Công nghệ

Trung Quốc sửa một chi tiết, bán dẫn Mỹ ‘đứng ngồi không yên’

Tóm tắt:
  • Trung Quốc đã thay đổi định nghĩa về "xuất xứ" sản phẩm bán dẫn để khẳng định vị trí sản xuất wafer.
  • Điều này giúp các công ty bán dẫn nội địa giảm thiểu chi phí thuế nhập khẩu từ Mỹ.
  • Sự thay đổi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty Mỹ như Intel và Global Foundries.
  • Ngành bán dẫn Mỹ đang đối mặt với thách thức bởi xu hướng giảm nhận hàng sản xuất tại Mỹ từ Trung Quốc.
  • Tuy nhiên, tác động không quá nghiêm trọng vì phần lớn chip không xuất phát từ Mỹ.

Trung Quốc vừa thay đổi cách xác định xuất xứ đối với các sản phẩm mạch tích hợp (IC), trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ ngày càng gia tăng.

Động thái này được cho là có thể mang lại lợi thế đáng kể cho các công ty bán dẫn trong nước, đồng thời làm suy yếu nỗ lực tái công nghiệp hóa của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cụ thể, ngày 11/4, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc (CSIA) đã phát đi một “thông báo khẩn” tới các thành viên thông qua ứng dụng WeChat.

Vì sao iPhone sản xuất tại Mỹ mãi ‘chỉ là giấc mơ’?Vì sao iPhone sản xuất tại Mỹ mãi ‘chỉ là giấc mơ’?

Trong đó, CSIA trích dẫn quy định mới từ cơ quan hải quan Trung Quốc, nêu rõ rằng kể từ nay, xuất xứ của chip sẽ được xác định dựa trên “vị trí nhà máy chế tạo wafer”.

Đây là một công đoạn quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn, bên cạnh thiết kế, đóng gói và kiểm thử. Theo quy định mới, bất kể chip đã được đóng gói hay chưa, khi làm thủ tục nhập khẩu, doanh nghiệp phải khai báo địa điểm chế tạo wafer làm xuất xứ hàng hóa.

Trước đó, cách xác định xuất xứ thường dựa vào “quy trình lắp ráp hoặc chuyển đổi cuối cùng”, tức quốc gia nơi sản phẩm hoàn thiện được lắp ráp sẽ được ghi nhận là nơi xuất xứ. Mỹ hiện cũng đang áp dụng cách tính này.

Ví dụ, một bộ nhớ IC được thiết kế ở Mỹ, chế tạo wafer tại Nhật Bản, nhưng đóng gói tại Trung Quốc, sẽ bị coi là hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc và phải chịu mức thuế tương ứng.

tsmc chip
Trung Quốc xác định "xuất xứ" sản phẩm chip là vị trí đặt nhà máy chế tạo wafer. Ảnh: TSMC

Việc Trung Quốc điều chỉnh định nghĩa xuất xứ sản phẩm đối với chip bán dẫn được kỳ vọng sẽ khuyến khích các nhà phát triển bán dẫn ưu tiên xử lý sản phẩm tại các xưởng đúc trong nước như SMIC, Hua Hong, hoặc tại các cơ sở thuộc TSMC – đối tác gia công lớn đang có mặt tại Trung Quốc.

Khi được xác định là hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc, các sản phẩm này sẽ được miễn trừ mức thuế 125% mà Bắc Kinh đang áp dụng với hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Đây là tín hiệu tích cực đối với các hãng công nghệ lớn như Apple, AMD, Nvidia và Qualcomm – những công ty vốn phụ thuộc chủ yếu vào TSMC và Samsung Electronics trong khâu sản xuất chip.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin từ Tom’s Hardware và South China Morning Post (SCMP), quy định mới có thể gây bất lợi cho các doanh nghiệp như Intel, Global Foundries và Texas Instruments – những hãng đang duy trì hoạt động sản xuất chip chủ yếu tại Mỹ.

Theo báo cáo từ công ty tư vấn ICWise, thay đổi này có thể tạo ra những tác động đáng kể đối với ngành bán dẫn Mỹ, trong bối cảnh Trung Quốc – thị trường tiêu thụ IC lớn nhất thế giới – có xu hướng hạn chế tiếp nhận các sản phẩm sản xuất tại Mỹ.

Điều này có thể thúc đẩy các nhà sản xuất bán dẫn toàn cầu đẩy mạnh việc xây dựng nhà máy ngoài lãnh thổ Mỹ nhằm duy trì khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Hệ quả là mục tiêu “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Donald Trump – với trọng tâm là hồi phục sản xuất trong nước – có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, theo ông He Hui – Giám đốc nghiên cứu mảng bán dẫn tại Omdia – tác động thực tế của quy định thuế quan có thể không quá nghiêm trọng, do phần lớn chip nhập khẩu vào Trung Quốc hiện không được sản xuất hoặc vận chuyển trực tiếp từ Mỹ.

Ông cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì sự hỗ trợ mạnh mẽ đối với ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, không chỉ ở khâu sản xuất mà còn trong các lĩnh vực then chốt như nguyên vật liệu và thiết bị công nghệ – vốn vẫn đang phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.

Hiện tại, các biện pháp thuế quan đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng chip toàn cầu. Nhà sản xuất Mỹ Micron Technology – với các nhà máy đặt tại Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Singapore – mới đây đã thông báo sẽ áp phụ phí với một số dòng sản phẩm để bù đắp chi phí phát sinh do tác động của thuế.

Theo thống kê từ cơ quan hải quan Trung Quốc, trong năm 2024, nước này đã nhập khẩu lượng mạch tích hợp (IC) trị giá 386 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

(Theo SCMP, Tom’s Hardware)

Các tin khác

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay và ngày mai (14-15/4), miền Bắc sẽ rét về đêm và sáng, trưa chiều nắng ấm. Từ 16/4, nền nhiệt tăng mạnh. Từ 18/4, miền Bắc bước vào đợt nắng nóng diện rộng, gay gắt đầu tiên của mùa hè năm nay. Tây Nguyên và Nam Bộ trong hai ngày 14-15/4 có mưa dông rải rác vào chiều tối.

Thông tin mới về gió mùa đông bắc

Sáng 13/4, không khí lạnh đã ảnh hưởng tới hầu hết Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một phần Trung Trung Bộ, vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo hôm nay sẽ là ngày rét nhất trong đợt gió mùa đông bắc này. Mưa lớn giảm dần ở Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Mỗi ngày là một bản giao hưởng sống thượng lưu tại The Royce

Tựa như một lát cắt Paris hoa lệ giữa lòng Hà Nội, The Royce (phân khu The Paris, Vinhomes Ocean Park) mở ra phong cách sống quý tộc đầy mê hoặc. Không chỉ tái hiện trọn vẹn khí chất Pháp qua từng thiết kế kiến trúc, cảnh quan, The Royce còn mang đến một chuẩn mực sống mới, nơi từng tiện ích đều được “đo ni đóng giày” cho những chủ nhân danh giá, yêu cái đẹp và biết tận hưởng.

Giảm 30% tiền thuê đất năm 2024

Mức giảm tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp của năm 2024, không giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước và tiền chậm nộp (nếu có).

Tin xem nhiều