Doanh nghiệp

Yêu cầu mức lương 45 triệu đồng nhưng ra về tay trắng, nam ứng viên giỏi làm Marketing vẫn được Sếp Thuấn mời làm việc sau chương trình

Tập 13 Cơ Hội Cho Ai? - Whose Chance? chứng kiến màn đối đầu gay cấn của 2 ứng viên trẻ tuổi: Phạm Lâm Duy Anh, 27 tuổi, đến từ TP.HCM và Trần Mai Anh, 22 tuổi, đến từ Đà Nẵng.

Duy Anh tốt nghiệp cao đẳng, chuyên ngành Tài chính Doanh nghiệp, thuộc ĐH Tài chính – Marketing. Anh có 10 năm kinh nghiệm làm việc tại các acency lớn trong lĩnh vực Marketing cho nhiều ngành hàng từ Tiêu dùng nhanh, Ăn uống, Bất động sản, ở nhiều vai trò như: Sáng tạo nội dung, truyền thông, quản trị khủng hoảng.

Duy Anh cho hay, tại một doanh nghiệp về ăn uống mà anh từng cộng tác trước đây, sau thời gian dài đóng cửa vì dịch, thì từ tháng 10/2021 đến hết tháng 12/2021, tức chỉ sau 3 tháng kể từ lúc các chỉ thị liên quan đến giãn cách xã hội ở TP.HCM được dỡ bỏ, nam ứng viên đã hoàn thành KPI của trọn năm, bất kể F&B là ngành hàng được đánh giá phục hồi khá chậm. Đó là một thành tích mà chàng Marketer sinh năm 1995 lấy làm tự hào để chia sẻ cùng các Sếp.

Yêu cầu mức lương 45 triệu đồng nhưng ra về tay trắng, nam ứng viên giỏi làm Marketing vẫn được Sếp Thuấn mời làm việc sau chương trình - Ảnh 1.

Còn Mai Anh từng có kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực như: Dịch vụ, Du lịch, Marketing. Cô từng trải qua các vị trí như: Giám đốc điều hành, Giám đốc Vận hành, Giám đốc Phát triển trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cô cũng từng là Chủ nhiệm miền Trung CLB Doanh nhân Khởi nghiệp Việt Nam (VSBC) với hơn 68 nghìn thành viên.

Câu hỏi tranh biện dành cho 2 ứng viên ở vòng Đối mặt là: “Bạn ủng hộ hay phản đối việc tiểu thương đập bỏ hoa chiều 30 Tết?”.

Là ngưởi đưa ra quan điểm trước, Duy Anh cho rằng sẽ không có đúng và sai hoàn toàn trong trường hợp nêu trên. Tuy nhiên, nam ứng viên thông cảm cho tình huống này dưới góc độ của những tiểu thương. Khi họ quyết định đập bỏ hoa vào chiều 30 Tết, có nghĩa là ít nhất họ đã huề vốn, không phải tốn chi phí vận chuyển hoa không bán được về nhà và cũng là sự thể hiện thái độ với người mua về việc cứ đợi đến sát giờ mới mua hoa để ép giá. Mặt khác, về phía người mua, Duy Anh cũng hiểu lo ngại của họ. Bởi bao năm qua, như một quy luật bất thành văn, giá hoa từ những ngày 20 Tết đến ngày 30 Tết có sự chênh lệch rất lớn. Tiểu thương thách giá rất cao đối với những người đi mua hoa sớm, chính vì thế mới dẫn đến tâm lý đến tận ngày 30 Tết mới đi mua hoa của một số bộ phận người dân.

Duy Anh cũng bổ sung, những chậu hoa bị đập vỡ sẽ do các cô chú lao công dọn dẹp và điều này sẽ gây nên sự quá tải đối với các cô chú vào chiều ngày 30. Tuy nhiên, những tiểu thương, nông dân là những người không có quá nhiều kiến thức về kinh tế, xã hội, nên theo nam ứng viên, việc họ đặt lợi ích cá nhân lên trên có thể thông cảm được.

Ý kiến này của Duy Anh vấp phải sự phản bác từ phía đối thủ, Mai Anh cho rằng nếu muốn biết nhu cầu của khách hàng là gì, thì hãy đến chợ. Vì thế, đôi khi chính những tiểu thương, những người nông dân mới là những người am hiểu thị trường nhất.

Không cho là đúng, Duy Anh phản pháo: “Đến chợ là chợ gì? Chợ hoa Tết có đại diện cho nền Kinh tế Việt Nam không? Không chắc. Đúng hay sai thì mình phải chọn góc độ để nhìn vào hiện tượng. Nếu Mai Anh nhìn vào lợi ích xã hội thì hoan hô. Còn ở đây, Duy Anh đang nhìn với góc độ của những người nông dân”.

Quay trở lại câu hỏi tranh biện, Mai Anh đưa ý kiến cá nhân. Với việc các tiểu thương đập hoa vào chiều 30 Tết, đi theo suy nghĩ rằng “tôi không muốn ai trục lợi từ tôi”, nữ ứng viên đồng ý, tuy nhiên cô phản đối hành động đập hoa vì 3 lý do: lãng phí, phản ảnh một văn hóa không đẹp và tiêu tốn các nguồn lực khác ví dụ như phải dọn dẹp vệ sinh. Cô cho rằng đã đến lúc các hiệp hội, thương hội có liên quan hãy cùng chung tay để giúp đỡ những người nông dân trong tình huống này.

Quan sát 2 ứng viên phản biện, Sếp Thuấn đặt câu hỏi: “Nếu em làm Marketing cho một doanh nghiệp về hoa, thì em sẽ làm như thế nào để không dẫn đến tình trạng hàng tồn và phải tiêu hủy. Trong trường hợp tồn thì làm thế nào để không phải tiêu hủy?”.

Mai Anh đưa ra câu trả lời phù hợp với tính cách. Cô có 2 phương án trong trường hợp có hàng tồn vào chiều 30 Tết, một là mang đi làm thành hoa khô, hai là dùng để làm từ thiện.

Duy Anh bổ sung dưới góc độ của một doanh nghiệp, chúng ta cần phải quản trị được nguồn hàng, nguồn vào và ra phù hợp, không thể cứ để tồn rồi đi làm từ thiện mãi.

Ấn tượng với Duy Anh, Sếp Dũng đặt câu hỏi: “Những nước ở trong khu vực cũng ăn Tết âm lịch và có chung tập quán trưng hoa ngày Tết, họ đã xử lý việc này như thế nào, các em có tìm hiểu không?”.

Duy Anh chia sẻ thông tin anh tìm hiểu được ở Thái Lan, ở đây ngoài hoa chậu, người ta còn kết hoa thành chùm, thành vòng tay, dùng để cúng dường, thuận tiện phục vụ văn hóa tín ngưỡng của họ. Nam ứng viên cho rằng tại Việt Nam, muốn khắc phục tình huống mà chương trình đề cập, thì tiểu thương nên chia nhỏ phân khúc khách hàng để dễ phục vụ, người nào chơi hoa nào, cũng như nên chia thời điểm để bán hàng.

Còn Mai Anh nhắc đến ngành công nghiệp trà của Trung Quốc, trong đó có trà hoa. Và cô nghĩ rằng doanh nghiệp tại Việt Nam cũng nên thử suy nghĩ về phương hướng này.

Kết thúc vòng Đối mặt, Duy Anh giành chiến thắng suýt soát trước đàn em với điểm số 3/5, đủ điều kiện để bước tiếp vào vòng 2 – Chinh phục.

