Quản trị

"Tiệm vàng 4.0" lên Shark Tank gọi vốn: Khách mua trả góp online từ 100.000 đồng, tới khi tích đủ 1 chỉ vàng thì đến tiệm lấy hàng về

Nhà sáng lập cuối cùng xuất hiện trong Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 1 là Hana Ngô, CEO HanaGold, chuỗi tiệm kim hoàn ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và kinh doanh.

Hana Ngô cho biết khi còn là cô bé 5-6 tuổi, cô đã nhìn thấy hình ảnh người bà, người mẹ hàng tháng dành từng chút tiền để cuối tháng mua những chỉ vàng tích lũy. Điều đó khiến cô nung nấu ý định làm thế nào để người dân Việt Nam có thể tích lũy vàng một cách dễ dàng hơn. Chính vì vậy, HanaGold ra đời.

Cụ thể, đến với HanaGold, khách hàng có thể mua vàng tích lũy online chỉ từ 100.000 đồng và khi nào đủ 1 chỉ vàng, họ có thể nhận vàng trực tiếp tại cửa hàng HanaGold hoặc chuỗi cửa hàng nhượng quyền trên toàn quốc. Hiện HanaGold đã xây dựng được 3 cửa hàng vật lý. Ngoài ra, với mô hình nhượng quyền, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra 500.000 đồng là đã sở hữu một tiệm kim hoàn 4.0.

Đến với Shark Tank Việt Nam, Hana Ngô kêu gọi đầu tư 200.000 USD cho 10% cổ phần.

Trước thắc mắc của Shark Hưng và Shark Hùng Anh về việc giá vàng liên tục biến động, Hana Ngô cho biết giá vàng sẽ tính tại thời điểm khách mua. Còn việc cân đối dòng tiền khi giá vàng chênh lệch giữa thời điểm khách mua và thời điểm giao vàng là trách nhiệm của Hana Gold.

Điều này khiến Shark Hưng quan ngại rủi ro. "Anh mua vàng của em giá thời điểm này đang gần 70 triệu. 7 tháng sau anh mới nhận thì lúc ấy lên 100 triệu thì em không có tiền mua vàng vật chất trả cho anh", Shark Hưng nghi ngờ.

Về tình hình kinh doanh, nữ sáng lập cho biết HanaGold thành lập từ năm 2020. Startup hiện có hơn 15.000 khách hàng dùng ứng dụng điện thoại. Trong đó có khoảng 30% đã mua hàng.

Về bức tranh tài chính, Hana Ngô cho biết vốn điều lệ của doanh nghiệp là 10 tỷ đồng đến từ 3 cổ đông. Hana Ngô hiện nắm giữ 60% cổ phần. Tổng chi phí từ khi thành lập vào năm 2020 đến nay doanh nghiệp đã sử dụng hết 7 tỷ đồng. Về doanh thu, riêng năm 2020 và 2021, doanh nghiệp bị "đóng băng". Doanh thu quý I/2022 dao động từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng.

Mô hình tiềm ẩn nhiều rủi ro, cả 5 '"cá mập" từ chối

Tiệm vàng 4.0 lên Shark Tank gọi vốn: Khách mua trả góp online từ 100.000 đồng, tới khi tích đủ 1 chỉ vàng thì đến tiệm lấy hàng về - Ảnh 1.

Trước thắc mắc của các Shark về việc đảm bảo trách nhiệm với người mua nếu chẳng may phá sản, Hana Ngô cho biết HanaGold hiện có cơ chế trích lập quỹ dự phòng như các ngân hàng. Cô cho rằng vấn đề này "nằm ở niềm tin".

Tuy nhiên lời giải thích của nữ sáng lập không nhận được sự đồng tình từ các Shark. "Trong nguyên tắc về đầu tư đặc biệt là đầu tư tài chính thì cơ chế mới là quan trọng. Tất nhiên phải có niềm tin nhưng tin là tin về cơ chế, tức là không lừa đảo, không gian dối, chứ không phải tin vào một cá nhân nào cụ thể", Shark Hưng phân tích.

