Theo báo cáo của Cục Thống kê, Bộ Tài chính, 4 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng cao thứ hai kể từ năm 2021 đến nay.
Đóng góp chính vào mức tăng trưởng chung là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 10,1%, đóng góp 8,5 điểm %. Ngoài ra, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,1%, đóng góp 0,5 điểm %; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,2%, đóng góp 0,1 điểm %; ngành khai khoáng giảm 4,5%, làm giảm 0,7 điểm %.
So với cùng kỳ năm trước, IIP 4 tháng đầu năm nay tăng ở 62 địa phương, duy nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 3,2%. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá nhờ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

10 địa phương có IIP tăng cao nhất cả nước trong 4 tháng đầu năm. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê các tỉnh, thành phố; Cục Thống kê, Bộ Tài chính).
IIP Phú Thọ tăng 46,1%, giữ vững ngôi vị 'quán quân'
Số liệu từ Chi cục Thống kê Phú Thọ cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 4 tháng đầu năm nay tiếp tục đạt tăng trưởng cao so với cùng kỳ nhờ các doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn hoạt động ổn định, tích cực mở rộng tìm kiếm thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh.
So với cùng kỳ, IIP 4 tháng năm nay của Phú Thọ tăng 46,1%, tiếp tục dẫn đầu cả nước. Theo báo cáo của Chi cục Thống kê tỉnh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò là động lực tăng trưởng, dẫn dắt toàn ngành công nghiệp với chỉ số sản xuất tăng 47,42%. Phú Thọ cũng là địa phương có chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo tăng cao nhất cả nước.

Những địa phương có chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo tăng cao nhất cả nước trong 4 tháng đầu năm. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê các tỉnh, thành phố; Cục Thống kê, Bộ Tài chính).
Hoà Bình tiếp tục xếp thứ hai với IIP tăng 27,33%
Về nhì ở chỉ tiêu này là tỉnh Hoà Bình với IIP 4 tháng đầu năm tăng 27,33% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Cục Thống kê, Hoà Bình cũng là địa phương có chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao nhất cả nước với mức tăng 63,7%.

Những địa phương có chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao nhất cả nước trong 4 tháng đầu năm. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê các tỉnh, thành phố; Cục Thống kê, Bộ Tài chính).
IIP Bắc Giang tăng 26,75%, cao thứ ba cả nước
Chi cục Thống kê Bắc Giang cho biết, tính chung 4 tháng đầu năm, IIP của tỉnh ước tăng 26,75%. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu với mức tăng 27,29%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải tăng 3,55%. Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm 11,78%; sản xuất và phân phối điện giảm 0,21%.
Với mức tăng trưởng 27,29%, Bắc Giang là một trong 4 địa phương có chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo cao nhất cả nước.
IIP Nam Định tăng 24,39%
Xếp vị trí thứ tư là tỉnh Nam Định với chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 24,39% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo đóng góp 24,08 điểm % với chỉ số sản xuất tăng 24,65%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 10,21%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 17,48%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 51,23%, làm giảm 0,19 điểm phần trăm.
IIP Quảng Ngãi tăng 21,46%
Sự đóng góp tích cực của các dự án lớn và sự phục hồi sản xuất ở một số ngành công nghiệp chủ lực đã giúp IIP 4 tháng đầu năm của Quảng Ngãi tăng 21,46% so với cùng kỳ năm 2024.
Báo cáo của Chi cục Thống kê Quảng Ngãi cho thấy cả 4 ngành công nghiệp cấp I của tỉnh đều có chỉ số sản xuất tăng. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng đạt mức tăng mạnh, tới 168,16%, chủ yếu do nhu cầu cao về nguyên vật liệu phục vụ thi công các công trình hạ tầng trọng điểm như tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, tuyến đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi, dự án cải tạo Quảng trường và cải tạo cảnh quan cầu Trà Khúc 1, hạ tầng khu kinh tế Dung Quất.
IIP Hà Nam tăng 21,2%
4 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt với IIP tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 6 cả nước.
Theo báo cáo của Chi cục Thống kê Hà Nam, có 3/4 ngành công nghiệp cấp I của tỉnh ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ, gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 22%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,4%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,8%. Riêng ngành khai khoáng giảm 15,2%.
IIP Bắc Kạn tăng 19,7%
Chỉ số sản xuất ngành sản xuất chế biến, chế tạo tăng cao là nguyên nhân giúp chỉ số IIP của Bắc Kạn tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2024.
Bắc Kạn cũng là một trong những địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: Phú Thọ tăng 47,4%; Bắc Kạn tăng 27,9%; Bắc Giang tăng 27,3%; Nam Định tăng 24,7%.
IIP Tiền Giang tăng 16,73%
Với mức tăng 16,73% so với cùng kỳ năm trước, Tiền Giang bất ngờ lọt top 10 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất cả nước.
4 tháng đầu năm, cả ba ngành công nghiệp cấp I của tỉnh đều có chỉ số sản xuất tăng. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,02%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,06%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,59%.
IIP Huế tăng 15,8%
Tại phiên họp thường kỳ tháng 4, lãnh đạo UBND TP Huế cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm của địa phương tăng 15,8%, trong đó ngành chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ lực.
Theo báo cáo của Cục Thống kê, Huế là một trong những địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao nhất cả nước, với mức tăng 37,5%.
IIP Tây Ninh tăng 15,47%
Địa phương cuối cùng trong danh sách là tỉnh Tây Ninh với IIP 4 tháng đầu năm tăng 15,47%.
Chi cục Thống kê Tây Ninh cho biết cả 4 ngành công nghiệp cấp I của tỉnh đều có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 10,69%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,9%; ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng 2,77%; hoạt động cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải, tái chế phế liệu tăng 18,66%.