Kỹ năng sống

Uống cà phê có sống lâu hơn, bác sĩ chỉ ra những ai không nên lạm dụng?

Một nghiên cứu gần đây cho thấy uống nhiều cà phê giúp sống lâu hơn. Nghiên cứu quan sát trên khoảng 20.000 người uống ít nhất bốn tách cà phê mỗi ngày cho thấy giảm 64% nguy cơ tử vong sớm so với những người không bao giờ hoặc ít khi uống cà phê.

Cà phê cũng đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc những bệnh như đái tháo đường típ 2, bệnh gan, ung thư đại trực tràng, alzheimer và ung thư da. Cà phê chứa các chất chống oxy hóa giúp đẹp da, chống lão hóa.

Trước thông tin này, nhiều ý kiến, đặc biệt là các tín đồ của cà phê càng trở nên tự tin sử dụng thức uống này mà bỏ qua những khuyến cáo từ trước đến nay cho rằng cà phê được xếp vào nhóm các chất kích thích như rượu, bia nên hạn chế sử dụng.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, TS. BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho rằng thông tin này có thể được đưa ra dựa trên nghiên cứu của một nhóm nhỏ đối tượng và chưa được triển khai rộng rãi.

Uống cà phê có sống lâu hơn, bác sĩ chỉ ra những ai không nên lạm dụng? - Ảnh 1.

“Thông tin trong nghiên cứu chỉ mang tính chất tham khảo chứ không  thể là khuyến khích rộng rãi cho toàn dân được. Bởi cà phê là một đồ uống được liệt vào nhóm có chất kích thích không khuyến khích uống quá nhiều, không nên uống liên tục trong một ngày. Có thể thay thế các đồ uống khác có lợi cho sức khoẻ chứ không nên chỉ uống cà phê”, TS. BS Nguyễn Trọng Hưng cho hay.

TS. BS Nguyễn Trọng Hưng cũng nhấn mạnh, người bình thường vẫn có thể uống khoảng 250- 400 mg caffein (tương đương 2-3 ly) một ngày. Uống loại nào cần xem nhãn để biết. Nếu không tìm được các hướng dẫn về liều lượng uống mỗi ngày ghi trên nhãn thì mỗi người chỉ nên uống 2-3 ly là vừa đủ.

Vị bác sĩ dinh dưỡng cũng lưu ý một vài nhóm đối tượng cần phải lưu ý khi sử dụng thức uống này. Theo đó, người mắc các bệnh lý mãn tính (người mắc các bệnh lý tim mạch, người đang bị rối loạn nhịp tim…) khi dùng thì phải hỏi ý kiến bác sĩ.

Vì cà phê có thể làm tăng nhịp tim, nhịp thở, có thể gây kích thích ở đường tiêu hoá, buồn nôn, đau dạ dày… hoặc làm tăng nhu động ruột.

“Rượu, bia, cà phê là những chất kích thích cần được kiểm soát phù hợp với sức khoẻ, thể trạng, bệnh tật của từng người.

Có người uống cà phê để sảng khoái nhưng có người uống mất ngủ. Mà người đang bị mất ngủ, đang bị lo âu mà lại uống vào rất nguy hiểm. Hay người mắc các bệnh tim mạch uống cà phê sẽ làm tăng nhịp tim, rối loạn nhịp tim…

Do đó, với những người đang mắc các bệnh lý thì nên tư vấn bác sĩ trước khi dùng. Đặc biệt, người mắc các bệnh lý nên giảm bớt sẽ đỡ nguy cơ. Cụ thể giảm như thế nào với liều lượng mỗi ngày ra sao thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ”, TS. BS Trọng Hưng nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, người Việt  chưa có thói quen đi khám sức khoẻ định kỳ cứ tưởng mình bình thường mà không hề hay biết đang có bệnh tiềm ẩn. Để rồi sử dụng quá nhiều các chất kích thích như rượu, bia, cà phê …thì rất nguy hiểm.

Chung quan điểm này, Ths. BS Phạm Thị Uyển Nhi, Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng cần có một số lưu ý trong việc uống cà phê. Các đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai, người mắc các bệnh lý tim mạch (rung nhĩ, tăng huyết áp…), người bị tăng nhạy cảm với chất kích thích nên thận trọng khi uống cà phê chứa caffeine.

Lưu ý rằng cà phê đã khử caffeine vẫn chứa caffeine. Một tách cà phê bình thường có thể chứa 75 đến 165 mg caffeine, trong khi cà phê khử caffein chứa trung bình 2-7 mg. Caffeine trong cà phê mặc dù có thể gây mất canxi nhưng lượng rất ít nên dường như không ảnh hưởng đến hệ cơ xương của người dùng.

Ngoài ra, BS Uyển Nhi cũng khuyến cáo trước khi uống, các tín đồ cà phê có thể thêm ít sữa béo và đừng nên thêm kem vì mỗi muỗng canh kem chứa 50 calo và 3 gram chất béo bão hòa.

Trong khi đó sữa ít béo có lượng calo ít hơn và giúp bù đắp lượng canxi bị mất (1 muỗng canh sữa ít béo chỉ có 6 calo nhưng có đến 19 mg canxi).

Ngoài ra, người uống cà phê nên tránh bỏ thêm đường. Lý do là bởi vì một muỗng cà phê đường chứa 16 calo. Nghe có vẻ không nhiều, nhưng nếu thêm hai muỗng cà phê vào vài ly mỗi ngày thì lượng calo rất nhiều.

BS Uyển Nhi cũng cho rằng người bị clolesterol cao nên uống cà phê đã lọc. Cà phê không lọc, ví dụ như French press có chứa các chất như cafestol và kahweol làm tăng cholesterol. Đặc biệt người khó ngủ tốt nhất hạn chế cà phê và các thức uống chứa caffeine vào buổi tối hoặc gần giờ đi ngủ.

Để giữ cho cơ thể có một tinh thần tỉnh táo, TS. BS Hưng cho rằng cần có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thư giãn, tự giảm tải các áp lực của mình chứ không nên lạm dụng cà phê.

“Mọi người vẫn cứ căng thẳng thì cà phê hay đồ uống nào cũng không giải quyết được. Do đó, mọi người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay cần thay đổi lối sống, điều chỉnh nhịp sinh hoạt, giảm bớt áp lực có chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng hợp lý thì mới đỡ bị phụ thuộc vào những đồ uống như chè, cà phê giúp tỉnh táo.

Hơn nữa việc uống cà phê giúp tỉnh táo có thể hiệu quả lúc đầu nhưng giống như thuốc sử dụng nhiều sẽ trở nên nhờn thuốc, cứ tăng liều mà không giải quyết được vấn đề. Trong khi nguyên nhân sâu xa là từ những căn cứ nêu trên. Người dân, đặc biệt là giới trẻ chỉ trông chờ vào những chất này, chất kia không làm giảm đi những mệt mỏi, thiếu tỉnh táo”, TS. BS Trọng Hưng nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm