỳ vọng nâng hạng Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging Market) trong kỳ rà soát tháng 9/2025 đang không rõ nét sau thông báo hồi tháng 3 cho biết Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi.
Thị trường vận động trong vùng giá mới
Đầu tháng 7, VN-Index dao động quanh 1.380 điểm, vượt lên vùng giá trước thời điểm áp thuế. VN30 tiệm cận vùng 1.500 điểm, tương đương mức trung bình giai đoạn 11/2021–3/2022. SHS cho rằng VN30 khó vượt đỉnh lịch sử trong 6 tháng cuối năm, còn VN-Index có khả năng tiến về vùng 1.420 điểm.
Thị trường được dự báo sẽ biến động trong vùng 1.300–1.400 điểm, với xác suất cao là hướng đến khu vực 1.400 điểm, tương ứng mức tăng 11–12% so với năm 2024. Giá trị giao dịch toàn thị trường ước tăng khoảng 10%.
Cuối tháng 6/2025, vốn hóa thị trường đạt khoảng 310 tỷ USD, tương đương 65% GDP năm 2024. P/E của VN-Index ở mức 14,1 lần, tiệm cận trung bình 3 năm (14,7) và thấp hơn trung bình 5 năm (16,7). P/E forward khoảng 11,5 lần.
SHS nhận định thị trường không còn ở vùng định giá thấp, và dòng tiền có thể ưu tiên các cổ phiếu chưa phục hồi nhiều, vẫn giữ mức định giá hợp lý.

5 nhóm ngành có triển vọng trong bối cảnh thị trường chọn lọc
SHS cho rằng trong giai đoạn tới, nhiều khả năng dòng tiền trên thị trường sẽ hướng tới các nhóm cổ phiếu chưa phục hồi quá mạnh, vẫn giữ mức định giá hấp dẫn hơn so với giai đoạn trước khi có thông tin áp thuế. Trong bối cảnh đó, 5 nhóm ngành được kỳ vọng tích cực trong nửa cuối năm.
Bất động sản dân cư được hưởng lợi từ các chính sách “cởi trói pháp lý”, giúp nhiều dự án có thể mở bán mới trong năm 2025. Đồng thời, tín dụng bất động sản tăng trưởng cao, trong khi lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp.
Dịch vụ tài chính có triển vọng từ định giá hấp dẫn và kỳ vọng nâng hạng thị trường. Giá trị giao dịch trung bình dự kiến tăng khoảng 11% – 12%, hỗ trợ kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán. Trong đó, nhóm có lợi thế về khách hàng tổ chức nước ngoài sẽ là nhóm hưởng lợi nhiều nhất khi thị trường nâng hạng.
Ngân hàng tiếp tục được thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm 2025, với định hướng duy trì mức lãi suất thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. NIM có xu hướng giảm nhẹ do cạnh tranh lãi suất cho vay, trong khi rủi ro nợ xấu có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở nhóm ngân hàng tư nhân nhỏ.
Vật liệu cơ bản được dự báo phục hồi nhờ nhu cầu nội địa tăng trở lại từ hoạt động đầu tư công và bất động sản. Với phân bón, nhu cầu tiêu thụ vẫn được duy trì nhờ thời tiết thuận lợi, giá nguyên liệu thấp và thuế VAT hỗ trợ.
Hạ tầng là lĩnh vực trọng tâm với kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2025 ở mức 825.000 tỷ đồng (tăng 44% so với năm 2024). Các dự án trọng điểm chuyển hướng sang lĩnh vực đường sắt và metro.
Luật PPP mới được ban hành cũng mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tham gia các dự án lớn. Trong nửa đầu năm, đã có 7 dự án cao tốc lựa chọn được nhà đầu tư với tổng vốn trên 160tỷ đồng.

Đánh giá tổng quan một số nhóm ngành. (Nguồn: SHS).