Thời sự

"Thặng dư thương mại của Việt Nam chủ yếu đến từ Mỹ, cuộc bầu cử sắp tới là rủi ro tiềm ẩn"

Trước thềm Hội nghị “UOB Gateway to ASEAN”, Ngân hàng UOB đã có báo cáo nhận định về nền kinh tế và bối cảnh đầu tư của Việt Nam.

Báo cáo nêu rõ, hoạt động thương mại của Việt Nam năm 2024 đã có sự phục hồi đáng kể, đặc biệt là xuất khẩu và nhập khẩu, vượt qua mức giảm trong năm 2023. Xuất khẩu, chủ yếu được thúc đẩy bởi thương mại với Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã tạo ra 58 tỷ USD thặng dư thương mại với Mỹ, tăng đáng kể so với mức 45 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023 và điều đó cho thấy sự đóng góp đáng kể từ Mỹ vào thặng dư thương mại khi so sánh với mức thặng dư 28 tỷ USD của cả nước trong năm 2023.

Bất chấp triển vọng tích cực này, vẫn có những lo ngại về sự phụ thuộc lớn của Việt Nam vào Mỹ và Trung Quốc về thương mại, điều mà các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc trước những xu hướng toàn cầu đang liên tục tiến triển.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với một số đối tác chính. (Nguồn: Hạ An tổng hợp từ Tổng cục Hải quan).

Bình luận về xuất khẩu của Việt Nam, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, UOB cho hay thặng dư thương mại của Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy bởi xuất khẩu sang Mỹ, góp phần hỗ trợ đồng nội tệ và năng lực nhập khẩu của nước này.

"Tuy nhiên, vẫn có lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến quan hệ thương mại Mỹ - Việt Nam, đặc biệt là với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới và khả năng hành động liên quan đến thặng dư thương mại lớn của Việt Nam. Ngoài ra, thặng dư thương mại của Việt Nam có thể bị giám sát chặt chẽ theo tiêu chí thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ", ông nói. 

Để giảm thiểu những rủi ro này, Việt Nam có thể đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng ra ngoài Mỹ sang các khu vực khác như Trung Đông, Ấn Độ và các nước châu Á lân cận.

Cán cân thương mại của Việt Nam với một số đối tác chính trong 7 tháng đầu năm.(Nguồn: Hạ An tổng hợp từ Tổng cục Hải quan).

Theo UOB, điểm mạnh của Việt Nam nằm ở khả năng cạnh tranh trong các ngành điện tử và điện, nhưng cũng có rủi ro khi quá phụ thuộc vào ngành này. Để giảm thiểu sự phụ thuộc vào ngành điện tử, Việt Nam nên đa dạng hóa xuất khẩu bằng cách mở rộng các ngành truyền thống như dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, thủy sản và nông nghiệp.

Đáng chú ý, xuất khẩu nông sản như rau quả tăng 24% so với cùng kỳ năm trước và sản phẩm gỗ tăng 23% so với cùng kỳ năm trước trong 7 tháng đầu năm nay. Chính phủ có thể hỗ trợ thêm cho các ngành này bằng cách đảm bảo đất đai sẵn có và đào tạo lao động phù hợp, giúp Việt Nam quản lý rủi ro và duy trì tăng trưởng đa dạng trên nhiều ngành khác nhau.

Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thương mại đối ngoại, với độ mở thương mại chiếm 162% GDP, khiến Việt Nam trở thành quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhiều thứ ba trong ASEAN.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm