Vào ngày 9/7 tới đây, Trái Đất sẽ quay nhanh hơn bình thường, khiến thời gian của mỗi ngày ngắn lại.
Đây không chỉ là hiện tượng đơn lẻ, mà là một phần trong chuỗi biến động quay bất thường đã được các nhà khoa học theo dõi sát sao từ năm 2020 đến nay.
Vì sao Trái Đất quay không đều?
Thông thường, một ngày trên Trái Đất kéo dài 24 giờ, tương đương 86.400 giây. Nhưng trên thực tế, tốc độ quay của Trái Đất không hoàn toàn cố định. Nó có thể dao động vài mili giây mỗi ngày do nhiều yếu tố khác nhau.
Đáng chú ý, phải kể tới lực hấp dẫn từ Mặt Trăng và Mặt Trời, gây ra hiện tượng thủy triều và ảnh hưởng đến lực quay quán tính của Trái Đất. Không chỉ vậy, các hoạt động địa chất như động đất, phun trào núi lửa... diễn ra tại lớp dưới bề mặt cũng có khả năng làm chậm, hoặc đẩy nhanh tốc độ quay của Trái Đất.

Ảnh minh hoạ: Getty.
Cùng với đó, các biến động khí hậu toàn cầu, đặc biệt là hiện tượng tan băng ở hai cực, cũng làm thay đổi sự phân bố khối lượng trên bề mặt hành tinh, khiến tốc độ quay của Trái Đất trở nên khó dự đoán.
Theo báo cáo từ Timeanddate.com, vào các ngày 9/7, 22/7 và 5/8, Trái Đất sẽ quay nhanh hơn so với mức trung bình. Đây sẽ là 3 ngày ngắn nhất trong năm 2025 tính theo thời gian quay thực tế của Trái Đất quanh trục.
Cụ thể, vào ngày 9/7, độ dài ngày dự kiến sẽ ngắn hơn 1,30 mili giây so với chuẩn 86.400 giây. Hiện tượng này tiếp tục lặp lại vào ngày 22/7, với mức rút ngắn được dự báo là 1,38 mili giây, và đạt đỉnh vào ngày 5/8, khi Trái Đất có thể hoàn thành một vòng quay quanh trục chỉ trong thời gian ngắn hơn trung bình tới 1,51 mili giây.
Mặc dù sự chênh lệch này rất nhỏ và không thể nhận biết bằng cảm quan thông thường, nhưng nó lại có ý nghĩa lớn trong các hệ thống đo thời gian chuẩn quốc tế, đồng thời cho thấy xu hướng tăng tốc quay đang tiếp diễn của Trái Đất.
Trái Đất có đang bước vào giai đoạn "tăng tốc"?
Trước năm 2020, chưa từng có ngày nào ngắn hơn mức chuẩn quá 1 mili giây, nhưng trong 5 năm trở lại đây, các ngày ngắn hơn nửa mili giây đã xuất hiện nhiều hơn, chủ yếu rơi vào mùa hè.
Trong đó, kỷ lục gần đây nhất được ghi nhận vào ngày 5/7/2024, khi Trái Đất quay nhanh đến mức ngắn hơn 1,66 mili giây so với trung bình.
Điều này khiến các nhà khoa học đặt câu hỏi: Liệu Trái Đất có đang bước vào giai đoạn tăng tốc quay hay không?

Tuy nhiên, nếu xu hướng Trái Đất quay nhanh tiếp tục, chúng ta có thể sẽ cần trừ đi 1 giây nhuận vào năm 2029 (Ảnh: Getty).
GS Leonid Zotov, chuyên gia nghiên cứu chuyển động quay của Trái Đất tại Đại học Tổng hợp Moscow, cho biết rằng các mô hình vật lý hiện hành, bao gồm dòng hải lưu và tuần hoàn khí quyển toàn cầu, không đủ khả năng lý giải mức độ tăng tốc quay mà Trái Đất đang trải qua trong vài năm gần đây.
Theo ông, hiện tượng này nhiều khả năng bắt nguồn từ các quá trình động lực học phức tạp diễn ra sâu bên trong lòng Trái Đất, cụ thể là ở khu vực lõi hành tinh, nơi vẫn còn là ẩn số lớn đối với khoa học hiện đại.
Tuy nhiên, cho đến nay, các bằng chứng và dữ liệu thu thập được vẫn chưa đủ để xác định rõ ràng nguyên nhân cụ thể, và giới nghiên cứu sẽ cần thêm thời gian để xây dựng mô hình mô phỏng chính xác hơn nhằm giải thích hiện tượng này.
Sự thay đổi nhỏ này không ảnh hưởng gì đến cuộc sống thường ngày, nhưng nó có ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì hệ thống thời gian chuẩn toàn cầu.
Cụ thể, kể từ những năm 1970, để đồng bộ giữa thời gian nguyên tử (vốn yêu cầu tính chính xác cao) và thời gian thiên văn (phụ thuộc vào chuyển động quay của Trái Đất), các tổ chức quốc tế thường thêm “giây nhuận” (leap second) vào cuối năm hoặc giữa năm khi cần thiết.
Tuy nhiên, nếu xu hướng Trái Đất quay nhanh tiếp tục, chúng ta có thể sẽ cần trừ đi 1 giây nhuận vào năm 2029, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử hiện đại.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng đây không phải là một xu hướng dài hạn. Trong thang đo địa chất hàng triệu năm, Trái Đất vẫn đang quay chậm dần, như một hệ quả tự nhiên từ lực tương tác với Mặt Trăng và sự thay đổi lâu dài của hành tinh.