Xã hội

Thứ trưởng GTVT: Chi phí làm cao tốc ở miền Tây gấp 1,5 lần nơi khác

Phát biểu tại buổi hội thảo "Xóa trắng cao tốc, phát huy lợi thế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)" diễn ra sáng 31/5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm thẳng thắn nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng chưa cao, chưa phát huy và khai thác đúng tiềm năng và lợi thế tự nhiên của khu vực, đời sống người dân còn khó khăn. Tính kết nối nội vùng, giữa vùng với TP HCM và vùng Đông Nam bộ còn hạn chế.

“Một trong những nguyên nhân quan trọng là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải với khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn. Đến nay, trong toàn vùng mới hoàn thành khoảng 91 km đường bộ cao tốc (đoạn TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận) trên tổng số 1.239 km của cả nước, chiếm 7%”, Thứ trưởng GTVT nhìn nhận.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm phát biểu tham luận tại hội thảo. (Ảnh: Báo Thanh niên).

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông cho khu vực tuy đã được Đảng, nhà nước quan tâm bố trí nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu do điều kiện địa hình bị chia cắt, nền địa chất yếu, ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên suất đầu tư xây dựng lớn.

Theo tính toán, suất đầu tư đường bộ cao tốc tại khu vực ĐBSCL cao hơn 1,3 -1,5 lần so với các khu vực khác, đây cũng là một phần lý do khiến số lượng công trình được đầu tư chưa được nhiều, đồng thời khả năng kêu gọi nguồn lực từ xã hội bị hạn chế.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tấn Đông, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả (đơn vị đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) cho biết khó khăn lớn nhất là vùng ĐBSCL địa chất nền đất yếu.

Mỗi năm vùng ĐBSCL lún trung bình 1 cm, cá biệt một số khu vực lún tới 5 - 7 cm/năm. Xây dựng công trình qua nền địa đất yếu tốn rất nhiều thời gian, tăng tổng mức đầu tư, kém hiệu quả.

Khó khăn nữa là tình trạng khan hiếm vật liệu, ngoài cát, đất đá cũng rất khan hiếm. Vì chỉ một số vùng đủ vật liệu như cát ở Đồng Tháp, đá ở An Giang, Đồng Nai, nên việc vận chuyển vật liệu ra các vùng lớn phát sinh nhiều chi phí. Từ nay tới năm 2025 xây dựng thêm 400 - 500 km cao tốc nữa thì áp lực vật liệu rất lớn.

Bên cạnh đó, hạn mặn xâm nhập gây khó khăn, các địa phương phải xây dựng đập ngăn mặn cũng ảnh hưởng tới vận chuyển vật liệu, kéo dài dự án. Hệ thống kênh rạch chằng chịt của ĐBSCL dù là lợi thế của vùng, nhưng lại là hạn chế với xây dựng công trình do phải vận chuyển vật liệu từ tàu lớn sang tàu nhỏ, ảnh hưởng tiến độ.

Thông tin tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cũng cho biết dự kiến giai đoạn 2021-2025, các tỉnh miền Tây sẽ hoàn thành tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 (30 km, tổng mức đầu tư khoảng 9.800 tỷ đồng). Ngoài ra, triển khai và cơ bản hoàn thành tuyến Cần Thơ - Cà Mau với chiều dài 109 km, tổng mức đầu tư trên 27.000 tỷ đồng. Các tuyến cao tốc này thuộc trục cao tốc Bắc - Nam phía đông.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đang trình Quốc hội khóa 15 chủ trương đầu tư tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với chiều dài 188 km, tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng.

Bộ GTVT đang lập dự án đầu tư tuyến Mỹ An - Cao Lãnh dài 26 km, tổng vốn 4.770 tỷ đồng, dự kiến sẽ khởi công trong năm 2023. Tuyến Cao Lãnh - An Hữu (27 km), tổng vốn khoảng 5.886 tỷ đồng.

Bộ cũng tiếp tục đầu tư một số hạng mục để tổ chức khai thác đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (80 km) theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Tất cả dự án này đều được sử dụng bằng nguồn đầu tư công và đã được xác đinh và bố trí nguồn vốn triển khai thực hiện.

Như vậy, theo lãnh đạo ngành GTVT, tới năm 2025 cơ bản hoàn thành thêm khoảng 460 km đường bộ cao tốc, nâng tổng số lên khoảng 550 km cao tốc trong vùng.

Thông tin thêm, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết giai đoạn 2026 - 2030, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thành khoảng 637 km với nhu cầu vốn ước tính trên 200.000 tỷ đồng.

Cụ thể, cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn 2 đầu cầu dài 15 km, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (qua Long An dài 21 km), đoạn Đức Hòa - Mỹ An dài 74 km, đoạn Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212 km, đoạn An Hữu - Trà Vinh dài 90 km, đoạn Trà Vinh - Hồng Ngự dài 68 km và tuyến cao tốc từ TP HCM đến Sóc Trăng dài 150 km.

Các tin khác

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (27/4), giá vàng trong nước tiếp tục tăng lên mốc 121 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC và 120 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn.

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Bộ Y tế có tân nữ Thứ trưởng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 658/QĐ-TTg ngày 31/5/2022 bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế.

Bác sỹ nhận 10 triệu đồng/tháng để "bảo kê" sàn bay lắc tại bệnh viện

Theo nội dung cáo trạng, một nhóm bác sỹ, nhân viên y tế của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để thu, nhận tiền trái phép của bệnh nhân rồi mang ra chia chác. Trong đó, một bệnh nhân là đối tượng ma túy đã nộp 'tô' hằng tháng từ 6-10 triệu đồng.

Chủ tịch FiinGroup: Quy mô thị trường ít nhất tăng gấp đôi, đón dòng vốn ngoại gần 70 tỷ USD nếu nâng hạng

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, Việt Nam trong cuộc chơi “hạng cân nhẹ” thì quy mô vốn nhận được rất ít. Còn khi được tham gia vào cuộc chơi tầm trung với quy mô vốn của thị trường mới nổi khoảng 6.800 tỷ USD, chỉ cần nhận được 1% vốn đã rơi vào khoảng 68 tỷ USD.

Cổ phiếu tâm điểm 1/6: GMD, VPI, PC1, CTD

Một số cổ phiếu đáng chú ý được các công ty chứng khoán đưa ra gồm: GMD (Gemadept), VPI (Đầu tư Văn Phú - Invest), PC1 (Xây lắp điện 1) và CTD (Xây dựng Coteccons).