Sức khỏe

5 biến chứng nguy hiểm của cúm

5 biến chứng nguy hiểm của cúm - Ảnh 1.

Một phụ nữ đang được tiêm vắc xin ngừa cúm - Ảnh: REUTERS

Bé Lê Trung H., 20 tháng tuổi, nhà ở huyện Chợ Gạo, Tiền Giang, bị sốt, ho, sổ mũi bảy ngày không giảm nên mẹ đưa bé đến bác sĩ khám.

Mẹ bé kể rằng mẹ cho bé uống thuốc tại nhà được ba ngày, thấy bé hết sốt hôm qua, tự nhiên sáng nay sốt cao, thở khó nên đưa vào bệnh viện.

Bác sĩ khám thấy bé thở khò khè, lồng ngực phía dưới rút lõm sâu khi bé hít vào. Bác sĩ nói bé bị viêm phổi nặng nên chuyển vào phòng cấp cứu để tiếp hơi. Đây là một trường hợp viêm phổi bội nhiễm sau nhiễm siêu vi, nghi do biến chứng của bệnh cúm.

Thông thường những người bị cúm sẽ hồi phục sau vài ngày, và khỏi bệnh sau một tuần mà không cần điều trị gì hết. Tuy nhiên có một số người có thể phát triển thành các biến chứng đe dọa tính mạng.

Những đối tượng dễ bị biến chứng nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, người bị suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai. Sau đây là 5 biến chứng nguy hiểm nhất do cúm gây ra:

1. Viêm phổi: Viêm phổi do vi khuẩn có thể phát triển từ viêm đường hô hấp trên lan xuống đường hô hấp dưới.

2. Nhiễm trùng huyết, một biến chứng nhiễm trùng toàn thân khi vi trùng cơ hội xâm nhập vào máu, dẫn đến suy nội tạng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

3. Đau tim: Vi rút cúm có thể làm tăng nguy cơ đau tim. Một nghiên cứu năm 2018 ở Mỹ cho thấy bệnh nhân có nguy cơ bị đau tim sau khi nhiễm cúm cao gấp sáu lần so với bình thường.

4. Suy giảm miễn dịch: Viêm phổi ở phụ nữ mang thai nguy hiểm hơn người thường. Bệnh cúm tiến triển nặng có thể gây viêm phổi cho thai phụ vì tình trạng suy giảm miễn dịch ở bà mẹ.

5. Hậu cúm: Chúng ta quen với từ "hậu COVID". Nhưng cúm vẫn có khả năng dẫn đến "cúm kéo dài" hay "hậu cúm". Đây là một biến chứng muộn của cúm. 

Giáo sư sinh học miễn dịch tại Đại học Yale, Akiko Iwasaki, đã xác nhận "sau khi bị cúm, không phải là chưa từng gặp các triệu chứng, đặc biệt là mệt mỏi kéo dài, ho kéo dài, sương mù não, tức giảm trí nhớ, hay quên".

Mọi người cần để ý 3 cơ quan này:

Một là thần kinh, người bệnh bứt rứt, khó chịu, hoặc lừ đừ, ngủ lịm, gọi không trả lời, nặng nhất là co giật, bất tỉnh.

Hai là hô hấp, người bệnh thở nhanh, rút lõm phần dưới lồng ngực khi hít vào, thở rít khi nằm yên, môi nhợt nhạt, tím tái.

Ba là tim mạch, chân tay lạnh giá, môi khô, da nổi bông, mạch không bắt được ở cổ tay, nếu có đo huyết áp thì ghi nhận huyết áp tụt hoặc bằng không.

Chỉ cần ghi nhận có một triệu chứng trong ba cơ quan kể trên thì ngay lập tức đưa người bệnh vào bệnh viện gần nhà nhất, để cấp cứu kịp thời.

Để phòng cúm, người dân cần đi tiêm phòng cúm và thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh lây qua đường hô hấp như mang khẩu trang, rửa tay đúng cách, không tập trung đông người.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm