Sáng 14.5, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử 27 bị cáo trong vụ án sai phạm về khai thác đất hiếm, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thái Dương (gọi tắt là Công ty Thái Dương). Đại diện viện kiểm sát công bố bản luận tội đối với các bị cáo.

Đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án đối với các bị cáo
ẢNH: PHÚC BÌNH
Cựu thứ trưởng được đề nghị án treo
Đại diện viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Linh Ngọc, cựu Thứ trưởng Bộ TN-MT, mức án 30 - 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Cùng tội danh, bị cáo Nguyễn Văn Thuấn, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, bị đề nghị mức án 5 - 6 năm tù.
Bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương, là người bị đề nghị mức án tổng hợp cao nhất, từ 12 - 15 năm tù, về các tội vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và gây ô nhiễm môi trường.
Bị cáo Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty Đất hiếm Việt Nam, bị đề nghị mức án tổng hợp 16 - 18 năm tù về các tội danh buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhóm bị cáo còn lại, gồm nhân viên các công ty và cựu cán bộ thuộc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái, bị đề nghị thấp nhất là án tù bằng thời gian tạm giam, cao nhất 8 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, đại diện viện kiểm sát đề nghị buộc các bị cáo nộp lại các khoản tiền hưởng lợi bất chính hoặc gây thiệt hại đến ngân sách.
Trong đó, Chủ tịch Công ty Thái Dương Đoàn Văn Huấn phải nộp lại hơn 736 tỉ đồng từ việc khai thác trái phép rồi tiêu thụ quặng đất hiếm và quặng sắt. Trừ đi hơn 13 tỉ đồng mà bị cáo Huấn và một số bị cáo khác đã nộp trong quá trình điều tra, số tiền còn lại ông này phải nộp là hơn 712 tỉ đồng.
Viện kiểm sát đánh giá, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hoạt động khai thác, kinh doanh, xuất khẩu khoáng sản đất hiếm và trách nhiệm cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản.
Các bị cáo là người có trình độ cao, hiểu biết pháp luật nhưng chỉ vì lợi ích cá nhân, lợi ích doanh nghiệp mà bất chấp, cố tình sai phạm. Riêng với nhóm cựu cán bộ ngành TN-MT, với chức năng và nhiệm vụ của mình, "phải biết" Công ty Thái Dương có nhiều vi phạm nhưng những người này vẫn xác định đủ điều kiện, cấp phép khai thác cho doanh nghiệp.


Bị cáo Nguyễn Linh Ngọc, cựu Thứ trưởng Bộ TN-MT (trái), và bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương
ẢNH: PHÚC BÌNH
Khai thác trái phép cả ngàn tấn quặng đất hiếm
Cáo buộc của viện kiểm sát cho thấy, năm 2011, Công ty Thái Dương nộp hồ sơ lần đầu, sau đó tiếp tục nộp lại hồ sơ xin cấp phép khai thác đất hiếm tại mỏ Yên Phú, H.Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Hồ sơ của Công ty Thái Dương chỉ có giấy chứng nhận đầu tư dự án khai thác, tuyển quặng do UBND tỉnh Yên Bái cấp (đã hết hạn nhưng chưa được gia hạn hoặc cấp mới), không có giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy thủy luyện, nhà máy chiết tách.
Theo quy định, nếu muốn thực hiện, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp phải đảm bảo 30% tổng số vốn đầu tư của dự án. Song, Công ty Thái Dương chỉ có 200 tỉ đồng, trong khi tổng mức đầu tư dự án là 1.953 tỉ đồng, tức chỉ đạt hơn 10%.
Những thiếu thốn trong hồ sơ của Công ty Thái Dương có thể dễ dàng nhìn thấy, thế nhưng doanh nghiệp này vẫn có thể lách qua khe cửa hẹp một cách ngoạn mục.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản thuộc Bộ TN-TM là đơn vị tiếp nhận, thẩm định hồ sơ của Công ty Thái Dương. Khi thẩm định, ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, cùng một số cán bộ của đơn vị này đã nhận xét là "đủ điều kiện", từ đó trình lãnh đạo bộ quyết định cấp phép khai thác khoáng sản cho doanh nghiệp.
Sau đó, với tư cách Thứ trưởng Bộ TN-MT, ông Nguyễn Linh Ngọc ký cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Thái Dương. Với "giấy thông hành" này, doanh nghiệp của bị cáo Đoàn Văn Huấn chính thức "đặt chân" vào mỏ Yên Phú.
Kết quả điều tra xác định, bị cáo Huấn đã chỉ đạo nhân viên tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép hơn 10.000 tấn quặng đất hiếm và hơn 280.000 tấn quặng sắt, với tổng giá trị hơn 864 tỉ đồng, trong đó đã tiêu thụ số quặng trị giá hơn 763 tỉ đồng.