Ở vòng Chinh phục, Sếp Dũng là người đầu tiên đặt câu hỏi cho Duy Anh: “Anh thấy thời gian em cộng tác cho các công ty khá ngắn. Em có phải là người chỉ làm những dự án có ngân sách lớn và hết dự án sẽ rời đi hay không?”.

Duy Anh chia sẻ bản thân hay nhảy việc, nhưng điểm chung của những lần chuyển việc là anh đã kinh qua nhiều lĩnh vực của ngành Marketing. Nam ứng viên bắt đầu là một người chuyên viết lách, sau đó anh chuyển sang làm Creative Planner, rồi Media và gần đây nhất là Growth marketing. Tất cả kiến thức, kinh nghiệm đó đã bổ trợ để hiện tại anh khá vững vàng ở cả 2 mặt trận, online và offline.

Mặt khác, Duy Anh cũng khẳng định ngân sách Marketing nhiều hay ít đối với anh không quá quan trọng. Anh đã từng làm qua những dự án vài chục tỷ, cũng đã phụ trách dự án vài chục triệu. Điều quan trọng trong mỗi dự án là đối tượng mục tiêu, thông điệp truyền thông và cách xài tiền hợp lý, tiết kiệm. “Với em, một chiến dịch Marketing thành công nghĩa là nếu không kiếm ra tiền thì cũng phải kiếm ra tiếng”, Duy Anh chia sẻ.

Sếp Thuấn tiếp lời: “Vậy mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của em là gì?”.

Duy Anh cho hay trong 3-5 năm nữa, anh mong muốn có thể trở thành Giám đốc Marketing, hoặc CMO, bởi chỉ khi ở những vị trí này, anh mới được trao quyền hoàn toàn. Ngoài ra, đến năm 45 tuổi, anh mong bản thân có thể tự do tài chính. Anh không nghỉ hưu sớm, nhưng muốn tự do tài chính để có tiền để đầu tư cho các bạn trẻ.

Sếp Quyền hỏi tiếp: “2 hành vi nào bản thân em thấy cần phải thay đổi vì nó làm giảm hiệu suất làm việc?”.

Duy Anh chia sẻ anh cần tập thói quen tập trung hơn và phải giảm cân để đảm bảo sức khỏe trong công việc, cũng như ngoại hình để đi giao tế.

Sếp Quyển hỏi sâu: “Lý do nào em muốn được trao quyền, toàn quyền trong các dự án?”.

Duy Anh bộc bạch: “Em đã từng làm acency và em rất nhức đầu, khi chỉ có một cái video mà phải duyệt từ phó phòng, trưởng phòng, giám đốc marketing, đến chủ tịch HĐQT cũng duyệt cái video đó. Điểu này làm hiệu suất công việc của cả phòng đi xuống luôn. Trao quyền với em là cấp lãnh đạo phải tin tưởng cấp dưới của mình, đưa ra những KPI thật cụ thể. Đương nhiên, chúng ta cần phải có người giữ cửa ở những chốt chặng quan trọng. Nếu được lựa chọn giữa một người quản lý toàn quyền và một người quản lý chuyên nghiệp, thì em sẽ lựa chọn vế sau”.

Mức lương kỳ vọng của Duy Anh là 45 triệu đồng, nhưng ứng viên chỉ nhận được vỏn vẹn 1 đèn xanh từ Sếp Thuấn. Theo quy định của chương trình, nam ứng viên không đủ điều điểu kiện để bước tiếp vào vòng cuối cùng – Cơ hội cho ai.

Trước khi ra về, nam ứng viên sinh năm 1995 nhận được lời mời làm việc từ Sếp Thuấn sau chương trình: “Anh đánh giá cao tinh thần ham học hỏi của em. Tuy nhiên, định hướng của em cũng chưa được rõ ràng. Anh đang dự tính đưa em vào trưởng nhóm Marketing khu vực miền Nam, phụ trách một hệ thống phân phối công nghệ. Sau chương trình, nhân sự bên anh sẽ liên hệ với em”.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm