Nếu có dịp đến Nhật Bản hoặc xem các video về đường phố, bạn có thể bắt gặp những hàng chai nhựa đầy nước đặt ngay ngắn dọc hàng rào, góc vườn hay gần các chậu cây cảnh. Người dân địa phương gọi chúng là "nekoyoke", với ý nghĩa là "khắc tinh của mèo".
Tập tục này bắt nguồn từ niềm tin những chai nước dù vô hại, có thể ngăn mèo hoang xâm nhập và gây mất vệ sinh. Dù hiệu quả thực tế còn gây tranh cãi và thiếu bằng chứng khoa học, "nekoyoke" vẫn tồn tại như một thói quen, thể hiện sự kết hợp giữa logic đời thường và niềm tin dân gian.

Các chai nhựa chứa đầy nước xếp xung quanh chậu cây cảnh ở đường phố Nhật Bản. Ảnh: Japanesegasm
Ít người biết, ý tưởng dùng chai nước đuổi động vật không xuất phát từ Nhật Bản. Nó có nguồn gốc từ phương Tây, khoảng những năm 1980, để ngăn chó vào bãi cỏ. Khi du nhập vào Nhật, phương pháp này được điều chỉnh để đối phó với mèo hoang - loài vật phổ biến hơn tại đây.
Nhiều giả thuyết được đưa ra để lý giải cách "nekoyoke" hoạt động. Có người tin ánh sáng mặt trời hoặc đèn đường chiếu qua chai tạo ra tia sáng bất ngờ khiến mèo sợ. Người khác cho rằng mèo giật mình khi thấy hình ảnh phản chiếu méo mó của chúng trong chai. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh các giả thuyết này.
Các nghiên cứu và chuyên gia hành vi động vật khẳng định có rất ít bằng chứng cho thấy chai nước thực sự đuổi được mèo. Vào những ngày nhiều mây hoặc khu vực râm mát, hiệu ứng phản chiếu ánh sáng cũng không xảy ra. Tuy nhiên người dân vẫn sử dụng chúng, có thể vì thói quen hoặc hy vọng mong manh.

Những chai nước xếp dọc hàng rào ở Nhật Bản để ngăn mèo hoang vào nhà. Ảnh: Japanesegasm
Ngày nay, việc đặt chai nước "nekoyoke" như một nét văn hóa hơn là biện pháp hiệu quả. Nó phần nào phản ánh sự ngăn nắp, trí sáng tạo và cách người Nhật tìm giải pháp đơn giản cho vấn đề thường nhật. Dù không thực sự hiệu quả trong việc đuổi mèo, "nekoyoke" vẫn là một chi tiết thú vị cho cảnh quan đường phố và khu dân cư ở Nhật Bản.
(Theo Indiatimes)