Dinh dưỡng

5 cách phục hồi sau hóa trị

Tóm tắt:
  • Hóa trị giúp kiểm soát ung thư nhưng gây tác dụng phụ như mệt mỏi, rụng tóc.
  • Người bệnh nên bổ sung protein và thực phẩm giàu vitamin để phục hồi sức khỏe.
  • Vận động nhẹ nhàng giúp cải thiện tuần hoàn, giảm căng thẳng và hỗ trợ tiêu hóa.
  • Theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các biến chứng hoặc tái phát ung thư.
  • Tăng cường hệ miễn dịch và chăm sóc tâm lý để nâng cao chất lượng sống sau hóa trị.

Hóa trị là một trong những phương pháp điều trị chính cho nhiều loại ung thư, phổ biến là ung thư vú, phổi, đại trực tràng, buồng trứng... Phương pháp này giúp tiêu diệt hoặc kiểm soát sự phát triển của tế bào ung thư, ngăn ngừa di căn.

Sau hóa trị, người bệnh có thể gặp nhiều tác dụng phụ như mệt mỏi kéo dài, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, rụng tóc, suy giảm miễn dịch, tâm lý căng thẳng... Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thế Thu, khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, hướng dẫn một số cách giúp người bệnh phục hồi cơ thể nhanh hơn, cải thiện chất lượng sống, ngăn ngừa nguy cơ tái phát.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Hóa trị có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, gây mệt mỏi, mất cảm giác thèm ăn, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Người bệnh có thể bổ sung protein có trong thịt nạc, cá, trứng, sữa, các loại đậu và hạt... để tái tạo mô và tăng cường hệ miễn dịch.

Các bữa ăn nên ưu tiên rau xanh và trái cây. Đây là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa giúp cơ thể chống lại tổn thương tế bào, cơ thể dễ hấp thu hỗ trợ phục hồi hiệu quả. Duy trì uống đủ hai lít nước mỗi ngày nhằm thúc đẩy tiêu hóa và thận đào thải chất độc.

Người bệnh nên chọn các món loãng, mềm dễ nuốt. Ảnh: Lục Bảo

Người bệnh nên chọn các món loãng, mềm dễ nuốt. Ảnh: Lục Bảo

Vận động nhẹ nhàng

Duy trì tập thể dục nhẹ nhàng góp phần cải thiện tuần hoàn máu, giảm mệt mỏi, đồng thời tăng cường sức khỏe tinh thần. Người bệnh nên cố gắng đi bộ 15-30 phút mỗi ngày để cải thiện hệ tim mạch, hỗ trợ tiêu hóa. Các bài tập yoga, thiền có tác dụng giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ, phục hồi thể lực.

Theo dõi sức khỏe định kỳ

Sau hóa trị, người bệnh cần tái khám theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi tình trạng sức khỏe. Người có dấu hiệu bất thường như ho, khó thở, sốt, đi ngoài, loét miệng, sụt cân không rõ nguyên nhân, đau kéo dài hoặc chảy máu bất thường sau hóa trị cần nhập viện để được chẩn đoán, phát hiện tác dụng phụ cấp tính, mạn tính của hóa chất hay bệnh tái phát.

Xét nghiệm máu kiểm tra chỉ số bạch cầu, hồng cầu, chức năng gan thận hoặc kiểm tra dấu ấn ung thư... có thể phát hiện sớm nguy cơ tái phát, theo bác sĩ Thu.

Tăng cường hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch thường bị suy yếu sau hóa trị. Một số biện pháp có thể tăng cường sức đề kháng gồm bổ sung vitamin, khoáng chất như vitamin C, D, kẽm, sắt, tiêm vaccine theo khuyến cáo, ngủ đủ giấc 7-8 tiếng mỗi đêm, tránh căng thẳng.

Chăm sóc sức khỏe tinh thần

Người bệnh nên thực hành thiền hoặc bài tập thở sâu để giảm stress và kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Tự tạo niềm vui trong cuộc sống như đọc sách, nghe nhạc, vẽ tranh hoặc thực hiện các hoạt động yêu thích giúp giữ tâm trạng tích cực, duy trì tinh thần lạc quan.

Các tin khác

Giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục

Giá vàng tăng vọt lên mức cao kỷ lục, chạm mốc quan trọng 3.500 USD/ounce. Giới đầu tư tìm đến vàng là nơi trú ẩn an toàn giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell.

ĐHĐCĐ OCB: Quý I ước tính lãi trước thuế gần 900 tỷ, có thể sở hữu công ty chứng khoán khi điều kiện thuận lợi

Theo Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn, OCB rất cần một công ty chứng khoán, với bản chất như một ngân hàng đầu tư, cùng nhau phục vụ nhóm khách hàng đặc biệt (priority), khách hàng VIP. Tuy nhiên, thời điểm này chưa phải lúc để ngân hàng dẫn dắt một công ty chứng khoán nên ban điều hành sẽ cân nhắc sở hữu khi điều kiện thuận lợi.