Kỹ năng sống

Vợ chồng trẻ ở Hà Nội thu nhập dưới 20 triệu/tháng: Sinh con là làm khổ nhau?

"Nếu bạn chưa thể tự nuôi sống chính mình, xin đừng dễ dàng sinh con.

Nếu bạn không có một khoản tiền tiết kiệm trong ngân hàng, xin đừng dễ dàng sinh con.

Nếu bạn chỉ muốn tự do bay nhảy, xin đừng dễ dàng sinh con".

Đây là một bình luận phía dưới chủ đề đang viral trên MXH những ngày vừa qua: "Không có kinh tế thì đừng vội sinh con, vừa khổ con vừa lục đục gia đình". Cả topic lẫn bình luận đều nhận được sự đồng tình lẫn phản đối từ cư dân mạng. Bởi sinh con trước hay kiếm tiền trước, ở nhà chăm con hay đi du lịch khắp nơi,... đều là những lựa chọn phải đánh đổi, phụ thuộc vào quan điểm và hoàn cảnh thực tế của từng người.

Ba người trẻ đến với số đầu tiên của series Iu đương có chủ đề: "Sinh con trước hay làm kinh tế trước?" đều có cùng quan điểm nói trên. Bên cạnh đó, mỗi người cũng đem đến những câu chuyện cũng như góc nhìn khác nhau về chủ đề này.

1/ Tâm Anh (23 tuổi, nhân viên văn phòng): Mới được bạn trai cầu hôn sau 4 năm yêu đương, cả 2 dự định sẽ về chung một nhà vào năm 2025.

2/ Việt Anh (23 tuổi, giám sát chuỗi nhà hàng): Đã hẹn hò được 1,5 năm, đã có dự định lâu dài và được gia đình 2 bên ủng hộ, đang chờ thời điểm thích hợp để kết hôn.

3/ Hải Minh (30 tuổi, nhân viên văn phòng): Đã hẹn hò được hơn 1 năm, dự định sẽ kết hôn trong năm 2024.

"Ở Hà Nội, lương 2 vợ chồng không được 20 triệu/tháng thì kết hôn và sinh con là áp lực"

Lập gia đình và sinh con là chuyện hết sức hiển nhiên. Bất cứ cặp vợ chồng nào, có điều kiện kinh tế ra sao, chỉ cần có khả năng sinh con thì đều có quyền làm việc đó. Nhưng rõ ràng bố mẹ có điều kiện thì sẽ có sự chăm sóc tốt hơn, cung cấp môi trường phát triển tốt hơn cho con cái. Vì vậy, cả 3 nhân vật đều lựa chọn ổn định kinh tế trước khi sinh con.

Với dự định của mình, Tâm Anh và bạn trai đã thảo luận rất nhiều về chuyện con cái và vạch sẵn kế hoạch có em bé vào năm 27 tuổi. Cả hai muốn dùng 1-2 năm đầu hôn nhân để tận hưởng thời gian vợ chồng son đồng thời chuẩn bị về sức khỏe lẫn tài chính, sẵn sàng đón em bé trong điều kiện tốt nhất.

Vợ chồng trẻ ở Hà Nội thu nhập dưới 20 triệu/tháng: Sinh con là làm khổ nhau?- Ảnh 1.

Tâm Anh

Việt Anh và nửa kia lại có suy nghĩ khác biệt về kế hoạch sinh con, đôi lần trải qua tranh cãi. Anh chàng muốn vững vàng kinh tế trước, chưa vội sinh con vì không muốn em bé phải thiệt thòi còn bạn gái lại muốn sinh con ngay sau khi kết hôn. "Theo bạn ấy, đó là mối liên kết và cũng là ràng buộc với cả hai. Khi có cùng mục đích chăm sóc con cái, vun vén cho gia đình thì mọi thứ sẽ lâu bền hơn" - Việt Anh kể lại.

Cuối cùng, cặp đôi chọn cách thoả hiệp "bao giờ cưới rồi tính". Bởi lẽ cả 2 chưa xác định thời gian chính xác, nếu "bác sĩ bảo cưới" thì oke, lập gia đình và có con luôn còn không thì khi mọi thứ chín muồi sẽ kết hôn, vừa làm kinh tế vừa chuẩn bị sinh con.

Hải Minh và người yêu cũng muốn lo cho con những điều tốt đẹp nhất nên chọn làm kinh tế trước và theo kế hoạch đẹp nhất là có em bé vào năm 2026.

Không phải 100% nhân vật đồng tình với quan điểm: "Những câu như 'Một túp lều tranh, hai trái tim vàng', 'Trời voi trời sinh cỏ',... là lỗi thời" vì còn xét vào tính thời điểm. Nhưng ai cũng nhìn thấy trước những khó khăn khi sinh con mà chưa có điều kiện kinh tế, công nhận sự quan trọng của tài chính.

Tâm Anh cho biết mình và người yêu đồng ý kết hôn vì cả hai đều đang tự chủ tài chính đồng thời xác định rằng cần cố gắng hơn nữa khi có em bé. Cô từng chứng kiến cảnh những cặp đôi cãi nhau triền miên chỉ vì không có tiền lo cho con, không có tiền đóng tiền nhà, tiền sinh hoạt phí,...

"Ở thời điểm kết hôn, kinh tế của 2 vợ chồng chưa vững vàng, người chồng bị áp lực về chuyện kiếm tiền lo cho vợ con, người vợ ở nhà sinh con cũng không có tiền. Mỗi ngày đi làm về mệt nhưng chồng vẫn phải trông con giúp vợ mà vợ ở nhà chăm con cũng vất vả nên cả 2 dễ gây gổ, nhiều khi còn dẫn đến suy nghĩ muốn ly hôn vì không có tiền. Nhưng vợ chồng vẫn còn nghĩ cho con nên lại cùng nhau cố gắng. Vì vậy mình nghĩ vấn đề tài chính rất quan trọng".

Còn Việt Anh không nghĩ là lỗi thời hoàn toàn mà nhấn mạnh đến tính phù hợp. "Giữa thời đại kinh tế, mọi thứ phụ thuộc vào đồng tiền khá nhiều. Ví dụ như sống ở Hà Nội mà mức lương của 2 vợ chồng không được khoảng 20 triệu/tháng thì sẽ rất áp lực khi có con. Bởi mình phải chi trả nhiều khoản không tên mà có khi chúng ta không lên kế hoạch trước được.

Tại sao 'trời sinh voi trời sinh cỏ' ngày xưa hợp lý? Vì trong một xã hội mà kinh tế của phần lớn mọi người không quá cao, khi sinh con ra họ chỉ có thể dành cho con những gì tốt nhất ở thời điểm đấy. Còn hiện tại, suy nghĩ tốt nhất của người trẻ nói chung và của mình nói riêng khi quyết định sinh con phải ở một tầng cao hơn: 'Con mình phải dùng tã bỉm loại này, sữa loại kia thì mới xứng đáng'. Thế nên việc lập gia đình và quyết định có con mới phụ thuộc vào chuyện kinh tế của mình có đủ sẵn sàng hay chưa".

Vợ chồng trẻ ở Hà Nội thu nhập dưới 20 triệu/tháng: Sinh con là làm khổ nhau?- Ảnh 2.

Việt Anh

Bố mình bảo "đứa con đầu là đứa con nháp": Mình không muốn

Yêu đương là chuyện của 2 người nhưng kết hôn và có con lại chuyện của 2 gia đình. Vì vậy quyết định sinh con trước hay làm kinh tế trước của các cặp đôi cũng sẽ ít nhiều bị ảnh ảnh hưởng từ bố mẹ 2 bên, bao gồm: cách nuôi dạy con cái trong quá khứ, điều kiện kinh tế của ở hiện tại và khả năng hỗ trợ trong tương lai.

Tâm Anh vốn là con một, điều kiện của gia đình ổn định, được bố mẹ yêu chiều nhưng cô luôn có cảm giác cô đơn, không có ai chơi cùng. Vì vậy cô luôn muốn sẽ sinh 2 em bé để con không phải trải qua thời thơ ấu lẻ loi như mình và khi lớn lên, con không quá áp lực phải lo lắng hết cho bố mẹ, không có ai san sẻ.

Với Việt Anh, bố mẹ anh chàng đều là giáo viên nên việc nuôi dạy con cái có phần nghiêm khắc hơn so với các gia đình bình thường. Việc anh chàng đi chơi, kết nối với bạn bè hay bất cứ thứ gì không có trong quy chuẩn của bố mẹ là con sẽ không được làm. Vậy nên sau này Việt Anh muốn thay đổi điều đó.

"Mình là con đầu nữa nên đôi khi bố mẹ cũng chăm chăm vào việc làm kinh tế quá, phát triển bản thân quá mà sự nuôi dưỡng hay tình yêu của bố mẹ với mình không được cao như của bố mẹ với em gái mình. Chính bố mình bảo 'đứa con đầu là đứa con nháp'. Những cái chưa hợp lý với mình trước đó được bố mẹ thay đổi với em gái mình. Dẫu vậy mình vẫn phải bắt buộc trưởng thành để vượt qua điều đó và mình không muốn đứa con đầu của mình là đứa con nháp" - Việt Anh nói thêm.

Hải Minh mong muốn sẽ cung cấp cho con những điều mà mình không được tiếp cận khi còn trẻ vì điều kiện gia đình chưa cho phép. "Có những thứ bây giờ mình thấy giá như được học, được trải nghiệm từ bé thì sẽ tốt hơn nên sẽ cố gắng để con có được".

Vợ chồng trẻ ở Hà Nội thu nhập dưới 20 triệu/tháng: Sinh con là làm khổ nhau?- Ảnh 3.

Hải Minh

Chuyện các cặp đôi sinh con rồi lại mang về cho bố mẹ (tức ông bà 2 bên) chăm sóc cũng không được cả 3 nhân vật đồng tình.

Việt Anh nói: "Bạn bè mình có nhiều người học cấp 3 xong là lập gia đình và có em bé luôn. Lúc đó gần như ông bà nuôi thêm một miệng ăn chứ không phải bạn ấy nuôi nữa vì kiến thức chưa đủ vững, kinh tế cũng chưa cáng đáng nổi cho cả gia đình. Nhưng nhìn lại thì cũng phải tùy vào điều kiện kinh tế gia đình, ông bà có vui vẻ với việc đó không. Còn với riêng mình thì không".

Về sự ảnh hưởng của sức khỏe sinh sản với quyết định sinh con trước hay làm kinh tế trước, Tâm Anh và Việt Anh đều cùng ước tính sẽ chiếm khoảng 70%, đều muốn sinh con trước 30 tuổi vì nhận thức được những vấn đề như khoảng cách thế hệ, sức khỏe người mẹ bị suy giảm,...

Cuối cùng, từ góc nhìn của bản thân, cả ba nhân vật đều cho rằng có nhiều lý do khiến người trẻ ngày càng khó đưa ra quyết định sinh con: tâm lý còn ham chơi, kinh tế chưa vững vàng, chưa dám chịu trách nhiệm, cái tôi quá lớn,...

"Mình phải có trách nhiệm thì mới có ý thức nuôi dạy con. Mọi hành động, lời nói, sự lớn lên, trưởng thành của con là do mình hết. Con không yêu cầu được sinh ra nên khi mình đã sinh ra con rồi thì mình phải có trách nhiệm với con, nuôi dạy con nên người" - Tâm Anh nói.

Còn bạn, lựa chọn và quan điểm của bạn thế nào cho câu hỏi này?

Cùng chuyên mục

Đọc thêm