Viêm não mô cầu nguy hiểm thế nào?
Bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Thanh Lịch, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực – Cấp cứu Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn cho biết, bệnh viêm màng não do não mô cầu là bệnh do vi khuẩn gây dịch nguy hiểm nhóm B (Neisseria meningitidis) cư trú ở hầu họng gây ra, lây qua đường giọt bắn, thường xảy ra ở các khu vực đông dân cư như khu tập thể, nhà trẻ, trường học… Viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu được phân thành nhiều thể bệnh. Ở dạng nhẹ, triệu chứng tương tự như các loại viêm màng não khác và thường có thể hồi phục sau khoảng 2 tuần nếu được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, trong tình trạng nguy hiểm, viêm não mô cầu có thể tiến triển rất nhanh chỉ trong vài giờ đến vài ngày.

Ban xuất huyết hoại tử trên da bệnh nhân
ẢNH: NGUYÊN HÀ
"Viêm màng não do não mô cầu là một bệnh lý nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong có thể lên đến 10-20%. Đáng lo ngại hơn, ở những trường hợp nặng kèm theo nhiễm trùng huyết hoặc suy thượng thận cấp, người bệnh có thể tử vong chỉ trong vòng 24 giờ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, việc nhận biết sớm và cách ly, điều trị đúng lúc là yếu tố rất quan trọng", bác sĩ Thanh Lịch chia sẻ.
Khi viêm não xảy ra, các tế bào não bị tổn thương, dẫn đến sưng não và có thể gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng. Tùy thuộc vào vị trí và mức độ viêm, bệnh có thể gây ra các biến chứng khác nhau, từ nhẹ đến nặng, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Dấu hiệu cảnh báo cần cấp cứu ngay
Theo bác sĩ Thanh Lịch, người dân cần đặc biệt chú ý khi thấy các triệu chứng sau:
Sốt cao kèm đau đầu dữ dội: Khi người bệnh sốt trên 38,5 độ C kèm theo đau đầu, uống thuốc hạ sốt mà không thuyên giảm..., là dấu hiệu bất thường cần được theo dõi và đi khám sớm.
Rối loạn ý thức: Người bệnh có thể lơ mơ, mê sảng, không nhận biết không gian, thời gian hoặc người thân. Ở người cao tuổi, dấu hiệu có thể là sự thay đổi nhỏ về hành vi hoặc tính cách.
Phát ban da: Ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Buồn nôn hoặc nôn. Nếu nôn kèm theo đau đầu dữ dội là dấu hiệu của tăng áp lực nội sọ, cần được cấp cứu ngay lập tức.
Cứng cổ: Người bệnh cảm thấy đau và không thể cúi đầu chạm cằm vào ngực.
"Mặc dù bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nhóm người lớn tuổi (trên 60) có nguy cơ cao hơn do hệ miễn dịch bị suy yếu. Ngoài ra, trẻ em dưới 5 tuổi, người cao tuổi thường có biểu hiện lâm sàng không điển hình, dễ bị bỏ qua các dấu hiệu ban đầu của bệnh, dẫn đến việc chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị", bác sĩ Thanh Lịch chia sẻ.

Khi người bệnh sốt trên 38,5 độ C kèm theo đau đầu, uống thuốc hạ sốt mà không thuyên giảm..., là dấu hiệu bất thường cần được theo dõi và đi khám sớm
Ảnh: AI
Cách phòng ngừa hiệu quả
Để phòng bệnh viêm não mô cầu, bác sĩ Thanh Lịch khuyên nên rửa tay thường xuyên, súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn. Đảm bảo môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ. Tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt là với trẻ nhỏ và người có yếu tố nguy cơ cao.
Hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh do não mô cầu nhóm huyết thanh A, B, C, Y, W-135. Khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Xử trí ban đầu trước khi đến cơ sở y tế
Bác sĩ Lịch đưa ra một số hướng dẫn sơ cứu khi phát hiện người bệnh các dấu hiệu viêm não mô cầu:
Giữ bình tĩnh và gọi cấp cứu ngay lập tức. Đặt người bệnh nằm nghiêng an toàn nếu có co giật hoặc nôn ói. Không cố gắng cho người bệnh uống nước hoặc thuốc khi đang có biểu hiện rối loạn ý thức. Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn như mạch, nhịp thở nếu có thể. Làm mát cơ thể bằng khăn ướt nếu người bệnh sốt cao. Tạo môi trường yên tĩnh, giảm ánh sáng mạnh và tiếng ồn.
"Nếu không được cấp cứu kịp thời, viêm não mô cầu có thể gây tổn thương não vĩnh viễn, nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan và thậm chí tử vong chỉ trong vòng 24 - 48 giờ. Việc chậm trễ trong điều trị làm giảm đáng kể khả năng cứu sống và tăng nguy cơ để lại di chứng nặng nề như điếc, liệt hoặc rối loạn thần kinh", bác sĩ Thanh Lịch lưu ý.