Ghi nhận của VnExpress tại trung tâm thương mại SC Vivo City (quận 7, TP HCM) vào ngày cuối tuần trước Tết Nguyên đán cho thấy các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, phụ kiện... tại đây chỉ lác đác người ghé. Chủ yếu khách đến xem chương trình khuyến mãi, nếu không như mong đợi sẽ rời đi. Một số cửa hàng khuyến mãi 50-70%, mua một tặng một nhưng vẫn vắng khách qua lại.
Trung tâm thương mại này dành diện tích khá lớn ngay sảnh tầng triệt để cho các thương hiệu lẻ thuê mặt bằng. Dù treo biển khuyến mãi, các gian hàng tại đây chỉ có hơn 20 lượt khách, vắng hơn nhiều so với Black Friday và các dịp mua sắm cuối năm 2023 (trung bình có khoảng 50-70 lượt khách).
Tình trạng thắt chặt hầu bao khi mua sắm cũng được ghi nhận tại các trung tâm thương mại và các cửa hàng bán lẻ thời trang, mỹ phẩm, phụ kiện, điện máy... ở Hà Nội và TP HCM.
Trái ngược hẳn, siêu thị Co.op Xtra tại SC Vivo City luôn trong tình trạng đông đúc. Dù hơn 21h, người mua vẫn phải xếp hàng dài chờ 15-20 phút mới đến lượt thanh toán.
Các siêu thị Co.op Mart, Lotte, Winmart, Big C, AEON hay các chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu đều ghi nhận sức mua tăng trưởng tốt trong dịp Tết.
Sở hữu hơn 50 siêu thị tại TP HCM, Kingfoodmart cho biết trong nửa đầu tháng 1, sức mua của khách hàng đã tăng thêm 30% so với ngày thường. Hệ thống siêu thị thực phẩm này ghi nhận gần 300.000 lượt mua sắm, tăng hơn 100% so với cùng kỳ 2023. Sức mua cải thiện giúp chuỗi này tự tin nâng tổng giá trị nguồn hàng thiết yếu lên gần 300 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm, tăng 150% so với ngày thường, để phục vụ mùa Tết.
CEO Nguyễn Thị Ngọc Thúy cho biết việc mua sắm cho Tết có dấu hiệu tăng trưởng so với các dịp lễ trước đó. Khách hàng chuộng mua các sản phẩm thịt, cá, rau củ, bún miến, gia vị, các sản phẩm quà biếu Tết. Bên cạnh đó, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe cũng bán chạy.
Trong khi đó, về phía các ngành hàng không thiết yếu, đại diện một chuỗi bán túi xách, giày và phụ kiện cho nữ, có hơn 60 cửa hàng ở miền Nam, nói sức mua dịp Tết năm nay gần như đi ngang, một số điểm bán còn giảm so với cùng kỳ. Chuỗi này dự báo sức mua ì ạch như thế sẽ kéo dài ít nhất đến quý III, nếu tình hình kinh tế và thu nhập người dân cải thiện hơn, nhu cầu với các nhóm hàng trên mới được cải thiện rõ rệt vào cuối năm nay.
"Chúng tôi đã dự báo trước kịch bản này và chuẩn bị các chuỗi chương trình kích cầu, khuyến mãi hợp lý cho cả năm. Điều này là dễ hiểu vì khi thu nhập được cải thiện, người ta vẫn ưu tiên cho các nhóm hàng thiết yếu, sau đó mới đến các sản phẩm mà chúng tôi kinh doanh", đại diện chuỗi này cho biết.
Trong báo cáo gần đây, nhóm phân tích của VNDirect nêu quan điểm các công ty hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ được hưởng lợi đầu tiên khi dấu hiệu về nhu cầu phục hồi rõ ràng hơn. Nguyên nhân là người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên các sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh, tiếp đến là hàng hóa không thiết yếu. Theo VNDirect, phải đến nửa cuối năm nay đến đầu năm sau, sức mua ở nhóm không thiết yếu như điện tử và điện máy mới được cải thiện.
SSI Research cũng cho rằng tiêu dùng sẽ phục hồi trong năm nay nhờ lãi suất giảm đáng kể, trong đó lãi suất vay thấp hơn giúp hạ áp lực trả nợ vay mua nhà, tăng thu nhập khả dụng và gián tiếp hỗ trợ tiêu dùng. Đơn vị này dự báo xuất khẩu sẽ tăng 10%, giúp thị trường lao động phục hồi.
Tuy nhiên, xuất khẩu của các ngành sử dụng nhiều lao động như thủy sản, gỗ, dệt may dự kiến lấy lại đà tăng trưởng với tốc độ chậm hơn so với các ngành khác như điện tử và du lịch. Trong khi đó, lạm phát có thể vẫn là thách thức với mức tăng 3,8% vào năm 2024 do học phí, viện phí và giá điện có thể tăng. Do đó, sự phục hồi trong tiêu dùng không thiết yếu có thể khá chậm.