Xã hội

TP.HCM nghĩa tình: Mái ấm Ánh Sáng mở lối vào đời thiện lành cho trẻ mồ côi

Tóm tắt:
  • Mái ấm Ánh Sáng ra đời năm 1994, chăm sóc trẻ mồ côi, cơ nhỡ tại TP.HCM với môi trường gia đình ấm áp.
  • Anh Nguyễn Thiên Hải gắn bó 27 năm, coi các em như con, thường tổ chức sinh hoạt và hoạt động thể thao cuối tuần.
  • Mái ấm nuôi dưỡng 24 em trai từ 6 tuổi trở lên, giúp các em học tập, rèn luyện kỹ năng sống và phát triển năng khiếu.
  • Các em được dạy yêu thương, sống tử tế, và anh Hải luôn hỗ trợ tâm lý, giáo dục giới tính, định hướng tương lai cho các em.
  • Mái ấm Ánh Sáng là nơi gửi gắm yêu thương, giúp các em khó khăn có cơ hội vươn lên và xem đây như gia đình thứ hai.

Chẳng còn những đêm khuya nằm co ro giữa đường phố lạnh lẽo, giờ đây các em đã có một mái ấm để che nắng che mưa, được cảm nhận hơi ấm của gia đình và học cách trở thành một người tử tế.

Chúng tôi ghé thăm mái ấm Ánh Sáng vào một chiều cuối tuần. Vừa bước qua cánh cửa nhỏ, những đứa trẻ đã nhanh nhẹn chạy ra đón. Các em lễ phép khoanh tay, cúi đầu chào chúng tôi bằng giọng nói trong trẻo: “Chúng con chào cô ạ!”.

TP.HCM nghĩa tình là loạt bài của Báo Thanh Niên thực hiện nhân dịp 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025).

Loạt bài mong muốn khắc họa những con người thuộc nhiều tầng lớp, tôn giáo khác nhau (trong đó có những tấm gương được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM giới thiệu để bình chọn 50 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM giai đoạn 1975 - 2025) nhưng đều chung tấm lòng nhân ái, sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ những mảnh đời thiếu may mắn, cần sự cưu mang, chia sẻ.

Bằng những nghĩa tình, họ dìu nhau qua cuộc sống và cùng nhau góp phần dựng xây nên một Sài Gòn - TP.HCM luôn phát triển, bao dung, ấm áp và tràn đầy yêu thương cho tất cả những ai đến vùng đất này.

27 năm ôm ấp những đứa trẻ không nhà

Một buổi chiều cuối tháng ba, căn nhà nhỏ trong con hẻm 80 Trần Quang Diệu rộn rã tiếng cười. Trong nhà, những đứa trẻ đang bàn với “ba Hải” về việc đặt bánh kem cho bữa tối sinh nhật của các em vào quý 1/2025.

Người mà các em vẫn hay gọi là “ba Hải”, “thầy Hải” là anh Nguyễn Thiên Hải (49 tuổi) đã gắn bó với mái ấm suốt 27 năm qua.

TP.HCM nghĩa tình: “Nhờ có mái ấm, chúng em có một nơi gọi là nhà”   - Ảnh 1.

Mỗi tuần mái ấm Ánh Sáng sẽ sinh hoạt một lần để anh Hải nắm bắt tình hình học tập, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng sống cho các em

ẢNH: NVCC

Hơn 30 năm về trước, trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều trẻ em lang thang kiếm sống. Các em làm đủ nghề từ đánh giày, bán vé số đến phụ việc vặt ở ga xe lửa, đêm xuống lại co ro ngủ ở vỉa hè, gầm cầu.

Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết, UBND Q.3 đã thành lập một tổ ấm để sau ngày dài mưu sinh vất vả, các em có một chỗ ngủ đàng hoàng, an toàn hơn.

Hồi tưởng về những ngày còn trẻ, anh Hải cho biết mình là một cộng tác viên thường xuyên ghé thăm, chơi đùa cùng các em. Càng tiếp xúc, anh càng thương vì sự nghị lực mạnh mẽ của những đứa trẻ chỉ mới lên 9, 10 tuổi đã biết tự lập.

Anh kể, có những em vì hoàn cảnh mà phải “nhảy tàu” vào Sài Gòn bán vé số, bán báo hay làm thuê ở ga tàu để mưu sinh. Có em còn tranh thủ nghỉ hè vào thành phố một mình để đi làm, chắt chiu từng đồng để có tiền đi học.

“Các em còn rất nhỏ nhưng lại rất có ý chí. Càng gần gũi tôi càng thương các em nên quyết định gắn bó đến tận bây giờ”, anh Hải nhớ lại.

