Thời sự

12 người tử vong trong đám cháy ở Phạm Văn Đồng, chuyên gia chỉ cách thoát nạn khi cháy nhà cao tầng

TIN MỚI

Trước đó, đám cháy bắt đầu từ khoảng 22h30 đêm 18/12, sau đó bùng phát mạnh. Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) huy động hàng chục phương tiện cùng nhiều chiến sĩ tới hiện trường dập lửa. Hàng chục xe cứu thương cũng đã được huy động đến hiện trường để vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện.

12 người tử vong trong đám cháy ở Phạm Văn Đồng, chuyên gia chỉ cách thoát nạn khi cháy nhà cao tầng- Ảnh 1.
12 người tử vong trong đám cháy ở Phạm Văn Đồng, chuyên gia chỉ cách thoát nạn khi cháy nhà cao tầng- Ảnh 2.
12 người tử vong trong đám cháy ở Phạm Văn Đồng, chuyên gia chỉ cách thoát nạn khi cháy nhà cao tầng- Ảnh 3.
12 người tử vong trong đám cháy ở Phạm Văn Đồng, chuyên gia chỉ cách thoát nạn khi cháy nhà cao tầng- Ảnh 4.
12 người tử vong trong đám cháy ở Phạm Văn Đồng, chuyên gia chỉ cách thoát nạn khi cháy nhà cao tầng- Ảnh 5.

10 xe cứu thương đã được huy động để làm công tác cấp cứu, vận chuyển nạn nhân tại hiện trường vụ cháy.

Theo lời của bà Nguyễn Thị Hợp, người dân sống cạnh quán hát bị cháy, khoảng 22h30, khi chuẩn bị đi ngủ thì nghe thấy tiếng nổ ngay bên cạnh nhà mình, sau đó nghe thấy tiếng nhiều người hô "cháy". "Tôi chạy ra phía ngoài đường thì thấy lửa đã cháy rất to, những xe đỗ trước cửa cũng đã bị cháy. Có người đàn ông giơ điện thoại kêu cứu trên tầng 3 đã được cứu thoát bằng xe thang cùng khoảng 2-3 người nữa" - bà Hợp kể lại.

Anh Đỗ Đức Trung - hàng xóm ngay sát phía sau khu vực xảy ra cháy - cho biết, đây là quán karaoke gia đình quy mô nhỏ. Qua trao đổi thông tin với chủ quán thì được biết do mâu thuẫn giữa hai gia đình, một người đã xách theo xô đựng xăng hất vào ngôi nhà trên đường Phạm Văn Đồng. Lửa từ tầng 1 bốc lên, cháy lan sang nhà bên cạnh, bịt mất đường thoát nạn của những người trong nhà.

Nhà có lồng sắt thì thoát hiểm thế nào?

Theo quan sát của phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, tại hiện trường, có thể thấy 2 ngôi nhà chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của vụ cháy được thiết kế theo kiểu chuồng cọp, mặc dù đã được cắt một lối thoát hiểm nhưng khi lửa bốc lên, các nạn nhân không thể tiếp cận được.

Đối với nhà độc lập, liền kề, Bộ Công an khuyến cáo người phát hiện đám cháy cần nhanh chóng báo động để mọi người trong nhà biết và nhanh chóng thoát ra ngoài theo lối cửa chính, nếu lối này chưa bị lửa, khói bao trùm.

Trong quá trình di chuyển, cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc hoặc bị lửa tạt gây bỏng hoặc cháy quần áo.

Trường hợp lối thoát qua cửa chính tại tầng 1 đã bị lửa, khói bao trùm, cần tìm lối thoát khác như ban công và sử dụng thang dây (nếu có) hoặc dây thừng, dây tự nối bằng rèm, ga giường, quần… đủ chắc và buộc vào cấu kiện vững chắc để thoát xuống dưới và ra nơi an toàn.

Ngoài ra, có thể di chuyển ra ban công hoặc qua cửa sổ, lên tầng thượng… để tìm cách thoát sang các nhà, công trình lân cận.

Trường hợp nhà có lồng sắt bao bọc và không có sẵn cửa thoát hiểm, người dân cần tìm kiếm các vật dụng như búa, rìu… để bẻ gãy hoặc banh rộng các ô trên lồng sắt để mọi người có thể chui qua và sang công trình liền kề hoặc xuống nơi an toàn với sự hỗ trợ của những người xung quanh.

12 người tử vong trong đám cháy ở Phạm Văn Đồng, chuyên gia chỉ cách thoát nạn khi cháy nhà cao tầng- Ảnh 6.

Hiện trường vụ cháy làm 11 người tử vong đêm 18 rạng sáng 19/12 tại đường Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho thấy, căn nhà được thiết kế chuồng cọp phía trước.

Theo Thiếu tá Đỗ Tuấn Anh - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC & CNCH (Công an TP Hà Nội), khi thoát nạn thoát hiểm trong môi trường có khói khí độc thì việc đầu tiên người dân phải làm đó là đảm bảo sự an toàn cho cơ quan hô hấp bằng cách sử dụng các loại khăn ẩm, khẩu trang bịt mũi, bịt miệng.

Phải di chuyển theo phương pháp di chuyển thấp người, men theo một bên tường, hướng ra phía cửa. Đồng thời khi thoát nạn, thoát hiểm từ trong các phòng hoặc chúng ta di chuyển để thoát nạn ra bên ngoài, cần phải kiểm tra nhiệt độ của cánh cửa, tay nắm cửa bằng cách sử dụng mu bàn tay đặt nhẹ lên bề mặt của các vật liệu đó. Bởi vì khu vực chúng ta thoát ra chưa chắc là bên kia đã an toàn, mà cũng có thể ở đó đang xảy ra cháy.

"Trong trường hợp ngọn lửa bùng phát bao trùm toàn bộ khu vực hành lang, cầu thang, không nên tiếp tục thoát nạn theo đường đó, mà cần phải giữ sự an toàn cho mình ở trong phòng. Ngăn không cho khói khí độc lan vào phòng qua các khe cửa bằng cách chèn khăn ẩm vào các khe cửa đó. Đồng thời người dân cũng ra các khu vực thoáng để chúng ta có thêm oxy để tồn tại và có thể ra hiệu báo cho bên dưới, với điều kiện các khu vực này không có các khói khí độc lan lên" - Thiếu tá Đỗ Tuấn Anh nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm