Công nghệ

Trung Quốc chính thức sử dụng "quân bài tẩy" đất hiếm trong cuộc chiến thương mại, ngành công nghệ thấp thỏm lo âu

Tóm tắt:
  • Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm để phản ứng với động thái áp thuế từ phương Tây.
  • Đất hiếm là thành phần quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao.
  • Trung Quốc sản xuất 99% kim loại đất hiếm nặng trên thế giới, chiếm 90% sản lượng nam châm đất hiếm toàn cầu.
  • Việc xuất khẩu đất hiếm gặp khó khăn do quy định mới và sự gia tăng danh sách doanh nghiệp Mỹ bị hạn chế giao dịch.
  • Trung Quốc có thể sử dụng quyền kiểm soát đất hiếm như một vũ khí trong các cuộc tranh chấp thương mại gia tăng.

Đất hiếm là thành tố quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp, từ sản xuất ô tô đến hàng không vũ trụ. Và khi Trung Quốc tuyên bố tạm ngừng xuất khẩu các mặt hàng trọng yếu này, chuỗi cung ứng toàn cầu rung chuyển.

Tuyên bố tạm dừng xuất khẩu diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang soạn thảo một khuôn khổ pháp lý mới để cấp giấy phép xuất khẩu, dự kiến sẽ hạn chế quyền tiếp cận đất hiếm của một số công ty cụ thể, đặc biệt là các nhà thầu quân sự của Mỹ. Các lãnh đạo ngành công nghiệp lo ngại rằng sự chậm trễ trong việc thiết lập hệ thống cấp phép có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt đất hiếm cho các doanh nghiệp ngoài Trung Quốc.

 - Ảnh 1.

Đất hiếm từ Trung Quốc là thành phần trọng yếu trong sản xuất đồ công nghệ cao - Ảnh: Internet.

Michael Silver, Giám đốc điều hành của American Elements, nói với tờ New York Times rằng công ty ông đã được thông báo sẽ mất ít nhất 45 ngày trước khi việc xuất khẩu có thể được nối lại. “Chúng tôi đã lường trước cuộc chiến tranh thương mại này và tăng dự trữ từ mùa đông năm ngoái”, Silver cho biết, đồng thời nói thêm rằng công ty của ông có thể đáp ứng các hợp đồng hiện tại trong thời gian chờ đợi.

Đất hiếm là thành phần tối quan trọng trong ngành công nghệ hiện đại. Chúng được sử dụng trong động cơ điện cho xe cộ, máy bay không người lái, robot, tên lửa, cũng như trong động cơ phản lực, laser và chip máy tính dùng trong máy chủ trí tuệ nhân tạo và điện thoại thông minh. 

Trong số đó, các kim loại đất hiếm nặng đặc biệt quan trọng trong việc sản xuất các nam châm có khả năng duy trì đặc tính của mình trong điều kiện nhiệt độ lớn hoặc điện trường cao.

Đã từ lâu, thị trường hiểu rõ vị thế độc quyền của Trung Quốc trong phân phối đất hiếm. Cho đến năm 2023, Trung Quốc sản xuất đến 99% kim loại đất hiếm nặng trên toàn thế giới và hiện vẫn chiếm tới 90% sản lượng nam châm đất hiếm toàn cầu. Phần còn lại đến từ Nhật Bản và Đức, tuy nhiên cả hai nước này đều phụ thuộc vào nguyên liệu thô nhập khẩu từ Trung Quốc.

Mỏ Mountain Pass ở California, thuộc sở hữu của công ty MP Materials, là nguồn cung cấp đất hiếm duy nhất tại Mỹ, nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. James Litinsky, Giám đốc điều hành của MP Materials, bày tỏ lo ngại về những hệ quả đối với các nhà thầu quân sự. 

“Máy bay không người lái và robot được xem là tương lai của chiến tranh”, ông Litinsky nói. “Dựa trên mọi thứ chúng ta đang chứng kiến, các thành phần thiết yếu cho chuỗi cung ứng tương lai đang bị cắt đứt”.

Tuy vậy, các cảng Trung Quốc vẫn chưa thống nhất trong việc hạn chế đưa đất hiếm ra khỏi biên giới. Một số nhân viên hải quan cho phép các lô hàng đất hiếm nhỏ thông quan nếu điểm đến không phải là Mỹ. Một số lại yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo tuân thủ các quy định mới trước khi cho phép xuất khẩu. 

Cùng lúc đó, danh sách doanh nghiệp Mỹ mà công ty Trung Quốc không được phép giao dịch ngày một đông thêm, càng khiến thương mại quốc tế trở nên phức tạp.

 - Ảnh 2.

Công nhân vận chuyển đất chứa đất hiếm để xuất khẩu tại một cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, vào tháng 10 năm 2010 - Ảnh: REUTERS.

Sự thống trị của Trung Quốc trong ngành đất hiếm bắt nguồn từ trữ lượng phong phú tại khu vực Long Nam, tỉnh Giang Tây. Khu vực này có các mỏ khai thác đất hiếm nặng thông qua quy trình xử lý bằng hóa chất độc hại, ảnh hưởng nặng nề tới môi trường. Việc khai thác từng bị tạm dừng, nhưng dường như đã được nối lại gần đây.

Các nhà máy tinh luyện gần Long Nam xử lý quặng trước khi chuyển đến các nhà máy sản xuất nam châm ở Can Châu, trong đó có Công ty JL Mag Rare-Earth - nhà cung cấp cho các hãng xe điện hàng đầu như Tesla và BYD.

Năm 2019, Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng đến nhà máy của JL Mag, khiến người ta đồn rằng Trung Quốc sẽ sử dụng quyền kiểm soát đất hiếm như một vũ khí trong các cuộc tranh chấp thương mại. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, nhất là sau khi Tổng thống Trump tăng thuế nhập khẩu hồi đầu tháng này, Trung Quốc sẽ tận dụng triệt để “con bài tẩy” mang tên đất hiếm.

 (Theo NYT/JapanTimes)

Các tin khác

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

Được gỡ cơ chế, điện mặt trời mái nhà sẽ tăng mạnh thời gian tới

Theo Bộ Công Thương và các doanh nghiệp, điện mặt trời mái nhà là xu hướng và sẽ phát triển rất nhanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới do hàng hoá của các doanh nghiệp xuất khẩu khi dùng điện mặt trời mái nhà sẽ được công nhận chứng chỉ xanh khi vào các thị trường có yêu cầu cao trong bối cảnh giá điện ngày càng tăng.

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.

Giá vàng tiếp tục nóng

Sáng nay (16/4), giá vàng trong nước lập kỷ lục mới. Theo đó, giá vàng miếng SJC lên mốc 108 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn 107 triệu đồng/lượng.

"Rút ruột" sông Lam

Cung cấp trữ lượng cát xây dựng rất lớn mỗi năm, nhưng đôi bờ sông Lam (Nghệ An) đang phải đánh đổi bằng nhiều ha đất ven bờ bị sạt lở xuống sông khiến người dân lo lắng.