TP.HCM nghĩa tình: “Nhờ có mái ấm, chúng em có một nơi gọi là nhà”   - Ảnh 2.
TP.HCM nghĩa tình: “Nhờ có mái ấm, chúng em có một nơi gọi là nhà”   - Ảnh 3.
TP.HCM nghĩa tình: “Nhờ có mái ấm, chúng em có một nơi gọi là nhà”   - Ảnh 4.
TP.HCM nghĩa tình: “Nhờ có mái ấm, chúng em có một nơi gọi là nhà”   - Ảnh 5.
TP.HCM nghĩa tình: “Nhờ có mái ấm, chúng em có một nơi gọi là nhà”   - Ảnh 6.

Góc học tập của các em ở mái ấm Ánh Sáng

ẢNH: THÁI THANH - HOÀI NHIÊN

Theo anh Hải, mái ấm do UBND Q.3 chính thức thành lập vào năm 1994. Với sự vận động nguồn từ Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM, các em được hỗ trợ tiêu chuẩn 34.000 đồng mỗi ngày cho việc ăn uống. Về học phí, một số trường công lập miễn giảm, giúp các em có cơ hội đến lớp như bao đứa trẻ khác.

Suốt gần 3 thập kỷ gắn bó, anh Hải không xem các em như "đối tượng cần giúp đỡ" mà coi như con, như cháu trong gia đình. Anh lặng lẽ dõi theo hành trình trưởng thành của từng em, vui mừng khi các em có công việc ổn định, có gia đình riêng. Với anh, hạnh phúc lớn nhất là những đứa trẻ ngày nào quay lại thăm mái ấm, dắt theo con nhỏ và gọi anh bằng "ông".

"Xem các em như con, mình trao đi yêu thương thì các em cũng sẽ cảm nhận được và trao lại" anh Hải nói.

Vừa trò chuyện, một người phụ nữ khoảng 30 tuổi bước vào, mang theo túi quà quê. Anh Hải giới thiệu: “Đây là một chị từng lớn lên tại một mái ấm, nay đã trưởng thành, có công việc ổn định và thường xuyên đến thăm các em”.

Hiện tại, mái ấm Ánh Sáng đang nuôi dạy 24 em nhỏ, trong đó 11 em học tiểu học, 11 em học cấp 2 và 2 em đang học trường nghề cấp 3. Mái ấm chỉ nhận các bé từ 6 tuổi trở lên vì không có bảo mẫu, các em cần tự chăm sóc bản thân. Tất cả đều là nam giới, nhiều em mất cha mẹ, bị gia đình bỏ rơi hoặc từng lang thang kiếm sống.

Các em ở mái ấm còn được học các môn năng khiếu, thể thao rèn luyện

ẢNH: THÁI THANH - HOÀI NHIÊN

"Ở đây, tôi luôn hướng các em ưu tiên việc học. Nếu không theo được chương trình văn hóa thì sẽ học nghề, miễn sao các em có thể tự lập và sống tốt," anh Hải chia sẻ.

Không chỉ là người quản lý, anh Hải còn là ba, là chú, là người bạn của các em. Vào cuối tuần, anh thường tổ chức các buổi sinh hoạt nhằm động viên những em đạt kết quả học tập tốt và khuyên răn các em còn vi phạm lỗi.

Không những vậy, các em ở mái ấm còn được tham gia chơi các bộ môn thể thao vào cuối tuần như học bơi, đá bóng, cầu lông để rèn luyện sức khỏe. Anh tự hào khoe với chúng tôi, nhờ chơi thể thao mà các em rất khỏe mạnh. Mỗi em lại có một tài lẻ riêng.

Theo anh, điều quan trọng nhất để đồng hành cùng các em là hiểu được tâm lý và xây dựng niềm tin: "Các em phải tin mình thì mới chịu chia sẻ với mình. Phải hiểu tâm lý các em, nhất là các em đang ở độ tuổi dậy thì”.

Công việc này chưa bao giờ dễ dàng, nhưng suốt 27 năm qua, anh Hải chưa một lần có ý định bỏ cuộc. "Chỉ cần thấy các em trưởng thành, sống tử tế, tôi biết rằng những gì mình làm đều xứng đáng", anh nói.

Mái ấm như một gia đình

Đối với các em, mái ấm Ánh Sáng giống như một gia đình, nơi các em có thể cảm nhận được hơi ấm tình thương của ba mẹ, anh chị em. Những bữa cơm quây quần, những lời động viên lúc khó khăn hay những lần cùng tổ chức sinh nhật đều trở thành những phần rất đẹp trong tuổi thơ của mỗi đứa trẻ.

Đều đặn mỗi quý, anh Hải sẽ tổ chức sinh nhật tập thể cho các em, dẫn các em đi ăn pizza, gà rán, mua bánh kem. Người đàn ông tâm tình: “Cứ 3 tháng một lần, mái ấm sẽ làm tiệc sinh nhật cho các em. Mấy đứa nhỏ vui và háo hức lắm, thấy vậy tôi cũng rất mừng. Ai cũng xứng đáng được sinh ra trên cuộc đời này, xứng đáng được yêu thương”.