Shark Hưng cũng nói thêm rằng việc giá vàng lên xuống sẽ ảnh hưởng quyết định của startup tại thời điểm bàn giao vàng cho khách, vì khi đó có thể mất cân đối với dòng tiền đã thu. Hơn nữa, cách thức nhượng quyền các tiệm vàng lại thêm một rủi ro trung gian khác khi startup giao vàng cho cửa hàng nhượng quyền rồi từ đó mới giao cho khách, trong khi tiền thì startup đã thu. Chính vì vậy, Shark Hưng từ chối đầu tư cho startup.

Tương tự Shark Hưng, Shark Liên và Shark Hùng Anh đồng loạt rút lui vì mô hình có độ rủi ro cao. Thậm chí Shark Hùng Anh còn nhiều lần nhấn mạnh điều này và khuyên startup nên xem lại mô hình của mình.

Trong khi đó, Shark Bình khẳng định mô hình nhượng quyền tiệm vàng 4.0 mà startup đưa ra là không khả thi. Shark cho rằng 4.0 hay công nghệ không phải là cây đũa thần và vẫn có những ngành kinh doanh không thay đổi được. Do không tin tưởng vào tương lai thành công của mô hình kinh doanh, "cá mập" đến từ NextTech nhanh chóng rút lui như 3 bạn cùng bể.

Là người chú trọng đến bức tranh tài chính, Shark Phú phân tích rằng startup bán vàng đã chuẩn bị 2 năm, triển khai 3 tháng mà doanh thu chỉ 1 tỷ đồng là một vấn đề.

Điều đó thể hiện rằng khách hàng chưa tin tưởng vào doanh nghiệp. "Không ai biết đến em, em bắt người ta đưa tiền trước cho em giữ xong em tuyên bố ‘tôi có bí quyết để tôi cân đối được, tôi dự phòng’… Ví dụ Ngân hàng Nhà nước trích lập tiền dự phòng, ngân hàng thương mại phải đưa cho Ngân hàng Nhà nước giữ thì mới có ý nghĩa dự phòng. Chứ tôi dự phòng trong két, mai tôi rút két ra thì đâu phải dự phòng", Shark Phú phân tích và cũng quyết định không đầu tư.

Được biết, chuỗi tiệm kim hoàn HanaGold từng đạt giải ba cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp Techfest 2021 nhờ giải pháp số hóa kinh doanh vàng bạc đá quý. Tuy nhiên, tại Shark Tank năm nay, startup này đã phải ra về tay trắng.

Các tin khác

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (26/3), giá vàng trong nước tiếp tục duy trì đà tăng ngày thứ 2 liên tiếp. Theo đó, giá vàng SJC tiến sát mốc 98 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn gần 99 triệu đồng/lượng.

Không phải vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu, đây mới là nguồn vốn lớn nhất của doanh nghiệp BĐS

Theo thống kê FiinGroup, trong cơ cấu huy động vốn của 54 doanh nghiệp bất động sản nhà ở đang niêm yết, trái phiếu và bất động sản chỉ chiếm tổng cộng khoảng 31%. Trong khi đó, tiền từ khách hàng trả trước chiếm 18% và nguồn khác (chủ yếu bao gồm hợp đồng hợp tác kinh doanh) lên đến 51%.

Vì sao nhóm chứng khoán vẫn sốt sắng với kế hoạch tăng vốn?

Tái khởi động câu chuyện tăng vốn của ngành chứng khoán trong bối cảnh thị trường có tín hiệu tạo đáy sau nhịp điều chỉnh thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Câu hỏi tại sao các công ty chứng khoán vẫn đang sốt sắng với kế hoạch tăng vốn đầy tham vọng của mình.

Giao Hàng Tiết Kiệm – công ty muốn IPO với định giá tỷ USD kinh doanh ra sao?

Tập đoàn Sea – công ty mẹ Shopee và Kerry Logistics được cho là 2 cổ đông lớn nhất của GHTK. Lợi nhuận sau thuế của GHTK năm 2021 là hơn 300 tỷ đồng trong khi 2 năm 2019-2020, con số này đều trên 500 tỷ đồng. Thị trường giao hàng tại Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển nhưng cũng hứa hẹn cuộc đua đầy quyết liệt giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.