Dịp sinh nhật, anh Hải bí mật chuẩn bị những món quà nhỏ, trò chơi bất ngờ để các em vui. Có lẽ, nhìn thấy nụ cười của những đứa trẻ là niềm hạnh phúc lớn lao của người đàn ông ấy.

Các em nhỏ ở mái ấm Ánh Sáng đạt được thành tích trong học tập, rèn luyện

ẢNH: THÁI THANH - HOÀI NHIÊN

Ở mái ấm, các em được dạy dỗ phải sống chan hoà, yêu thương nhau như anh em ruột thịt. Đặc biệt, đối với các em nam đến tuổi dậy thì, anh Hải thường dành thêm thời gian riêng để dạy các em về giáo dục giới tính, định hướng tương lai để các em phát triển tốt, đúng với nguyện vọng, khả năng của mình.

Em Vũ Nhật Đăng Khoa (17 tuổi), một thành viên của mái ấm Ánh Sáng chia sẻ, em ở đây từ ngày nhỏ, cảm thấy đây giống như đại gia đình của mình.

Lúc mới đến, Khoa cảm thấy nhiều bỡ ngỡ, nhưng theo thời gian, em dần xem mọi người như anh chị ruột của mình. Trước đây, em từng nghĩ mình sẽ không bao giờ có một gia đình trọn vẹn.

"Nhưng nhờ có chú Hải, nhờ có mái ấm này, chúng em có một nơi gọi là nhà.Chú Hải không chỉ là người bảo bọc, nuôi dưỡng em, mà còn là người dạy em cách sống tử tế, cách yêu thương và biết ơn. Chúng em xem chú như ba của mình”.

TP.HCM nghĩa tình: “Nhờ có mái ấm, chúng em có một nơi gọi là nhà”   - Ảnh 11.
TP.HCM nghĩa tình: “Nhờ có mái ấm, chúng em có một nơi gọi là nhà”   - Ảnh 12.
TP.HCM nghĩa tình: “Nhờ có mái ấm, chúng em có một nơi gọi là nhà”   - Ảnh 13.

Anh Hải tổ chức sinh nhật quý 1 cho các em nhỏ ở mái ấm

ẢNH: THÁI THANH - HOÀI NHIÊN

Bên cạnh em Khoa là em Lê Hoàng Khanh (6 tuổi). Em được bà ngoại đưa đến sống tại mái ấm cũng đã 6 tháng.

Khanh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ba mẹ vướng vào tù tội nên 5 anh em phải theo bà ngoại sống lang thang ở ga Sài Gòn. Vì lớn tuổi không đủ sức nuôi cháu, bà ngoại em đành gửi 5 anh em đến 5 mái ấm khác nhau.

Tuy còn nhỏ tuổi nhưng Khanh rất hiểu chuyện, em nói: “Ở đây em thấy vui lắm, không xa lạ gì. Đến mái ấm một ngày là em đã quen hết tất cả mọi người rồi”.

Khi được hỏi có thường xuyên gặp anh chị em không, Khanh nói rằng em nhớ mọi người rất nhiều nhưng hiếm khi có cơ hội gặp lại. Đứa trẻ với lời nói ngây thơ nhưng sao khiến người nghe xót xa đến lạ thường.

Người phụ nữ ngồi ở khu vực bếp là cô Tám (60 tuổi). Cô phụ trách chuyện bếp núc, dọn dẹp, chăm nom các em ở mái ấm. Cô bộc bạch rằng: “Tôi một thân một mình ở thành phố nên có các em cũng đỡ buồn nhiều. Công việc chăm nom trẻ em nhìn thì dễ nhưng không phải ai cũng có thể làm, mình phải có lòng yêu thương trẻ con, sự kiên nhẫn, bao dung thì mới có thể gắn bó lâu dài”.

Bằng tình yêu thương và sự tận tụy, mái ấm Ánh Sáng vẫn tiếp tục hành trình thắp lên hy vọng cho những mảnh đời kém may mắn.

Giữa lòng TP.HCM nghĩa tình, mái ấm như một ngôi nhà đặc biệt, nơi đã dang rộng vòng tay đón nhận biết bao đứa trẻ cơ nhỡ. Nơi đây không chỉ là nơi ở, mà còn là tổ ấm, là điểm tựa giúp các em bước ra khỏi bóng tối của cuộc đời, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.

Các tin khác

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.

Mẹo phân biệt sữa thật - giả

Người dân có thể dựa vào màu sắc, độ mịn, mùi vị, khả năng hòa tan và bao bì để phân biệt sữa thật, sữa giả, tránh ảnh hưởng sức khỏe khi sử dụng.

Giá sống - giá chín, ăn loại nào tốt hơn?

Nhiều người băn khoăn không biết ăn giá sống hay giá chín sẽ tốt hơn cho sức khỏe. Theo chuyên gia dinh dưỡng, mỗi cách ăn đều có ưu, nhược điểm riêng, cần cân nhắc kỹ để đảm bảo an toàn trong ăn uống.